06:00 21/05/2023

Mặt tối của các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới

Ngô Huyền

Bên cạnh những lợi ích, nhiều trung tâm công nghệ cũng đang chịu những áp lực, bao gồm cả bất bình đẳng và gia tăng áp lực lên các vấn đề về nhà ở và không gian làm việc…

Mặt tối của các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới
Mặt tối của các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới

Với sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực công nghệ trong hai thập kỷ qua, không thiếu các thành phố cạnh tranh để trở thành Thung lũng Silicon tiếp theo. Mặc dù sự phát triển của các trung tâm công nghệ là không giống nhau, nhưng họ đều gặp phải những vấn đề xảy ra đồng thời và ngày càng trở nên trầm trọng do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. 

BÙNG NỔ CÔNG NGHỆ (TECH BOOM) 

Một nghiên cứu gần đây của Yale điều tra mức độ hưởng lợi của các thành phố có hệ sinh thái công nghệ thịnh vượng. Nghiên cứu này cho thấy khi một thành phố có lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh, giá nhà thường tăng nhanh, nguyên nhân được cho mức lương cao đã thu hút làn sóng các nhân viên công nghệ di cư đến thành phố. Điều này cũng buộc những người sử dụng lao động tại địa phương phải tăng lương để cố gắng thu hút và giữ chân nhân viên.

Sau khi theo dõi đầu tư của VC tại hơn 350 khu vực đô thị ở Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự bùng nổ công nghệ đang tạo ra nhiều thay đổi trong việc làm, tiền lương và thậm chí cả tỷ lệ khởi nghiệp. 

TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA BÙNG NỔ CÔNG NGHỆ 

Đối với những doanh nghiệp nhận nhiều đầu tư từ bên ngoài, cả công việc và tiền lương của nhân viên đều có thể giảm, bất cứ khi nào nguồn vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực này ngưng trệ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh về vốn, tài năng và nguồn lực ngày càng tăng.

Về bản chất, các doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn thông qua việc tạo thêm nhiều việc làm mới và trả lương cao để thu hút các tài năng mới. Khi này, số lượng các doanh nghiệp phi thương mại cũng như việc làm và tiền lương của người lao động trong lĩnh vực này cũng tăng lên. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu cho rằng: “Mặc dù lĩnh vực công nghệ cao đang mở rộng có thể kích thích nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ địa phương. Thế nhưng, giá bất động sản cũng làm tăng chi phí kinh doanh”. Theo Forbes, trên thực tế, các bên làm dịch vụ không được hưởng lợi quá nhiều vì rất nhiều nhân viên công nghệ chọn sử dụng Phòng tập, tiệm giặt khô, nhà hàng và quán cà phê ngay trong khuôn viên công ty hơn là ra bên ngoài. 

Giao thông ùn tắc, số lượng người vô gia cư tăng,... chỉ là hai trong nhiều vấn đề tại các trung tâm công nghệ   
Giao thông ùn tắc, số lượng người vô gia cư tăng,... chỉ là hai trong nhiều vấn đề tại các trung tâm công nghệ   

Là quê hương của Thung lũng Silicon, Khu vực Vịnh San Francisco thường được coi là điển hình cho một khu vực áp dụng công nghệ mà không áp dụng các chính sách cần thiết để đáp ứng sự phát triển và thay đổi. Ví dụ rõ ràng nhất về điều này là các vấn đề liên quan đến nhà ở. Được thúc đẩy một phần bởi bùng nổ công nghệ, số lao động ở San Francisco đã tăng 20% trong thập kỷ qua, từ 3,4 triệu người năm 2010 lên 4,1 triệu người vào năm 2019. Mức tăng dân số trung bình trong thời gian này là gần 100.000 người mỗi năm.

Một trong những tác động khác của áp lực nhà ở là tình trạng vô gia cư gia tăng trên khắp San Francisco. Năm 2019, cứ 1.000 cư dân trong khu vực thì có 4,5 người vô gia cư, tình trạng này còn đang tiếp tục trở nên tồi tệ.

Giải thích vấn đề này, Gregg Colburn, trợ lý giáo sư tại Đại học Washington, cho biết: “Trong kinh tế học đô thị, lý thuyết cơ bản nói rằng một số yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu về nhà ở là tăng trưởng dân số, việc làm và tiền lương”. 

Ngoài ra, số lượng người đến sinh sống gia tăng nhanh chóng đang gây áp lực lên giao thông của nhiều khu vực. Cùng với các xe buýt đưa đón nhân viên nhân công, số lượng ô tô cá nhân cũng gia tăng, gây nên ùn tắc đặc biệt ở thời gian cao điểm trong ngày.  

HỘI CHỨNG THUNG LŨNG SILICON 

“Hội chứng Thung lũng Silicon” là tình trạng mà các ngành công nghệ cao gây ra những hậu quả có thể thấy rõ không chỉ trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế địa phương mà còn trong các lĩnh vực bất động sản, như nhà ở khi giá nhà có thể tăng lên nhanh chóng. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong nền kinh tế nói chung. Khi vốn đầu tư mạo hiểm tăng gấp đôi, tiền lương trung bình của 25% công việc phi thương mại cao nhất cũng chỉ tăng khoảng 2%. 

Mặt khác, các phát hiện cho thấy những người lao động được trả lương thấp nhất, chẳng hạn như nhân viên dọn dẹp, nhân viên phục vụ,... giảm trung bình khoảng 1%. Các chuyên gia nhận định: “Sự lấn át của lĩnh vực thương mại cùng sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập là những điểm đặc trưng của hội chứng Thung lũng Silicon”.

Khi chi phí sinh hoạt tăng lên, sức mua của những người có thu nhập thấp buộc phải giảm xuống. Điều này đưa ra một lời nhắc nhở rằng mặc dù việc thu hút các công ty công nghệ đến một khu vực có thể là một điểm tốt, nhưng chính quyền địa phương cũng cần xem xét để đảm bảo các lĩnh vực khác của nền kinh tế không bị bỏ lại phía sau.