14:12 18/02/2011

Lương tăng, doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc có ra đi?

An Huy

Lương tăng khiến công nhân Trung Quốc mừng, và ngược lại, làm các giám đốc doanh nghiệp đang làm ăn ở nước này lo

Lương công nhân tại Trung Quốc đang được nâng lên - Ảnh: Reuters/NYTimes.
Lương công nhân tại Trung Quốc đang được nâng lên - Ảnh: Reuters/NYTimes.
Thị trưởng Thượng Hải, ông Han Zheng, mới đây đã công bố một tin vui đối với công nhân ở thành phố này: lương tối thiểu sẽ tăng thêm hơn 10% từ tháng 4 tới.

Mức tăng lương này không đủ làm ai giàu lên, vì lương tối thiểu mới cũng chỉ vào khoảng 187 USD/tháng, nhưng động thái tăng lương của Thượng Hải nằm trong một xu thế đang nổi lên ở Trung Quốc.

Tờ Financial Times cho biết, nhiều địa phương ở nước này đã và đang tính chuyện nâng lương cho người lao động trong bối cảnh giá cả sinh hoạt không ngừng leo thang. Tuy nhiên, việc tăng lương lại làm dấy lên những lo ngại về việc các công ty sẽ chuyển sản xuất sang các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á.

Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đã phải đối mặt với những cuộc đình công rầm rộ của công nhân đòi được trả cao hơn, chẳng hạn như tại một số chi nhánh và nhà cung cấp của hãng xe Nhật Honda. Kết quả là một làn sóng tăng lương diễn ra, trong đó phải kể tới mức lương tăng 30% tại các nhà máy của hãng Foxconn.

Năm nay, Thượng Hải không phải là địa phương duy nhất tiến hành tăng lương để phòng trước phản ứng tiêu cực của người lao động. Hồi tháng 1, Bắc Kinh đã tăng lương tối thiểu thêm 21%, tỉnh Quảng Đông cũng đang xem xét điều chỉnh lương cho công nhân.

Lương tăng khiến công nhân Trung Quốc mừng, và ngược lại, làm các giám đốc doanh nghiệp đang làm ăn ở nước này lo. Ông Matt Rubel, Giám đốc điều hành công ty giày dép Mỹ Collective Brands, cho biết, công ty ông sẽ chuyển một phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Indonesia.

“Trước đây, Trung Quốc vẫn là một địa chỉ sản xuất có chất lượng và giá thành rẻ. Nhưng thực tế giờ đã khác”, ông Rubel nói.

Ông Harry Lee, Giám đốc điều hành của công ty may mặc Hồng Kông Tal Apparel, chia sẻ quan điểm trên. “5 năm trước, nếu được hỏi đâu là nơi tốt nhất để xây dựng nhà máy, tôi sẽ trả lời đó là Trung Quốc. Bây giờ, tình hình đã rất khác trước”, ông Lee phát biểu.

Mặc dù vậy, vẫn còn có những ý kiến nghi ngờ về ảnh hưởng dài hạn của xu hướng tăng lương đối với Trung Quốc với tư cách là trung tâm sản xuất tại khu vực châu Á.

Chi phí lao động tăng tại nước này không phải là một hiện tượng mới mẻ. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, trong vòng ít nhất 1 thập kỷ qua, tiền lương ở Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh chóng hơn so với ở phần còn lại của châu Á. Công nhân Trung Quốc được hưởng mức tăng lương thực tế bình quân 12,6% mỗi năm trong khoảng thời gian 2000-2009, so với mức tăng 1,5% ở Indonesia và 0% ở Thái Lan - theo ILO.

Với mức lương trung bình khoảng 400 USD tháng hiện nay, công nhân Trung Quốc được trả cao hơn gấp 3 lần so với công nhân Indonesia, 5 lần so với công nhân Việt Nam, dù vẫn được trả ít hơn công nhân ở Đài Loan hay Malaysia.

Nhưng đã có những nghiên cứu cho thấy, năng suất lao động của công nhân Trung Quốc tăng mạnh không kém tốc độ tăng lương. Theo ông Stephen Roach, Chủ tịch Morgan Stanley tại châu Á, số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng năng suất trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc là 10-15% trong thời gian từ năm 1990 tới nay.

Bởi vậy, có thể nói, trong suốt 1 thập kỷ qua, chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng rất ít, thậm chí là không tăng.

Hãng tư vấn quản lý toàn cầu Accenture nhận định trong một báo cáo công bố mới đấy rằng, mức tăng lương tối thiểu 30% chỉ có thể làm tỷ suất lợi nhuận giảm 1-5% đối với những doanh nghiệp có cơ sở sản xuất lớn tại Trung Quốc. Accenture cho rằng, mức lợi nhuận suy giảm nhẹ như vậy có thể được bù đắp nhờ năng suất lao động cao hơn, các biện pháp cắt giảm chi phí và quản lý chuỗi cung cấp tốt hơn. Cũng theo hãng tư vấn này, mức tăng lương tối thiểu như trên có thể sẽ không gây ra ảnh hưởng đáng kể nào tới nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Đó là lý do tại sao vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Trung Quốc. Thống kê của Financial Times cho thấy, Trung Quốc thu hút được 1.314 dự án FDI mới trong năm 2010, tăng 13% so với năm 2009, trong khi số dự án FDI vào châu Á năm qua giảm 6%. Theo dữ liệu mới nhất do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố ngày 17/2, nước này thu hút được hơn 10 tỷ USD vốn FDI trong tháng 1/2011, tăng hơn 23,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cuộc tranh cãi về hoạt động dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, bởi thế, chủ yếu tập trung vào những ngành đòi hỏi nhiều nhân công và có tỷ suất lợi nhuận thấp như giày dép và may mặc. Trên thực tế, doanh nghiệp trong các ngành này nhiều năm qua đã chuyển từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam, Bangladesh, Cambodia…

Đối với các công ty dệt may và da giày, xu hướng tăng lương đang khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn tại Trung Quốc. Ông Ronald Van der Vis, Giám đốc điều hành của công ty  Hồng Kông Esprit Holdings - nhà bán lẻ hàng may mặc lớn thứ ba châu Á xét về giá trị vốn hóa thị trường - cho biết doanh nghiệp này có kế hoạch chuyển thêm hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Bangladesh.

Trong khi đó, trong những ngành sản xuất công nghệ cao như con chip và màn hình phẳng, nơi chi phí lao động chỉ chiếm 2-3% tổng chi phí, người ta ít nói tới chuyện rời khỏi Trung Quốc. Một lý do nữa khiến các công ty trong các lĩnh vực như vậy ở lại Trung Quốc là vì họ còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp tại nước này.

“Ít có khả năng các công ty công nghệ cao chuyển mạnh hoạt động sản xuất của họ sang các nước ASEAN, vì công nhân tại các nước này không có đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu và cơ sở hạ tầng ở đó cũng không đủ tốt”, ông Bhavtosh Vajpayee, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngành công nghệ thuộc công ty CLSA tại Hồng Kông, nhận định.