12:25 20/12/2008

M&A hướng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa

Minh Thúy

Đại diện ICE giải thích vì sao công ty đang hướng "tầm ngắm" tới hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo trong vòng 6 - 10 năm tới, sẽ có khoảng 35% - 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo trong vòng 6 - 10 năm tới, sẽ có khoảng 35% - 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập.
Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), ICE - Công ty Cổ phần Mua bán doanh nghiệp và Kết nối đầu tư quốc tế - cho biết đang hướng "tầm ngắm" tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tổng giám đốc ICE, ông Vũ Thanh Phúc chia sẻ, 95% trong khoảng 350.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây đang là nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những diễn biến trên thị trường tài chính hiện nay. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo trong vòng 6 - 10 năm tới, sẽ có khoảng 35% - 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập.

Vậy đây chính là nguyên nhân để ICE có cái nhìn lạc quan về thị trường M&A, và đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Trong suốt 5 năm vừa qua, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 7,5%/năm. Mục tiêu đến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu thu hút hơn nữa nguồn đầu tư nước ngoài và phát triển mạnh mẽ, đồng bộ các loại thị trường...

Đây chính là những cơ sở và điều kiện quan trọng để hoạt động M&A tại Việt Nam có thể nhanh chóng phát triển. Theo nhiều nguồn dự báo thì cuối năm nay và sang năm 2009-2010, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nở rộ

Tuy nhiên, để thị trường M&A có thể phát triển tốt thì cần chuẩn bị và hoàn chỉnh một số điều kiện vĩ mô nhất định như: xây dựng được kênh kiểm soát thông tin, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động M&A nói riêng.

Điều quan trọng nhất là cần hoàn thiện hành lang pháp lý về M&A. Hành lang pháp lý này sẽ tạo điều kiện để xác lập giao dịch, địa vị của bên mua, bên bán, hậu quả pháp lý sau khi kết thúc giao dịch.

Bên cạnh đó, để thị trường này hoạt động tốt và đi vào chuyên nghiệp, cần có những công ty tư vấn chuyên biệt hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, với vai trò môi, giới, tư vấn cho cả bên mua, bên bán, đồng thời là người cung cấp thông tin tốt nhất về thị trường.  

Các ông tin tưởng có thể đáp ứng được những yêu cầu đó?

Hiện nay chúng tôi đã có được sự tham gia, tham vấn của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau như luật pháp, tài chính, thương hiệu.

Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi đã thực hiện thành công một số thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau, trên cơ sở xác định rõ và khắc phục được các yếu tố quyết định thành công hay thất bại.

Ông có thể nói rõ hơn về những nguyên nhân thất bại và yếu tố thành công?

Các nguyên nhân thất bại thường đến từ việc chọn sai đối tác mua bán, như đối tác không thống nhất chiến lược phát triển; văn hóa không phù hợp; không tích cực hợp tác; định giá không thực tế; thẩm định không tìm thấy các rủi ro tiềm ẩn….

Thất bại còn do quá trình mua bán không được tổ chức tốt: không phân công người phụ trách có thẩm quyền phụ trách; các tác vụ không được sắp xếp hợp lý và điều phối nhịp nhàng; rủi ro không được đánh giá và quản lý đầy đủ; tổ chức phân công chồng chéo….

Thất bại cũng do các lợi ích chiến lược dài hạn không được làm rõ: thế mạnh về sản phẩm, dịch vụ của các bên không được coi trọng;  khả năng tiếp cận nguồn vốn mới không được khai thác tối đa; kỹ năng thế mạnh của các bên không được chuyển giao đầy đủ; quy trình hỗ trợ không đúng chuẩn và không được cải tiến…

Còn thành công thì có thể kể đến một số yếu tố như: kiến thức của ban điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực M&A; quản trị tốt quá trình định giá doanh nghiệp; sự phù hợp và tương đồng về văn hoá, hoạt động và tổ chức; xác định rõ nhu cầu của bên mua và động cơ của bên bán; xác định rõ giá trị cộng hưởng và kế hoạch tích hợp...

Vậy sau khi sáp nhập thì doanh nghiệp có thể “trông cậy” gì ở ICE nữa không, thưa ông?

Hiện tại chúng tôi đang triển khai cung cấp một số loại hình dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: tư vấn đầu tư, thị trường, chính sách, luật pháp, tái cơ cấu, lên kế hoạch hoạt động… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sau khi sáp nhập ngày một vững vàng hơn.

Website của công ty hàng ngày có khoảng 20.000 lượt truy cập, thành viên của trang web đã lên đến gần 10.000 thành viên, hàng ngày có thêm nhiều nhu cầu mua và bán được đăng tải.

ICE cũng đã tạo được mạng lưới cộng tác với các công ty tài chính, ngân hàng, chứng khoán và các công ty hoạt động trong lĩnh vực M&A trong và ngoài nước. Đây chính là điều kiện cần và đủ để chúng tôi nâng cao uy tín cũng như chất lượng dịch vụ.

* Ở Việt Nam, hoạt động M&A đã được khởi động từ năm 2000. Năm 2007, ở Việt Nam đã có 113 thương vụ M&A thành công với tổng giá trị lên tới gần 1,8 tỉ USD, tăng 233% về số vụ và 146% về giá trị so với năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số vụ M&A điển hình: Công ty Cổ phần Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai mua lại Cheerfield Rama, Dai-ichi mua lại Bảo Minh CMG, Kinh Đô mua lại Kem Wall’s, Anco mua lại nhà máy sữa của Nestlé…