10:30 20/09/2012

Miền đất hứa của Vinamilk và Vinasoy

Lan Ca

Sữa đậu nành là miền đất hứa cho những công ty từ nhỏ cho tới lớn

Vinamilk đã thể hiện rõ tham vọng khi tiếp tục cho ra đời thêm sản phẩm sữa đậu nành mới là Goldsoy.
Vinamilk đã thể hiện rõ tham vọng khi tiếp tục cho ra đời thêm sản phẩm sữa đậu nành mới là Goldsoy.
Nắm bắt xu hướng ưa chuộng nước giải khát nguồn gốc tự nhiên, các hãng việt nam đang nhắm tới dòng sản phẩm này. Sữa đậu nành là một trong những đích ngắm mới.

Trên thị trường sữa đậu nành, Tân Hiệp Phát đã tung ra sữa đậu nành Soya Number one, Vinamilk có Vfresh, Goldsoy, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi có Vinasoy và Fami…

Vinasoy cho biết, hai sản phẩm của họ chiếm hơn 70% thị trường, Vfresh khoảng 20%, còn lại là sản phẩm các hãng khác. Vinasoy cho biết, số liệu này được lấy từ báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen công bố năm 2011.

Mảnh đất mới đầy tiềm năng


Thương hiệu Vinasoy ra đời vào năm 1997, của nhà máy sữa Trường Xuân thuộc Công ty Đường Quảng Ngãi. Lúc mới thành lập, mặt hàng chủ lực của nhà máy không phải sữa đậu nành mà là sữa tươi tiệt trùng, sữa chua và kem. Khi đó, sữa đậu nành nhãn hiệu Fami chỉ là mặt hàng phụ. Tuy nhiên, hướng kinh doanh chính không hiệu quả. Ngược lại, sữa đậu nành Fami lại tăng trưởng tốt.

Từ đó, Vinasoy dẹp bỏ hết những mảng khác, chỉ tập trung vào sữa đậu nành với 2 sản phẩm là Vinasoy và Fami. Vinasoy đầu tư mỗi năm khoảng 5-7% doanh thu (ước tính khoảng 60- 70 tỉ đồng năm 2011) cho việc quảng bá thương hiệu.

Năm 2011, Vinasoy có tổng doanh thu là 1.200 tỉ đồng và năm 2012 ước tính đạt 2.000 tỉ đồng. Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Vinasoy, nhận định: “Tăng trưởng ngành sữa tươi có khi không cao bằng sữa đậu nành. Ngành này có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai”.

Ông cho biết thêm Vinasoy đặt mục tiêu sản xuất 1,1 tỉ hộp sữa đậu nành vào năm 2013, khi nhà máy tại Bắc Ninh đi vào hoạt động.

Bên cạnh nhà máy công suất 650 triệu hộp/năm ở Quảng Ngãi, cuối tháng 8.2012, Vinasoy đã động thổ xây dựng nhà máy sản xuất sữa đậu nành tại Bắc Ninh với vốn đầu tư 665 tỉ đồng và có công suất 1 tỉ hộp/năm.

Hứa hẹn cuộc cạnh tranh gay gắt


Ngành sữa đậu nành cũng được đánh giá là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt. Công ty Chứng khoán Habubank đã thống kê, giai đoạn 2004- 2009, ngành này tăng trưởng hàng năm khoảng 24,2%. Năm 2011, thị trường sữa đậu nành có quy mô khoảng 2.000 tỉ đồng và có khả năng tăng lên khoảng 2.500 tỉ trong năm nay. Bản báo cáo cũng khẳng định xu hướng tiêu dùng sữa đậu nành ngày càng tăng.

Với tiềm năng như vậy, sữa đậu nành là miền đất hứa cho những công ty từ nhỏ cho tới lớn.

Vinamilk cũng đang nhắm vào ngành này để tăng doanh thu. Công ty này đã có sản phẩm sữa đậu nành Vfresh đã phát triển khoảng 10 năm nay và ngày càng mở rộng thị phần. Tuy nhiên, có vẻ như chừng đó là chưa đủ đối với một nhà kinh doanh nhiều kinh nghiệm trong ngành sữa. Vinamilk đã thể hiện rõ tham vọng khi tiếp tục cho ra đời thêm sản phẩm sữa đậu nành mới là Goldsoy.

Khác với tuyên bố của Vinasoy về việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thì Vinamilk chọn nguyên liệu sữa đậu nành không biến đổi gen nhập khẩu từ Bắc Mỹ.

Vinasoy chuẩn bị có nhà máy mới còn Vinamilk thì tung ra sản phẩm mới với điểm nhấn về nguyên liệu nhập ngoại. Điều này cho thấy khả năng cuộc cạnh tranh trong ngành sữa đậu nành sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)