13:15 15/05/2008

Mở rộng Hà Nội: “Nếu đã quyết thì nên làm ngay”

Mạnh Chung

“Theo tôi, vẫn nên phát triển vùng thủ đô theo cơ chế phối hợp. Nhưng, nếu đã quyết mở thì nên làm ngay”

"Nên tiến hành làm ngay vì để lâu la sẽ rất dễ dẫn đến xáo trộn đời sống kinh tế xã hội cũng như có thể làm thất thoát tài sản công".
"Nên tiến hành làm ngay vì để lâu la sẽ rất dễ dẫn đến xáo trộn đời sống kinh tế xã hội cũng như có thể làm thất thoát tài sản công".

“Theo tôi, vẫn nên phát triển vùng thủ đô theo cơ chế phối hợp. Nhưng, nếu đã quyết mở thì nên làm ngay”.

Đây là ý kiến của ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, là một trong những người tham gia phản biện quy hoạch vùng Hà Nội, cũng như không đồng tình ngay từ đầu với đề án mở rộng thủ đô của Bộ Xây dựng.

Làm ngay để tránh xáo trộn, thất thoát

Ông Phạm Sĩ Liêm nói:

- Khi bản Đề án mà Chính phủ phải đưa ra những giải pháp, lộ trình, quy mô, cách làm cụ thể, chi tiết được Quốc hội thông qua rồi thì nên tiến hành làm ngay vì để lâu la sẽ rất dễ dẫn đến xáo trộn đời sống kinh tế xã hội cũng như có thể làm thất thoát tài sản công.

Việc sớm sáp nhập ngay để có một bộ máy chính quyền, các cơ quan giúp việc của thành phố Hà Nội mới nhanh chóng đi vào hoạt động là có nhiều lý do, nhưng có hai điều cơ bản đòi hỏi phải làm ngay là thực tại bối cảnh kinh tế thị trường và tình trạng tham nhũng.

Thứ nhất, tình hình kinh tế đất nước thời gian qua có rất nhiều biến động, biến đổi mà chúng ta ai cũng biết, tác động rất lớn đến đời sống, kinh tế của người dân. Vì vậy, cần phải sớm có một bộ máy quản lý để điều tiết ổn định, phát triển kinh tế xã hội vùng thủ đô để luôn “bắt nhịp” với kinh tế hội nhập, tránh tình trạng trong thời gian dài đợi ổn định, xắp xếp lãnh đạo điều hành dễ gây ra phát triển tự phát, xáo trộn.

Thứ hai, trong việc “chuyển giao quản lý tài sản chung”, nếu không có sự quản lý, giám sát kịp thời, chặt chẽ, đồng bộ cũng sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực tham nhũng, chia chác tài sản chung, đặc biệt là đất đai.

Theo ông, khi bắt tay vào mở rộng và phát triển vùng thủ đô, những khó khăn, thách thức gặp phải là gì?

Ngoài thuận lợi có nhiều đất đai để mở rộng để phát triển kinh tế, xã hội, dịch vụ của vùng thủ đô như mục đích đã đề ra, các vùng sáp nhập cũng có nhiều điều kiện để thu hút đầu tư đẩy phát triển mạnh. Tuy nhiên, có hàng loạt những thách thức mà chúng ta sẽ phải tính đến.

Đó là bộ máy công quyền đòi hỏi phải rất lớn, cả về đội ngũ lẫn năng lực lãnh đạo, công việc quản lý điều hành sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn. Đó còn là việc chia sẻ mối quan tâm của chính quyền đô thị ra cả vấn đề nông nghiệp nông thôn, mà trước đây phát triển thủ đô chủ yếu là phát triển đô thị. Nhưng phát triển vùng thủ đô mới thì đô thị và nông thôn nông nghiệp quan trọng ngang như nhau, thậm chí nông thôn nông nghiệp cần được quan tâm nhiều hơn.

Khi đối tượng quan tâm bị cộng hưởng đồng nghĩa với việc sử dụng nguồn lực (ngân sách) cũng bị chia nhỏ ra thành nhiều phần, cụ thể như khối lượng người dân tộc người nghèo, các chính sách xóa đói giảm nghèo cũng phải quan tâm nhiều hơn. Rồi các vấn đề như thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, môi trường, văn minh lối sống…

Tóm lại, vấn đề nào cũng có rất nhiều những thách thức, khó khăn.

“Tôi vẫn chọn cơ chế phối hợp"

Theo ông, tại sao phát triển vùng thủ đô Hà Nội theo cơ chế phối hợp lại thích hợp hơn cách làm mở rộng địa giới hành chính?

Hiện trên thế giới có hai cách để mở rộng thành phố: mở rộng địa giới như đề án hiện nay của chúng ta và phối hợp giữa các vùng địa bàn. Tuy nhiên, những thập kỉ gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa nhanh người ta tập trung vào phát triển đô thị theo cơ chế phối hợp vì nó tạo điều kiện phát triển nhanh, hiệu quả và tiết kiệm; ví dụ như các vùng đô thị ở Pháp, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc, họ không lựa chọn phát triển theo mô hình mở rộng địa giới hành chính.

Theo tôi, phát triển vùng thủ đô theo cơ chế phối hợp là thích hợp nhất, lấy Hà Nội là trung tâm như xưa nay rồi đầu tư vào phát triển các vùng ngoài để tạo thành các vùng đô thị bao quanh, hỗ trợ Hà Nội. Vì trong quá trình đô thị hóa nhanh như hiện mà cứ thế mở rộng để tương thích thì mở rộng bao giờ cho hết. Hơn nữa, việc việc mở rộng địa giới chi phí cực kì tốn kém.

Điều này có nghĩa là chúng ta phải phát triển các đô thị vệ tinh?

Đô thị vệ tinh là chuyện ngày xưa. Người ta thấy các hoạt động không nên trong đô thị mà là ở các đô thị nào khác, ví dụ như các đô thị với những chức năng riêng: chỉ để ở và ngủ, thành phố ký túc xã, hay như thành phố chỉ làm công nghiệp (Biên Hoà) do vậy phải mở rộng xa lộ Sài Gòn, Biên Hoà…, đại khái thế.

Nhưng ngày nay, người ta phát hiện những thành phố đơn chức năng không thuận lợi cho sinh hoạt con người, tạo giao thông căng thẳng. Do đó không khuyến khích đô thị vệ tinh mà khuyến khích chùm đô thị mà mỗi đô thị đều phát triển đa chức năng mới có cuộc sống tốt. Cho nên trong vùng như thế không còn phân biệt đô thị với nông thôn mà không trở ngại thể chế quản lý, mới phát triển một cách đồng đều được.

Dù sao, đó là cách phát triển mà mỗi một nơi phải tự lo được, chỉ lo những gì không phân tán được như sân vận động quốc gia.

Mục tiêu của Đề án là phát triển Hà nội trở thành một thành phố phát triển năng động, hiệu quả mọi mặt, có tầm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nếu được vậy thì tốt quá, hiện đại quá. Nhưng trên thế giới rất hiếm thủ đô của quốc gia nào phát triển ở mọi lĩnh vực mà chỉ tập trung ở từng lĩnh vực, chức năng nhất định. Đặc biệt hiếm có việc phát triển thủ đô thành trung tâm công nghệ, công nghiệp.

Lấy một trong những ví dụ nhỏ như phát triển Hà Nội thành trung tâm công nghệ cao, như đưa các trường đại học và các viện nghiên cứu vào Hoà Lạc... nên phải mở rộng. Tuy nhiên điều này không cần thiết vì như thung lũng Silicon (Mỹ) đâu phải ở thủ đô.

Nhưng nói vậy thủ đô không có nghĩa là không làm công nghiệp nhưng vẫn phải lấy kinh tế, dịch vụ là hàng đầu. Chính vì lẽ đó không cần mở rộng địa giới, có thể mở khu công nghiệp ở các vùng lân cận nhưng tất cả các hoạt động công nghiệp này đều cần sự hậu thuẫn của kinh tế, dịch vụ mà kinh tế, dịch vụ này chỉ phát triển ở những đô thị lớn: có sân bay quốc tế, có ngân hàng nước ngoài, y tế, thương mại, giải trí.... chỉ có thể tìm được ở những đô thị lớn.

Vì thế, cho nên, dứt khoát đô thị lớn như Hà Nội ngoài chức năng là thủ đô thì trung tâm hành chính là hàng đầu. Về kinh tế, dịch vụ là cần thiết. Nhưng mặt khác, không phải tất cả các dịch vụ đó đều tập trung trong thủ đô vì như nghỉ ngơi cuối tuần có thể tìm ra những vùng ngoài. Những địa phương xung quanh có thể phát triển dịch vụ này. Tất cả các thứ ấy phát triển trên cơ sở phối hợp chứ không phải trên địa giới nào.

Theo tôi, vấn đề hiện nay chủ yếu làm cơ sở hạ tầng, đầu tiên là giao thông phải làm sao cho tốt, thuận lợi thì ắt những vùng đô thị đó đều phát triển cả.