14:13 10/03/2010

Lướt những con sóng lớn

Trên mặt trắng tấm danh thiếp của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Jaccar Holdings, chỉ ghi vẻn vẹn "Jaccar - lướt sóng"

Quang cảnh buổi lễ ký hợp đồng hợp tác chiến lược giữa Mỹ Lan và Jaccar ngày 27/2/2010.
Quang cảnh buổi lễ ký hợp đồng hợp tác chiến lược giữa Mỹ Lan và Jaccar ngày 27/2/2010.
Trên mặt trắng tấm danh thiếp của ông Jacques de Chateauvieux, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Jaccar Holdings, chỉ ghi vẻn vẹn “Jaccar - riding the waves” (Jaccar - lướt sóng). Mặt sau là địa chỉ công ty ở quận 2, Paris.

Ngày 27/2/2010 Jaccar ký hợp đồng đầu tư chiến lược trị giá 12 triệu đô la Mỹ mua 30% cổ phần của nhóm Công ty Mỹ Lan, chuyên nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng các hóa chất tinh khiết dùng trong ngành in và quang điện tử do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ sáng lập ở Trà Vinh.

Dường như có cái gì đó mâu thuẫn giữa bốn từ “đầu tư chiến lược” trong sự hợp tác Mỹ Lan - Jaccar và khẩu hiệu “lướt sóng” trên danh thiếp của ông Jacques de Chateauvieux?

Tình cờ từ một bài báo

Thương vụ mua bán cổ phần Mỹ Lan của Jaccar bắt nguồn khá tình cờ. Một nhân viên của Công ty Quản lý quỹ Jaccar tại Tp.HCM năm ngoái đọc được một bài báo viết về Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, việt kiều Canada, Chủ tịch Công ty American Dye Source. Ông Mỹ là một nhà khoa học có tiếng trên thế giới, người sở hữu 50 bằng phát minh quốc tế về hóa chất dùng trong ngành in, quang điện tử, công nghệ sản xuất bản kẽm. Ông từng làm việc cho các tập đoàn lớn như IBM, Kodak, Sun Chemicals trước khi góp vốn với Ipagsa, một đối tác trong ngành in Tây Ban Nha, mở nhóm Công ty Mỹ Lan.

Từ bài báo, Jaccar tiếp xúc với ông Mỹ. Họ phát hiện ra rằng chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, đến cuối năm ngoái Mỹ Lan đã chiếm khoảng 60% thị trường bản kẽm nhiệt trong nước. Những nhà in lớn nhất Việt Nam như Lê Quang Lộc, Trần Phú, Sài Gòn Giải Phóng, nhà in báo Nhân Dân, Công ty In Công đoàn đều đang sử dụng sản phẩm của Mỹ Lan.

Năm nay Mỹ Lan dự kiến nâng thị phần bản kẽm nhiệt lên 75% và 90% vào năm 2012. Vừa cung cấp cho thị trường nội địa, Mỹ Lan vừa xuất khẩu và đầu ra cho sản phẩm ở nước ngoài đã được đối tác Tây Ban Nha bao tiêu.

Tuy nhiên, sản phẩm chính của Mỹ Lan không phải chỉ có bản kẽm nhiệt. Đơn vị đang mang lại lợi nhuận lớn nhất cho nhóm là Công ty Hóa chất Mỹ Lan. Năm 2009 lợi nhuận sau thuế của công ty lên tới 75,6 tỉ đồng trên vốn điều lệ 16 tỉ đồng, doanh thu 125,5 tỉ đồng (nguồn: báo cáo thường niên Mỹ Lan Corporation năm 2009). Hơn 77% sản phẩm của Hóa chất Mỹ Lan được xuất khẩu, 23% còn lại tiêu thụ trong nước. Doanh thu năm nay của công ty sẽ tăng khoảng 70% lên 216 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng tương ứng.

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và trên vốn của Công ty Hóa chất Mỹ Lan cao bởi nhà khoa học Nguyễn Thanh Mỹ đã ứng dụng vào sản xuất những phát minh của chính ông và công ty không phải trả tiền bản quyền. Vốn đầu tư thuê đất, xây dựng nhà máy, nhập nguyên vật liệu, máy móc không nhiều và được khấu hao từng năm. Quan trọng là công nghệ cho quá trình sản xuất đó. Tiến sĩ Mỹ là người sở hữu công thức khoa học và đó là bí quyết của Mỹ Lan.

Con người: cốt lõi giá trị công ty

Jaccar không bỏ lỡ một cơ hội đầu tư như Mỹ Lan. Số tiền 12 triệu đô la Mỹ sẽ tạo điều kiện cho Mỹ Lan xây dựng nhà máy hóa chất thứ hai, nhà máy quang điện tử, phát triển hoạt động tạo hình và in 3D. Đơn vị thứ hai của nhóm - Công ty Sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan - đi vào hoạt động từ năm ngoái và dự kiến bắt đầu có lãi cuối năm nay. Công ty Cổ phần Quang điện tử Mỹ Lan theo kế hoạch sẽ hoạt động vào tháng 5-2011. Phần lớn sản phẩm của nhà máy hóa chất thứ hai và Công ty Quang điện tử sẽ được xuất khẩu, mà chủ yếu sang Trung Quốc, Đài Loan.

Jaccar đang hỗ trợ Mỹ Lan tái cấu trúc công ty, chuyển thành công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2011 hoặc 2012. Nhóm Mỹ Lan vừa chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 80 tỉ đồng. Liệu Jaccar sẽ nắm giữ cổ phần Mỹ Lan trong thời gian bao lâu? Hay với Jaccar đầu tư chiến lược cũng là lướt sóng?“

Chúng tôi đầu tư dựa trên ba yếu tố, mà tôi gọi là ba con sóng: sự đổi mới, quản trị công ty và con người - trong tâm của quản trị doanh nghiệp - là cốt lõi giá trị công ty” - ông Jacques de Chateauvieux giải thích - “Kinh doanh luôn hướng đến tương lai và tương lai chính là sự đổi mới (innovation), là con sóng lớn. Jaccar đang đuổi theo những con sóng lớn và dài hạn của Mỹ Lan nói riêng, Việt Nam nói chung”.

Jaccar vào Việt Nam năm 2006 bằng quỹ đóng đầu tiên mang tên Jaccar Capital Fund 150 triệu đô la Mỹ. Họ nhanh chóng giải ngân hết vào các công ty tư nhân và cổ phần hóa. Năm sau đó họ bắt đầu “lướt sóng” thực sự bằng một quỹ mở, quy mô nhỏ 20 triệu đô la Mỹ chuyên mua bán các cổ phiếu niêm yết trên sàn. Quỹ thứ ba dành cho Việt Nam là Vietnam Century Fund khai sinh từ năm 2008, nhưng đầu tư chậm và thận trọng dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Suốt năm 2008-2009 Vietnam Century Fund chỉ giải ngân 11 triệu đô la Mỹ vào trái phiếu chuyển đổi của Hoàng Anh Gia Lai. Mỹ Lan là thương vụ đầu tư thứ hai của quỹ này.

Ở Mỹ Lan có đầy đủ yếu tố cấu thành ba con sóng mà Jaccar theo đuổi. Những phát minh của Tiến sĩ Mỹ đảm bảo cho sự đổi mới, ứng dụng công nghệ của công ty. Hiện sử dụng 150 nhân viên và sắp tới tuyển dụng thêm 150 người nữa, Mỹ Lan thường xuyên đưa kỹ sư ra nước ngoài thực tập, chưa kể ông Mỹ đích thân phối hợp với các trường đại học ở ĐBSCL đào tạo sinh viên. “Ở công ty này chỉ khác nhau về cấp bậc chứ không khác nhau về cách đối xử” - ông Nguyễn Thanh Mỹ nói như vậy về nguồn nhân lực của Mỹ Lan. Con sóng thứ ba quản trị công ty thì Jaccar đang trực tiếp tham gia vào.

Jaccar tỏ ra tham vọng. Họ có ý định đàm phán với đối tác Tây Ban Nha và mua lại phần đầu tư của Ipagsa ở Mỹ Lan. Nếu mọi việc suôn sẻ, họ sẽ là một cổ đông lớn của Mỹ Lan. Việc “lướt sóng” của Jaccar ở Mỹ Lan, vì thế, vẫn còn ở phía trước.

Hải Lý (TBKTSG)