09:23 02/06/2007

Luật Phá sản có nguy cơ tiếp tục phá sản

Trần Minh Sơn

Những quy định trong Luật Phá sản năm 2004 cho thấy, nó không phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay

Bản thân chủ doanh nghiệp nếu có muốn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp mà chưa có ý kiến đồng ý của cơ quan chủ quản cũng không thể được.
Bản thân chủ doanh nghiệp nếu có muốn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp mà chưa có ý kiến đồng ý của cơ quan chủ quản cũng không thể được.
Kể từ khi Luật Phá sản 2004 có hiệu lực pháp luật đến nay, toà án cấp tỉnh, thành phố của 3 trung tâm kinh tế lớn là Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng chỉ tiếp nhận vỏn vẹn 45 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản.

Trong đó, Tp.HCM có số đơn nhiều nhất (22), nhưng trong đó có tới 15 vụ việc là của các doanh nghiệp nhà nước, mà số doanh nghiệp nhà nước này thực chất là do chủ trương sắp xếp lại khu vực quốc doanh gần đây của Chính phủ.

Như vậy, trừ đi số doanh nghiệp buộc phải “chôn cất” theo chỉ đạo, số còn lại phá sản theo nhu cầu cũng chỉ có 7 doanh nghiệp. Năm 2006 Toà án Nhân dân Tối cao không thụ lý mới, chỉ có 1 việc năm 2005 chuyển qua đã giải quyết xong.

Nhìn chung việc giải quyết phá sản năm 2006 trên cả nước có nhiều tiến bộ hơn năm 2005. Nếu năm 2005 chỉ giải quyết được 1 vụ (đạt 7,14%) thì năm 2006 đã đạt 30,2%. Vậy là, tổng số vụ phá sản đã giải quyết từ ngày Luật Phá sản năm 2004 có hiệu lực đến nay là 17 vụ, chiếm tỷ lệ 32,9%.

Tuy nhiên, sự gia tăng này xem ra vẫn quá ít so với tình trạng doanh nghiệp “chết không được chôn”. Một con số không phản ánh đúng thực tế đời sống kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay.

Tính khả thi của luật không cao

Vì sao Luật Phá sản năm 2004 ra đời, đã được điều chỉnh nhiều so với Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1994, được giới doanh nhân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước lẫn các cơ quan có thẩm quyền như toà án, các trung tâm trọng tài thương mại kỳ vọng rất nhiều mà tình hình thực thi không cải thiện bao nhiêu so với Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1994?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trước tiên là do tính khả thi của luật không cao, không có khả năng đi vào thực tiễn đời sống hiện nay và chưa phản ảnh được tiếng nói từ phía doanh nghiệp. Tựu trung lại là do những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đối với doanh nghiệp khu vực Nhà nước việc phá sản doanh nghiệp hay không phụ thuộc quá nhiều vào chủ sở hữu, tức là Bộ hoặc UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của doanh nghiệp. Vì những lý do nào đó, cả lý do của tập thể hay lý do cá nhân của một số người và cũng không loại trừ khả năng vì nhận thức của một số bộ phận nhà lãnh đạo doanh nghiệp chưa đúng, vì động cơ thành tích của mình, của thiểu số một số người mà trì hoãn làm chậm hoặc kéo dài thời gian phá sản doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán.

Bản thân chủ doanh nghiệp nếu có muốn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp mà chưa có ý kiến đồng ý của cơ quan chủ quản cũng không thể được.

Điều đáng nói nữa là theo quy định chỉ có doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới bị ràng buộc về nghĩa vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản, còn đối với doanh nghiệp Nhà nước thì nghĩa vụ ấy lại được ưu tiên xem là quyền lợi. Quy định như vậy rõ ràng trong bối cảnh hiện nay càng hợp pháp hóa cho nhiều doanh nghiệp trốn tránh việc phá sản.

Thứ hai, bản thân chủ doanh nghiệp cũng vì những động cơ cá nhân khác nhau mà không báo cáo, nộp đơn xin phá sản doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán nợ. Người ta né tránh trách nhiệm bằng việc về hưu, hoặc chờ sự điều chuyển đến nơi công tác mới, những người khác thay thế họ sẽ là những người phải giải quyết hậu quả mà lỗi đáng lẽ thuộc về mình.

Nhiều trường hợp khi doanh nghiệp đưa đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến tòa án thì doanh nghiệp chỉ còn mỗi cái nhà xưởng không, “trống hơ trống hoác”, tài khoản “trống trơn không còn một xu” hoặc nếu còn đương nhiên là không đáng kể, chỉ còn mấy ông nhân viên bảo vệ trông nom khuôn viên nhà xưởng còn công nhân cũng đã bỏ doanh nghiệp đi kiếm sống từ lâu.

Xét về quyền lợi, chúng ta sẽ thấy ngay rằng, nếu chọn con đường phá sản thì trong hầu hết các trường hợp cả chủ nợ lẫn doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản đều sẽ thiệt hơn nhiều so với biện pháp né tránh phá sản. Cái lợi lớn nhất ở đây là sau khi được tuyên bố phá sản doanh nghiệp sẽ không còn phải lo lắng trả nợ nữa (trừ doanh nghiệp tư nhân), thay vì bị chủ nợ đeo đuổi hoài. Đối với doanh nghiệp có khả năng phục hồi thì được tạo cơ hội để chạy chữa và hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, khả năng trên rất họa hoằn vì thực tế cho thấy tuyệt đại đa số các doanh nghiệp khi đã đưa đơn yêu cầu phá sản thì đều đã trong tình trạng gần như không còn thuốc chữa (nợ nần chồng chất và không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn).

Trong khi đó, đổi lại những lợi ích trên, doanh nghiệp sẽ gặp không ít phiền phức. Chỉ riêng việc báo cáo cho tòa đã phải làm tới 6 loại khác nhau. Ngoài ra, còn phải tốn tiền (tạm ứng chi phí phá sản), mất thời gian. Nếu làm trôi chảy đúng như quy định thì chỉ riêng giai đoạn từ lúc mở thủ tục phá sản đến khi mở thủ tục thanh lý tài sản đã mất ít nhất là 6 tháng trời. Nhưng từ khi có Luật Phá sản đến nay chưa có vụ nào “trơn tru” như vậy cả mà ít nhất cũng là hơn 1 năm trời.

Bởi thực tiễn cho thấy có hàng loạt rắc rối nảy sinh trong quá trình giải quyết doanh nghiệp phá sản theo Luật Phá sản. Đặc biệt, điều “đau khổ” hơn cả là những người gây ra hậu quả doanh nghiệp phá sản bị pháp luật xem như những “tội đồ” nguy hiểm.

Theo quy định, chủ doanh nghiệp phá sản và những người quản lý doanh nghiệp đó sẽ bị tòa ra quyết định không được quyền thành lập doanh nghiệp và cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ một đến ba năm kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Một hình phạt thật nặng nề!

Và đương nhiên, tất cả những phiền phức, bất lợi như trên sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là doanh nghiệp né tránh việc yêu cầu phá sản, thay vì theo quy định họ phải có nghĩa vụ làm việc đó. Mà không làm thì họ vừa đỡ tốn công, đỡ mất thời gian, vừa vẫn ung dung được tiếp tục công việc kinh doanh yêu thích của mình (và nếu thành công họ sẽ còn trả được nợ nữa).

Luật Phá sản quy định khi nhận thấy doanh nghiệp của mình lâm vào tình trạng phá sản thì chủ doanh nghiệp đó phải có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng nếu không nộp đơn thì chủ doanh nghiệp cũng chẳng bị làm sao cả. Thế thì đương nhiên chủ doanh nghiệp cố trốn tránh nghĩa vụ đó, còn việc ảnh hưởng như thế nào cho ai, cho nền kinh tế, cho xã hội thì không cần biết, bởi chủ doanh nghiệp còn phải lo cái thân của họ đã.

Văn bản hướng dẫn thực hiện luật quá chậm!

Thứ ba, một hiện tượng không kém phần nghịch lý nữa là ngay cả đến các chủ nợ cũng chẳng mặn mà gì với việc đưa đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với con nợ của mình. Điều này cũng có nguyên nhân xuất phát từ việc cân nhắc về sự lợi, hại giữa một bên là đâm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và một bên là chọn giải pháp khác.

Theo quy định, khi mở thủ tục phá sản bắt buộc phải thông báo công khai cho tất cả các chủ nợ biết. Từ đây, các chủ nợ nảy sinh tâm lý ngăn cản các chủ nợ tìm đến toà bằng con đường nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản: nếu nộp đơn thì dễ bị vỡ lở chuyện doanh nghiệp sắp phá sản và các con nợ ùn ùn kéo đến thì quyền lợi của bản thân chủ nợ chưa chắc đã đến lượt nên thà cứ im lặng tìm biện pháp để đòi nợ hoặc kiện bằng một vụ kiện riêng biệt thì còn có khả năng thu hồi.

Thứ tư, việc giải quyết cụ thể một vụ phá sản còn kéo dài hàng năm thậm chí còn lâu hơn nữa vì với quy định hiện nay của Luật Phá sản, Nhà nước còn can dự quá nhiều và làm thay cho các đương sự vừa không cần thiết và cũng không phù hợp với nguyên tắc dân sự về quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự vừa là nguyên nhân làm cho việc giải quyết một vụ phá sản bị kéo dài. Để xử lý được tài sản này của doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian.

Thứ năm, công cuộc đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp diễn ra chậm. Một số doanh nghiệp đáng ra phải phá sản nhưng chưa được quyết định kịp thời. Trong khi đó tài sản của doanh nghiệp bị điều động qua lại gây nhiều khó khăn cho việc xác minh tài sản của doanh nghiệp. Khi tiến hành thủ tục phá sản, Tòa án không còn khả năng thực thi những biện pháp thu hồi tài sản cho doanh nghiệp nên đã gây bức xúc cho các chủ nợ.

Thứ sáu, các văn bản hướng dẫn thưc hiện Luật Phá sản còn chậm, nội dung hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế hoặc quá khái quát, làm cho người nghiên cứu áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn.

Một là: Luật Phá sản năm 2004 có hiệu lực từ ngày 15/10/2004 nhưng đến ngày 11/7/2006 Chính phủ mới có Nghị định hướng dẫn về hoạt động của tổ quản lý, thanh lý tài sản dẫn đến tâm lí chờ đợi, sợ sai không dám làm, đó là một trong những nguyên nhân chính để cả năm 2005 ngành Tòa án cả nước chỉ giải quyết được một vụ phá sản.

Hai là, cho đến nay, sau hai năm thực thi Luật Phá sản, một Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này, “theo được biết” vẫn còn đang được soạn thảo. Ba là, văn bản hướng dẫn Luật Phá sản việc thu hồi xử lý tài sản một cách cụ thể cho phù hợp với tính chất đặc thù của việc phá sản vì nó khác về căn bản khi xử lý tài sản thế chấp, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án dân sự đối với cá nhân, hộ gia đình, hoặc doanh nghiệp không lâm vào tình trạng phá sản vẫn chưa động tĩnh xây dựng.

Luật Phá sản năm 2004 ra đời là một bước tiến mới giải quyết được nhiều vướng mắc trước đây của Luật Phá sản năm 1993; đặc biệt là đã có những quy định mới tiếp cận với Luật Phá sản trong khu vực. Tuy nhiên do việc hướng dẫn còn chậm, nên rõ ràng Luật Phá sản năm 2004 qua hơn 2 năm thực hiện đã tỏ ra kém hấp dẫn. Một số quy định quan trọng không thể hoặc chưa thể áp dụng được, đó là chưa nói đến thái độ của pháp luật coi rủi ro, thất bại trong kinh doanh như một hành vi phạm pháp.

Vì vậy, Luật Phá sản năm 2004 cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực tiễn là cần thiết và bình thường nhằm thúc đẩy việc giải quyết tuyên bố phá sản lên một bước mới, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Sẽ là không tưởng nếu chúng ta đòi hỏi có một đạo luật hoàn hảo, nhất là trong lĩnh vực phá sản, một lĩnh vực mà mục tiêu quan trọng là phải dung hòa giữa những lợi ích đối kháng, lợi ích của các chủ nợ, của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước..., bởi lẽ bản thân Luật Phá sản là luật của sự thất bại trong kinh doanh. Chúng ta chỉ có thể hy vọng xây dựng một Luật Phá sản ít khiếm khuyết nhất trong một giai đoạn nhất định.

Không phủ nhận nỗ lực to lớn của các nhà làm luật trong việc nghiên cứu, ban hành một văn bản luật mang tính khả thi cao về phá sản nhưng với những quy định trong Luật Phá sản năm 2004 cho thấy, nó không phù hợp với thực tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, và nếu tình trạng này vẫn kéo dài thì Luật Phá sản năm 2004 có nguy cơ tiếp tục phá sản.