11:07 16/07/2008

Mây đen lại che phủ kinh tế Mỹ

Trung Việt

Những hung tin liên quan đến kinh tế Mỹ đã xuất hiện dồn dập trong mấy ngày qua

Vẻ ưu tư của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson (trái) và Chủ tịch FED Ben Bernanke.
Vẻ ưu tư của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson (trái) và Chủ tịch FED Ben Bernanke.
Những hung tin liên quan đến kinh tế Mỹ đã xuất hiện dồn dập trong mấy ngày qua.

Chính phủ Mỹ phải công bố kế hoạch cứu hai tập đoàn tín dụng thế chấp lớn Fannie Mae và Freddie Mac, trong khi ngân hàng cho vay tín dụng IndyMac Bank bị trưng thu; tập đoàn danh tiếng General Motors có nguy cơ bị phá sản...

Trước những diễn biến ngày càng xấu của cuộc khủng hoảng tín dụng thế chấp và nhà đất, ngày 13/7, Bộ Tài chính và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố kế hoạch tổng thể của chính phủ nhằm hỗ trợ hai tập đoàn tín dụng thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac.

Khôi phục niềm tin đang đổ vỡ

Hai tập đoàn này có vai trò là “trung tâm” trong guồng máy kinh tế Mỹ, được chính phủ bảo trợ, chuyên cung cấp tín dụng cho các ngân hàng thương mại và các công ty cho vay tiền mua nhà của Mỹ. Hai tập đoàn này đang sở hữu hoặc bảo hiểm cho khoảng 5.200 tỷ USD tiền cho vay mua nhà, chiếm khoảng một nửa tổng số nợ trên thị trường nhà đất hiện nay.

Đến hết ngày 31/3/2008, hai tập đoàn trên đã bị thua lỗ 11 tỷ USD. Tính đến hết tháng 3 năm nay, tổng số vốn của hai tập đoàn này chỉ có 81 tỷ USD, bằng 1,6% tổng giá trị các khoản cho vay thế chấp mà họ đang sở hữu hoặc bảo hiểm.

Mối lo về khó khăn ngày càng lớn của hai tập đoàn Fannie Mae và Freddie Mac là nguyên nhân khiến giới đầu tư bán bớt tài sản, làm cho các loại cổ phiếu lớn tại thị trường chứng khoán New York tuần qua đồng loạt sụt giảm.

Vì thế, sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ được hy vọng sẽ giúp khôi phục niềm tin đang đổ vỡ của giới đầu tư và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhà đất, tạo đà kích thích kinh tế Mỹ phát triển trở lại.

Về kế hoạch giúp hai tập đoàn nói trên, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson cho biết, Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội thông qua dự luật tạm thời nâng trần các khoản tín dụng mà hai tập đoàn này được phép nhận từ Bộ Tài chính lên cao hơn mức 2,5 tỷ USD như hiện nay.

Bộ Tài chính được quyền can thiệp trực tiếp, khi cần có thể mua lại cổ phần của hai tập đoàn này để tránh một sự sụp đổ có thể gây sốc toàn bộ nền kinh tế. FED còn thông báo sẵn sàng mở cửa quỹ cho vay khẩn cấp với lãi suất ưu đãi 2,25% để cho phép Fannie và Freddie sử dụng trong trường hợp cần thiết.

“Khủng hoảng tịch thu tài sản” nghiêm trọng

Ngoài hai tập đoàn danh tiếng đang được Chính phủ Mỹ cứu vớt kể trên, hàng loạt tập đoàn lớn khác của Mỹ cũng đang thua lỗ đậm, hoặc có nguy cơ phá sản. Một “đại gia” của Phố Wall đang khốn đốn, là Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 ở Mỹ. Cổ phiếu của Lehman Brothers bị sụt giảm trong khi mối lo ngại về khả năng thanh toán bằng tiền mặt của ngân hàng này ngày càng lớn, sau khi họ công bố dự kiến mức thua lỗ lên tới 3 tỷ USD trong quý 2/2008.

Nhiều người còn đang hoang mang bởi tin đồn Tập đoàn hùng mạnh General Motors (GM) của Mỹ bị phá sản. Nguyên nhân là ngân quỹ của GM đã tan biến rất nhanh. Cuối tháng ba vừa qua, GM chỉ còn trong quỹ 24 tỷ USD. Nhưng cứ mỗi quý trôi qua, ngân quỹ của GM lại mất đi 3 tỷ USD. Tuy nhiên, Tổng giám đốc điều hành GM Rick Wagoner đã bác bỏ những lời đồn đoán nói trên.

Một tin xấu nữa đối với thị trường tài chính nói riêng và kinh tế Mỹ nói chung là Văn phòng Giám sát tiết kiệm (OTS), một đơn vị thuộc Bộ Tài chính Mỹ, ngày 11/7 đã ra lệnh trưng thu ngân hàng cho vay tín dụng IndyMac Bank, do tập đoàn này không còn đủ năng lực thỏa mãn các điều kiện để tiếp tục hoạt động. Tính đến ngày 31/3/2008, tổng giá trị tài sản của IndyMac Bank là 32,01 tỷ USD, trong đó có 19,06 tỷ USD là tiền tiết kiệm của khách hàng.

IndyMac Bank là ngân hàng thứ 5 của Mỹ bị sụp đổ trong năm 2008. Việc trưng thu ngân hàng này là nhằm siết chặt sự kiểm soát của Liên bang đối với các công ty tín dụng thế chấp trong cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà đất đang ngày càng trầm trọng.

Trong tháng 6 vừa qua, trên toàn nước Mỹ có tổng cộng 252.363 ngôi nhà nhận được thông báo tịch thu do chủ nhà không còn khả năng thanh toán nợ, tăng 53% so với tháng 6/2007. Theo dự báo của các chuyên gia, năm nay, số nhà bị tịch thu gán nợ có thể lên tới 2,5 triệu.

Nhằm giúp hàng trăm nghìn người Mỹ có thể giữ lại nhà ở của họ, Thượng viện Mỹ vừa thông qua một dự luật, trong đó có khoản cứu trợ khẩn cấp 300 tỷ USD để hỗ trợ những gia đình có nguy cơ bị mất nhà do không thể vay thêm được tiền trả nợ...