Lợi hại tín dụng bán lẻ, nhìn từ hai đầu tàu lợi nhuận
Tín dụng bán lẻ trở thành một trong những lực đẩy chính, mà rủi ro được khẳng định thấp
Chiều 24/1, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) tổ chức buổi cập nhật định kỳ với giới phân tích đầu tư về tình hình hoạt động 2018. Kỷ lục mới của lợi nhuận khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam được xác nhận.
Cụ thể, năm 2018 Techcombank đạt 10.661 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 31% so với 2017; đánh dấu lần đầu tiên khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam có thành viên vượt mốc 10.000 tỷ lợi nhuận và đứng thứ hai hệ thống, chỉ sau Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank, đạt hơn 18.300 tỷ năm qua).
Hiệu quả cao, phân tán rủi ro
Cũng như các kỳ cập nhật trước, ông Trịnh Bằng, Giám đốc Tài chính Techcombank được giao trình bày các dữ liệu phản ánh tình hình hoạt động của ngân hàng. Và lần này, nợ xấu cập nhật chỉ ở mức 1,8%.
Các kỳ trước, ông Trịnh Bằng thường nhấn mạnh đến chiến lược tín dụng bán lẻ, đi kèm với diễn giải vừa để giảm thiểu rủi ro, vừa tạo hiệu quả trong sử dụng vốn.
Hiệu quả thì rõ ràng. Tín dụng bán lẻ được hiểu có cấu phần lớn cho vay khách hàng cá nhân, phân khúc có lãi biên thường cao hơn so với cho vay khách hàng doanh nghiệp nói chung.
Từ trong năm 2017, chiến lược trên tại Techcombank đã thể hiện rõ khi tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân đã lên tới trên 40%. Kết năm 2018, tỷ trọng này đã là 45% trên tổng danh mục cho vay - thuộc nhóm cao nhất trong hệ thống theo thông tin công bố và cập nhật đến thời điểm này.
Ở các kỳ cập nhật trước, ông Bằng cho biết, tỷ lệ nợ xấu trong thực tế cho vay khách hàng cá nhân hầu hết tại các thời điểm chỉ dưới 1% mà thôi.
Nhưng vì sao lại giảm thiểu được rủi ro và có tỷ lệ nợ xấu thấp như vậy?
Trả lời VnEconomy câu hỏi trên, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, trước hết ngân hàng không tham gia phân khúc tín dụng bán lẻ tín chấp, chỉ tập trung cho vay cá nhân mua nhà ở, mua xe và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tài sản thế chấp.
Quan trọng hơn, tín dụng bán lẻ được ông Quốc Anh lý giải ở thực tiễn phân tán rủi ro theo số lượng khách hàng.
Ví như, trước đây ngân hàng dồn những khoản vay cỡ 1.000 tỷ đồng cho một hoặc vài doanh nghiệp lớn vay, doanh nghiệp đầu ngành nào đó. Khi đối tượng vay gặp khó khăn, cả 1.000 tỷ này gặp rủi ro.
Còn với tín dụng bán lẻ, 1.000 tỷ này được phân tán ra cho hàng trăm khách hàng nhỏ lẻ, khách hàng cá nhân…, rủi ro được phân tán trong khi hiệu quả lãi biên tốt hơn.
Mặt khác, kinh tế vĩ mô và các giai đoạn phát triển thị trường không phải lúc nào tất cả các ngành hàng cũng đều cùng phát triển. Tín dụng bán lẻ giúp phân tán cả ở rủi ro ngành hàng, thay vì cho vay bán buôn dồn theo từng ngành trước đây mà dễ gặp rủi ro chung nếu ngành đó rơi vào khó khăn.
Và như nêu rõ cách làm những năm qua, ông Quốc Anh tiếp tục nhấn mạnh đến việc tạo dịch chuyển nhu cầu tín dụng lớn, trung và dài hạn của doanh nghiệp lớn sang kênh gián tiếp là trái phiếu.
Theo đó, năm 2018 Techcombank tiếp tục tư vấn phát hành cho hơn 60 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng tới 82% so với năm 2017. Còn nguồn vốn ngân hàng vẫn chủ yếu tập trung cho tín dụng bán lẻ.
Vietcombank từng… "ngạc nhiên"
Như trên, năm 2018 Techcombank dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân và đứng thứ hai hệ thống, Vietcombank dẫn đầu, về con số lợi nhuận tuyệt đối. Đây đều là hai thành viên hiệu quả nhất với điểm chung đẩy mạnh tín dụng bán lẻ.
Đến cuối 2018, tỷ trọng tín dụng bán lẻ tại Vietcombank tiếp tục mở rộng nhanh chóng, từ 39,6% năm 2017 lên tới 46,2%.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cũng khẳng định, tín dụng bán lẻ mang lại hiệu quả cao trong khi rủi ro "gần như không đáng kể" do tỷ lệ nợ xấu khu vực này những năm qua rất thấp.
Cũng như Techcombank, ông Thành cho biết Vietcombank chỉ lựa chọn phân khúc tín dụng bán lẻ có tài sản đảm bảo, không tham gia mảng tín chấp dù lãi suất cho vay ở đây cao hơn nhiều.
Bên cạnh phân tán rủi ro so với bán buôn, Chủ tịch Vietcombank lý giải rằng, việc chỉ chọn cho vay có tài sản đảm bảo giúp ngân hàng chủ động trong trường hợp có rủi ro để xử lý, thu hồi vốn.
"Năm 2018, Vietcombank đạt kỷ lục lợi nhuận, tăng trưởng cao như vậy. Có người hỏi vì sao tín dụng tăng trưởng thấp, lãi suất cho vay của chúng tôi ở mặt bằng có thể nói thấp nhất thị trường, làm sao mà đạt được kết quả đó", ông Thành chia sẻ.
Một trong những yếu tố thúc đẩy chính có ở tín dụng bán lẻ, bên cạnh gia tăng các nguồn phi tín dụng và hoạt động đầu tư vốn.
Nhưng, sự thúc đẩy đó phải mất một quá trình. Tại Vietcombank, đây là thay đổi lớn trong 5 năm qua.
Ông Thành kể, cuối năm 2014, khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, điều đầu tiên ông muốn hệ thống làm ngay và làm nhanh là đẩy mạnh và chiếm lĩnh thị phần tín dụng bán lẻ.
"Khi đó, ở cấp chi nhánh cũng có một số người ngạc nhiên. Bởi vì lâu nay Vietcombank là ngân hàng lớn, có vị thế lớn và thế mạnh về bán buôn, là đầu mối hàng đầu trong cho vay các tập đoàn, tổng công ty lớn, doanh nghiệp lớn…", ông Thành kể.
Nhưng, từ 5 năm trước, xác định chiến lược đó, tín dụng bán lẻ sẽ là mũi nhọn phát triển của thị trường và hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, nhất là với một thị trường có tỷ lệ dân số trẻ ở mức cao, Vietcombank nhanh chóng dịch chuyển.
Đến nay, hướng dịch chuyển trên tạo động lực quan trọng, góp phần để lợi nhuận bùng nổ trong năm 2018.
Và chưa dừng lại, sau khi đạt mức 46,2% năm qua, Chủ tịch Vietcombank cho biết sẽ tiếp tục nâng tỷ trọng tín dụng bán lẻ vượt mốc 50% trong năm 2019.