08:00 08/04/2021

Mang những khuyến nghị khí hậu và nông nghiệp đến các hộ nông dân nhỏ

Thùy Linh

Liên minh Tổ chức Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đang phối hợp với các đối tác đưa ra khuyến nghị khí hậu và nông nghiệp đến các nông hộ nhỏ ở Việt Nam

Cán bộ địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) và nông dân tỉnh Tiền Giang cùng nhau xây dựng bản tin thông tin khí hậu nông nghiệp cho vụ lúa Đông-Xuân 2020-2021 (N.Nguyen/CIAT).
Cán bộ địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) và nông dân tỉnh Tiền Giang cùng nhau xây dựng bản tin thông tin khí hậu nông nghiệp cho vụ lúa Đông-Xuân 2020-2021 (N.Nguyen/CIAT).

Giúp trang bị cho nông dân các công cụ và thông tin cần thiết để chống chọi với khủng hoảng khí hậu ngày một gia tăng, Liên minh Tổ chức Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đang phối hợp với các đối tác đưa ra khuyến nghị khí hậu và nông nghiệp đến các nông hộ nhỏ ở Việt Nam thông qua nhiều phương tiện truyền thông và kênh thông tin đại chúng.

Sự phức tạp của biến đổi khí hậu làm gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của các nông hộ nhỏ, đe dọa sinh kế của họ. Năm 2016, tác động của hiện tượng El Nino - Dao động phương Nam (ENSO) gây ra hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, ảnh hưởng tới 11 trong số 13 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã ảnh hưởng đến 400,000 ha đất trồng trọt, dẫn tới thiệt hại 200 triệu đô la Mỹ đối với nền kinh tế và đe dọa an ninh lương thực. Hiện tượng ENSO năm 2016 đã làm giảm 75% thu nhập của các nông hộ; những người nông dân không được bảo vệ, với khoản tiết kiệm ít ỏi và không có bảo hiểm, bị đẩy vào tình cảnh nghèo đói hơn.

Do biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt đang diễn biến ngày một thường xuyên và nghiêm trọng hơn, các hiện tượng tự nhiên như ENSO có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn nữa. Do đó, các khuyến nghị nông nghiệp được xây dựng dựa trên dự báo thời tiết phù hợp với địa phương bao gồm với thông tin về giống cây trồng và tập quán phù hợp, lịch thời vụ điều chỉnh, các biện pháp quản lý chăm sóc thích ứng với khí hậu, quản lý sâu bệnh, và dự báo lượng mưa và xâm nhập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các lựa chọn giúp nông dân đương đầu với khó khăn.

Tuy nhiên, việc bắc "nhịp cầu cuối" để mang thông tin và công nghệ đến người nông dân cần giúp đỡ khá là thử thách. Mặc dù vậy, đây cũng là cơ hội để các tổ chức thúc đẩy hợp tác trong quá trình cung cấp các lợi ích và dịch vụ tốt hơn cho các nhóm nông dân dễ bị tổn thương. 

Dự án "Áp dụng dự báo khí hậu thời hạn mùa và các giải pháp bảo hiểm tiên tiến vào quản lý rủi ro khí hậu trong nghành nông nghiệp ở Đông Nam Á" (DeRISK Southeast Asia) được thực hiện hướng tới đạt mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan chính phủ, các đối tác địa phương cùng các bên liên quan, hợp tác hướng tới tăng cường quản lý rủi ro khí hậu, khả năng thích ứng, và cải thiện khả năng phục hồi của ngành nông nghiệp Việt Nam. DeRISK được dẫn dắt bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới, thực hiện bởi Đại học Nam Queensland cùng với Liên minh Tổ chức Đa dạng Sinh học Quốc tế và CIAT.

Để đảm bảo chương trình được thực hiện hài hòa và bền vững, DeRISK phối hợp với Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các đài khí tượng thủy văn tỉnh và địa phương cấp tỉnh tới cấp xã cùng thực hiện thí điểm các hoạt động trọng điểm ở Việt Nam. 

Năm 2020, các khuyến nghị nông nghiệp dựa trên dự báo thời tiết thời hạn mùa cho cây lúa đã được xây dựng và phổ biến tại các xã thí điểm của tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. 

Thông qua hội thảo có sự tham gia, thông tin khuyến nghị khí hậu và nông nghiệp phù hợp với địa phương cho vụ đông xuân 2020-2021 được xây dựng thành các bản tin, áp phích và bản đọc loa phát thanh, các tư vấn đã được phổ biến trực tiếp và gián tiếp đến với khoảng 5,000 nông dân.

Để xây dựng khuyến nghị nông nghiệp cho nông dân, DeRISK sử dụng kết quả xây dựng bản đồ rủi ro khí hậu và kế hoạch thích ứng (CS-MAP), kết hợp với thông tin dự báo thời tiết theo mùa, kiến thức và kinh nghiệm có liên quan tại địa phương. CS-MAP là một phương thức tiếp cận được phát triển ban đầu bởi Chương trình Nghiên cứu của CGIAR về Biến đổi Khí hậu, Nông nghiệp, và An ninh Lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS SEA), có sự tham gia của nhiều chuyên gia và các bên liên quan địa phương cùng xác định rủi ro khí hậu, mức độ rủi ro và tính tổn thương, đồng thời xây dựng các kế hoạch thích ứng để sản xuất lúa gạo phục vụ nhu cầu địa phương.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một trong nhưng đối tác chính của dự án cho biết: "CS-MAP là một phương pháp tiếp cận có sự tham gia để xây dựng bản đồ thực tế, chỉ ra các khu vực có nguy cơ rủi ro khi xảy ra các hiện tượng cực đoan như hạn hán và giúp người dân địa phương điều chỉnh lịch thời vụ cụ thể. 

Đồng thời, các cơ quan cấp nước và các đơn vị chuyên môn có thể phối hợp để giải quyết vấn đề ở địa phương giúp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước và ổn định sản xuất". CS-MAP được phát triển để thực hiện ở quy mô cấp tỉnh, từ khi nhận được sự hỗ trợ của DeRISK, thông tin được chi tiết hóa đến cấp xã qua quá trình tham vấn cán bộ địa phương để đưa ra khuyến nghị nông nghiệp dựa trên dự báo thời tiết phù hợp và cụ thể hơn.

DeRISK đã giúp CCAFS nhân rộng xây dựng CS-MAP cho khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc bộ giúp địa phương ứng phó với tình trạng hạn hán và thiếu nước. Tháng 1 năm 2021, DeRISK cùng thực hiện lễ bàn giao bản đồ rủi ro thiếu nước và kế hoạch thích ứng cho 12 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng CCAFS SEA tổ chức. Khi thiết lập nhu cầu về bản đồ rủi ro và kế hoạch thích ứng, Ông Kees Swaans, Trưởng dự án DeRISK, chia sẻ: "Với hơn 1 triệu ha đất nông nghiệp phục vụ trồng lúa, rau và các cây công nghiệp ngắn ngày khác, Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc bộ là vùng sản xuất nông nghiệp chính của miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, việc cấp nước phụ thuộc vào các hồ chứa lớn ở thượng nguồn để giải quyết tình trạng thiếu nước".

Cùng với những nỗ lực này, DeRISK sẽ đóng góp vào cải thiện các chính sách liên quan đến khí hậu và môi trường thể chế ở Việt Nam bằng cách liên kết các tiến bộ đạt được với các chính sách và chiến lược quốc gia, bao gồm các Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với Biến đổi khí hậu theo hướng dẫn của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Khung Quốc gia về Dịch vụ Khí hậu. Điều này sẽ đảm bảo các cơ chế hợp tác chặt chẽ được thiết lập giữa các đối tác ở tất cả các cấp và giữa các ngành khác nhau; cho phép các tổ chức dịch vụ khí hậu đóng góp vào việc cung cấp thông tin khí hậu và tư vấn nông nghiệp cho đến bước tiến cuối cùng.