08:06 27/11/2008

Máy tính second-hand về lại nghĩa địa

Máy tính cũ, nhiều nhất là máy tính để bàn, từng một thời làm điêu đứng hàng mới

Giới thiệu máy vi tính cũ cho khách - Ảnh: Xuân Huy.
Giới thiệu máy vi tính cũ cho khách - Ảnh: Xuân Huy.
Máy tính cũ, nhiều nhất là máy tính để bàn, từng một thời làm điêu đứng hàng mới, từng là địa hạt làm ăn thịnh vượng của nhiều doanh nghiệp, những cửa hàng lớn nhỏ tại nhiều khu phố thuộc quận 1, quận 3, quận 10… (Tp.HCM).

Nhưng cái thời ấy đã đến lúc suy tàn…

Eo sèo phố máy tính

Đó là tình hình khu vực kinh doanh máy tính Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân (quận 1, Tp.HCM).

Trước, khu phố này được mệnh danh là “phố máy tính” bởi vì ở đây không hề thiếu bất kỳ món hàng nào xoay quanh chiếc máy tính. Khách cần gì, từ tỉnh xa cũng tìm đến đây để săn hàng. Từ phần cứng cho đến phần mềm. Từ hàng mới cho đến hàng cũ. Từ món vài chục triệu cho đến món vài ngàn đồng…

Năm trước, khu phố này khá nhộn nhịp nhưng kể từ đầu năm 2008 trở lại đây đã trở nên eo sèo, nhất là ở những cửa hàng bán máy tính cũ và màn hình LCD cũ.

Hiện ở đây, nhiều cửa hàng đã trả lại mặt bằng, biến mất. Những cửa hàng còn “bám trụ” là những cửa hàng có vốn tương đối khá, còn sức cầm cự để hy vọng tình hình sắp tới có thay đổi.

Một ông chủ cửa hàng tại khu phố này nói: “Tôi đã gắn bó với nghề buôn bán máy tính từ mười năm nay nên đã quen. Mà cũng chỉ quen bán buôn máy tính cũ thôi, nếu nhảy sang máy tính mới chịu sao nổi với Hoàn Long, Phong Vũ…”.

Vì biết không thể cạnh tranh với các cửa hàng, siêu thị lớn chuyên bán hàng mới do không chịu nổi áp lực về doanh thu của các hãng, lại cần nhiều vốn, đông quân…, nên các cửa hàng nhỏ ở đây hoặc là chuyển sang bán laptop cũ hoặc là bán linh kiện như tai nghe, đầu đọc card, thẻ nhớ... Trong hai nhóm hàng này, bán laptop cũ có vẻ sống được hơn.

“Chỉ cần mỗi ngày bán được một chiếc là đủ “sở hụi” nhưng mà cũng chua lắm ”, V.K, một chủ cửa hàng bán laptop cũ cho biết.

Trong khi các cửa hàng bán hàng mới với giá rẻ, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi thì những cửa hàng desktop second-hand chủ yếu là hàng có cấu hình thấp, từ Pentium 4 trở xuống mà chẳng có điều gì hấp dẫn người tiêu dùng ngoại trừ hạ giá.

Theo anh Nam, nhân viên của T.K Computer, máy tính cũ dù rẻ nhưng do chỉ có cấu hình thấp nên khó bán, thỉnh thoảng cũng có lô hàng chạy CPU Dual Core được mua lại từ những doanh nghiệp giải thể dễ bán hơn nhưng không đều.

Cũng theo Nam, năm trước, màn hình LCD cũ còn bán được nhưng từ khi hàng LCD mới tràn ngập thị trường, màn hình LCD cũ coi như... “tiêu”!

Doanh thu chỉ đủ trả tiền mặt bằng

Giám đốc một công ty có bốn cửa hàng chuyên bán hàng máy tính cũ và màn hình LCD cũ cho biết, từ trước đến nay, năm 2008 là năm buôn bán ế nhất.

Ông tính toán: năm nay thời gian gọi là bán được hàng, chủ yếu là bán hết hàng, không có lãi, từ tháng 3 cho đến tháng 6, sau đó, vì tỷ giá đồng đô la tăng cao nên các công ty, cửa hàng đành nằm im nghe ngóng và chờ đợi khách. Trong khi đó hàng bán ra không đáng kể, chỉ đủ tiền trả thuê mặt bằng. Còn từ cuối tháng 10 trở lại đây, coi như thua “trắng tay” vì không bán được hàng.

Ông V.T than thở: “Đã bốn ngày nay, các cửa hàng chỉ bán được năm triệu đồng. Bình quân mỗi ngày chỉ bán được 1,25 triệu đồng”. Ông cho biết, chỉ riêng tại khu phố máy tính Bùi Thị Xuân, công ty này có ba cửa hàng, giá thuê mỗi cửa hàng xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng. “Với doanh số như vậy, chúng tôi phải dùng vốn để trả tiền nhà, tiền lương cho anh em nhân viên. Cố gắng cầm cự qua tết xem thử thế nào”.

Vì không bán được hàng nên số hàng tồn của nhiều cửa hàng lên đến con số vài tỉ đồng. Thậm chí, ở nhiều cửa hàng vẫn còn xuất hiện những model được nhập từ vài ba năm trước nhưng đến nay vẫn chưa bán hết.

“Tiền của tui không đó. Mấy công ty nhập khẩu có cho nợ đâu. Mua đứt bán đoạn. Mua theo phiếu, theo lô. Mà thôi, đừng nói nữa, chán lắm. Bán hết hàng rồi hãy tính”, ông Trần V., chủ của chuỗi cửa hàng rầu rầu nói.

Gia Vinh (SGTT)