14:33 05/01/2009

Lỗi là do... con chuột!

Không biết bằng cách nào mà một con chuột đã lẻn vào container chứa 20 tấn hàng mực và nghêu đông lạnh

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
Không biết bằng cách nào mà một con chuột đã lẻn vào container chứa 20 tấn hàng mực và nghêu đông lạnh, trị giá 59.000 Đô la Mỹ xuất khẩu sang Ý.

Tranh chấp thương mại đã nổ ra giữa ba bên là doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đơn vị giao nhận và hãng tàu biển.

Cuối tháng 6 vừa qua, công ty L., một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Tp.HCM, đã ký hợp đồng giao nhận với công ty giao nhận N. cũng ở Tp.HCM để xuất khẩu sang Ý một container 400 feet gồm 10 tấn mực ống cắt khoanh và 10 tấn nghêu nguyên vỏ đông lạnh. Nơi nhận hàng là cảng Ancona.

Chi tiết trong hợp đồng giao nhận giữa hai bên quy định rõ ngày tàu chạy là 30-6 và dự kiến ngày 26/7 sẽ đến cảng Ancona. Với hàng thủy sản đông lạnh thì nhiệt độ trong container được quy định khá chặt. Trường hợp này công ty L. yêu cầu giữ container ở nhiệt độ âm 18 độ C trong suốt quá trình vận chuyển. Công ty giao nhận N. đã thuê hãng tàu biển quốc tế H. vận chuyển container nói trên.

Đầu tháng 8, công ty L. nhận được thông tin từ phía khách hàng cho biết tình trạng lô hàng cập cảng Ancona rất xấu. Tệ hơn nữa là sau ba ngày cập cảng, ngày 6-8, lô hàng đã bị cơ quan chức năng Ý cấm không được nhập vào bất kỳ cảng nào thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) với lý do toàn bộ lô hàng đã bị rã đông trong quá trình vận chuyển, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn thực phẩm.

Nhiệt độ trong container được thông báo từ +3 độ C tới +5 độ C, cao hơn rất nhiều so với cam kết trong hợp đồng giao nhận giữa công ty L. và công ty giao nhận N.

Sau khi phát hiện lô hàng thủy sản đông lạnh bị rã đông thì nhà nhập khẩu ở Ý đã mời giám định và công ty bảo hiểm làm việc để tìm hiểu nguyên nhân. Thế nhưng, hãng tàu biển H. vẫn thờ ơ, né tránh giải đáp các thắc mắc của nhà xuất khẩu.

Đến khi nhà nhập khẩu yêu cầu nhà xuất khẩu bồi thường thiệt hại của hợp đồng, và nhà xuất khẩu phải gây sức ép thì hãng tàu mới trả lời với công ty giao nhận N. Tuy nhiên, nguyên nhân được hãng tàu biển H. đưa ra đã gây ngạc nhiên cho cả nhà xuất khẩu lẫn người mua hàng: “Tìm thấy một con chuột trong dây cáp điện container...”.

Té ra, đã có một con chuột không hiểu bằng cách nào chui vào container và cắn đứt dây điện chạy hệ thống làm lạnh của container. Chính vì thế, nhiệt độ làm lạnh trong container đã không được đảm bảo và lô hàng bị rã đông.

Sự việc như vậy nhưng hãng tàu H. còn dọa sẽ chở lô hàng tái xuất về Việt Nam và gửi e-mail đòi nhà xuất khẩu phải trả cước vận chuyển chiều về. Phía nhà nhập khẩu cũng không vừa, dù lô hàng chưa tới 60.000 Đô la Mỹ, đã yêu cầu công ty bảo hiểm lô hàng điều tra. Tuy nhiên, muốn điều tra ai đã làm nhiệt độ trong container hàng đông lạnh tăng lên thì phải có sơ đồ nhiệt độ trong container suốt thời gian vận chuyển.

Về nguyên tắc, bên bảo hiểm của nhà nhập khẩu yêu cầu nhà xuất khẩu lấy sơ đồ điện trong container từ hãng tàu. Nhưng công ty L. đòi sơ đồ điện thì hãng tàu kiên quyết không cung cấp và cho rằng chỉ khi nào tranh chấp được đưa ra tòa án tại Hamburg (Đức) thì họ mới thi hành theo lệnh của tòa án.

Đại diện hãng tàu H. tại Việt Nam tuy thừa nhận phần lỗi về mình nhưng cũng chỉ đồng ý bồi thường nếu vụ việc được đưa ra tòa án ở Đức. Vì thế, gần ba tháng đã trôi qua nhưng tranh chấp vẫn chưa được giải quyết. Mới đây, còn nghe tin công ty L. thông qua nhà nhập khẩu của mình, sẽ theo đuổi vụ kiện tại Đức, dù chi phí cho vụ kiện chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều so với giá trị lô hàng.

Giám đốc công ty L. cho biết, công ty ông và nhà nhập khẩu có quan hệ làm ăn lâu dài và hiểu nhau khá rõ, nên đã thống nhất cùng nhau chia sẻ chi phí tham gia vụ kiện, với mục đích tạo một tiền lệ tốt cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

“Lâu nay nhiều nhà xuất khẩu thủy sản đông lạnh bị thiệt hại trong quá trình vận chuyển của hãng tàu nhưng vẫn im lặng chịu thua thiệt vì ngại tranh tụng tốn kém ở tòa án nước ngoài, nơi đặt trụ sở của các hãng tàu biển quốc tế”, ông nói.

Hồng Văn (TBKTSG)