09:44 09/02/2009

Mất việc làm và khan hiếm lao động xảy ra cùng lúc

Lý Hà

Bức tranh thị trường lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu thật kỳ lạ

Song song với vấn đề mất việc làm thì tình trạng khan hiếm lao động vẫn xảy ra.
Song song với vấn đề mất việc làm thì tình trạng khan hiếm lao động vẫn xảy ra.
Bức tranh thị trường lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu thật kỳ lạ.

Đó là vấn đề mất việc và khan hiếm lao động lại xảy ra cùng lúc. Trong khi nhiều doanh nghiệp do nền kinh tế suy thoái phải thu hẹp sản xuất nên buộc phải cắt giảm lao động để cứu nhà máy thì một số doanh nghiệp lại trong tình cảnh loay hoay tìm kiếm lao động.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố báo cáo tình trạng cắt giảm lao động. Tính đến hết tháng 12/2008, mới có 11 liên đoàn lao động tỉnh, thành báo cáo.

Trong đó số người mất việc là: Hà Nội (4.600), Bà Rịa-Vũng Tàu (1.624), Đà Nẵng (933), Vĩnh Phúc (500), Hải Phòng (900), Quảng Nam (8.000), Bình Dương (915), Đồng Nai (7.000), Tp.HCM (8.000)...

Số lao động bị cắt giảm tập trung vào doanh nghiệp gia công, hàng xuất khẩu, dệt may, da giày và điện tử. Tuy nhiên, vẫn có sự thiếu hụt nhân lực có kỹ thuật cao kinh nghiệm quản lý và công nhân sản xuất trực tiếp lành nghề.

Nếu như mọi năm, tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), sau Tết Nguyên đán là thời điểm thường diễn ra hiện tượng công nhân “nhảy việc” còn các công ty, nhà máy sản xuất dở khóc dở mếu vì thiếu nhân công nên phải chăng đầy biển, băng-rôn tuyển dụng người... Thế nhưng năm nay, khung cảnh này có vẻ trầm lắng.

Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ cần tuyển thêm một lượng nhân công khá khiêm tốn. Dự báo từ Ban quản lý Các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội cho thấy, năm 2009, hơn 400 doanh nghiệp trong các khu vực này sẽ cắt giảm khoảng 10% số lao động, tương đương khoảng hơn 8.000 lao động.

Điển hình như Công ty Panasonic Việt Nam (với hơn 6.000 công nhân thuộc 3 công ty con) đã báo cáo xin giảm 500 lao động; Nishei xin giảm 1.600 lao động; Canon Việt Nam xin giảm 1.200 lao động...

Tại Tp.HCM, nếu như trước Tết Nguyên đán đã có hàng chục công ty, xí nghiệp ngưng hoạt động, thu hẹp sản xuất khiến hàng chục ngàn công nhân mất việc, thì nay trở lại sau Tết, tình trạng này cũng đã diễn ra tại một số doanh nghiệp. Đơn cử như, hơn 100 lao động của Công ty Thuận Phong (quận 8, Tp.HCM) sẽ thất nghiệp kể từ tháng 3/2009 vì Công ty đóng cửa, ngưng sản xuất; Công ty Hùng Mẫn (khu công nghiệp Lê Minh Xuân) cũng đề nghị được đóng cửa từ ngày 10/2, điều này đồng nghĩa với việc 600 công nhân bị sa thải.

Tuy nhiên, song song với vấn đề mất việc làm thì tình trạng khan hiếm lao động vẫn xảy ra.

Tại Hà Nội, nhiều trung tâm cung ứng việc làm đã tận dụng mọi đầu mối để tìm lao động phổ thông trong các lĩnh vực như giúp việc gia đình, phục vụ quán cơm bình dân, đưa hàng... nhưng vẫn không đủ cung cấp cho những nơi có nhu cầu tuyển dụng.

Còn tại Tp.HCM, nhiều doanh nghiệp đã khởi động đầu xuân bằng chương trình tuyển dụng phục vụ việc mở rộng sản xuất của năm 2009. Đơn cử như: Công ty TNHH Xuân Thanh, chuyên may vải, kết cườm (quận Tân Phú, Tp.HCM) tuyển 200 lao động; Công ty Danu Vina chuyên may thú nhồi bông xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu cũng tuyển 500 lao động; Công ty Freetrend A hiện nay tiếp tục tuyển thêm 5.000 lao động...

Theo dự báo của Trung tâm Giới thiệu việc làm Tp.HCM, trong quý 1/2009, nhu cầu tuyển dụng lao động tại Tp.HCM vẫn ở mức khoảng từ 35.000 - 40.000 người.

Theo đó, các ngành sản xuất các ngành công nghiệp và chế biến, ngành vệ sinh công nghiệp, tiếp thị, dịch vụ và phục vụ trong đó ngành dệt – da – may cần tuyển mới hàng ngàn lao động; các ngành quản lý và kỹ thuật, đặc biệt nhu cầu quản lý kinh tế, hành chính, nhân sự, kiến trúc, xây dựng, cầu đường, tư vấn, marketing thương mại và công nghiệp cần nhiều lao động có trình độ cao.

Theo ông Trịnh Quang Điều, Phó ban Chính sách kinh tế - xã hội (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) khoảng giữa năm nay, tình trạng cắt giảm lao động sẽ giảm xuống, người lao động mới có cơ hội tìm việc mới.

Ông Điều phân tích, dù đầu năm các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động song cùng với quá trình đó, các gói giải pháp của Chính phủ áp dụng với doanh nghiệp cũng bắt đầu đi vào vận hành và cần một thời gian để phát huy hiệu quả.

Để giảm thiểu thất nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp mạnh cả về chính sách lẫn nguồn lực với những gói kích cầu rất lớn để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.