Lừa đảo xuất khẩu lao động gia tăng: Nhà quản lý nói gì?
VnEconomy hỏi chuyện ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, xoay quanh câu hỏi trên
Thưa ông, một số thông tin gần đây phản ánh tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động có chiều hướng gia tăng. Ông nói gì về thông tin này?
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2005 có 43 vụ liên quan, năm 2006, con số này tăng lên 117 vụ và năm 2007 là 118 vụ.
Thực tế cho thấy, số vụ lừa đảo không những đã tăng lên hàng năm mà diễn biến của nó cũng hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Bên cạnh việc tuyển dụng lao động bất hợp pháp của một số cán bộ chi nhánh, trung tâm thuộc một số doanh nghiệp đầu mối là sự xuất hiện một số doanh nghiệp không có chức năng này cũng làm công tác tư vấn và thu tiền bất hợp pháp của người lao động, dưới danh nghĩa đưa đi học và làm việc tại nước ngoài…
Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự cởi mở trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đã nhập nhằng lập nên những cái gọi là “trung tâm” hoặc “công ty cung ứng lao động”; mượn danh pháp nhân hoặc mạo danh các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động với mục đích lừa đảo.
Có trường hợp đối tượng lừa đảo còn chọn vị trí ngay gần các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực này để hoạt động. Ngoài ra, chúng còn thông qua các trung tâm đào tạo nghề, thành lập các doanh nghiệp ở vị trí lẩn khuất, giả danh cán bộ đi tuyển sinh, đưa người lao động đi học để gây được niềm tin… Vì thế mà nhiều người sau một thời gian dài đi học, đã đóng một khoản tiền lớn cho cò mồi mới hay mình bị lừa.
Điều đáng báo động là có đến 96% người bị lừa đảo là nông dân. Họ là những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thật sự, nhưng do thiếu thông tin, hiểu biết về các doanh nghiệp có chức năng này, đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Ông nói rằng tình trạng trên thực tế gia tăng qua những năm gần đây, phải chăng cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm?
Trước hết phải thấy rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên.
Thứ nhất, do thông tin về xuất khẩu lao động chưa đến được với mọi người. Phần lớn người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục.
Thiếu thông tin, nếu lại thêm chút nhẹ dạ, cả tin, tâm lý nôn nóng, muốn được đi làm ngay ở những nước có thu nhập cao… thì người lao động rất dễ bị môi giới, cò mồi và những tổ chức cá nhân không có chức năng lợi dụng.
Việc mở nhiều chi nhánh, trung tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thời gian qua cũng khiến tình hình trở lên phức tạp. Hiện cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động nhưng một số doanh nghiệp lập trung tâm, cơ sở đào tạo tràn lan không quản lý được, có doanh nghiệp còn bán giấy phép…
Ngoài ra, ở một số địa phương, công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của cơ quan chức năng trên địa bàn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc lừa đảo người lao động.
Vậy theo ông, có cách nào để hạn chế không?
Để thật sự đạt được hiệu quả trong vấn đề này, theo tôi cần có sự phối hợp chặt chẽ ba bên là cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Ví dụ, chúng tôi đã xây dựng và đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, văn bản pháp luật về phòng chống, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động xuất khẩu lao động với các chế tài xử lý ngày càng mạnh và hiệu quả hơn.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Công an cũng đã ký Thông tư liên tịch “Hướng dẫn công tác phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động”, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương…
Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên có những cuộc thanh, kiểm tra định kỳ, bất thường và cũng đã phát hiện và xử lý nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, phối hợp với cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng có dấu hiệu phạm tội theo Bộ luật Hình sự…
Về phía doanh nghiệp, tôi cho rằng cần công bố thông tin một cách công khai, minh bạch về các điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương và nhất là chi phí đưa đi đối với từng thị trường; chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các chi nhánh, trung tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Và với người lao động, họ cần tỉnh táo và nắm bắt được thông tin chính xác. Khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, hãy liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và sở lao động - thương binh và xã hội địa phương, các công ty có chức năng xuất khẩu lao động; không đi qua môi giới, cò mồi.