16:22 19/08/2008

Mở “room” chỉ là tin đồn!

Minh Đức

“Không có việc nâng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam”

Các mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành - Ảnh: Việt Tuấn.
Các mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành - Ảnh: Việt Tuấn.
“Không có việc nâng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam”.

Đây là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước chiều nay (19/8), sau khi thị trường xuất hiện tin đồn mở “room”, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam từ 30% như hiện nay lên 35%, hoặc 32%.

Tin đồn này xuất hiện cuối tuần qua, có cùng thời điểm với quyết định giảm giá bán xăng dầu của Bộ Tài chính, quyết định nới rộng biên độ giao động giá chứng khoán tại hai sàn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tin đồn trên có “sức thuyết phục” hơn khi một số nhà đầu tư cho rằng, cùng với việc giảm giá xăng dầu, mở biên độ, Ngân hàng Nhà nước cũng vào cuộc mở “room” để tạo những giải pháp đồng bộ, hiệu ứng đồng bộ để thị trường phục hồi.

Gần đây, giao dịch của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nâng sở hữu tại một số ngân hàng thương mại Việt Nam cùng tập trung diễn ra, có tại VPBank, Techcombank, SeABank… Đặc biệt, tại Techcombank, lần đầu tiên một ngân hàng nước ngoài (HSBC) được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 20%.

Và từ đầu năm, mở “room” ngân hàng thương mại cũng đã có trong khuyến nghị của lãnh đạo nhà điều hành thị trường chứng khoán cũng như hiệp hội liên quan đến thị trường.

Cuối tuần qua, khi trả lời phóng viên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã bác bỏ thông tin trên. Và đầu tuần này, tin đồn tiếp tục “mạnh” lên và cơ quan này chính thức lên tiếng với công chúng đầu tư.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian gần đây, trên thị trường tài chính – ngân hàng xuất hiện tin đồn cho rằng Chính phủ nâng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư chiến lược nước ngoài quy định tại Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam.

“Thông tin trên đã ảnh hưởng đến chủ trương chính sách của Chính phủ và môi trường đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Và về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thông tin khẳng định rằng các mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được thực hiện theo các quy định tại Điều 4, Nghị định 69.

Cụ thể, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.

Mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.

Mức sở hữu cổ phần của một tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan của tổ chức đó không vượt quá 10% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.

Mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam. Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ căn cứ đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quyết định mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó vượt quá 15%, nhưng không được vượt quá 20%.

Trường hợp tổ chức tín dụng nước ngoài nắm giữ trái phiếu chuyển đổi, khi chuyển đối trái phiếu sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo các quy định nêu trên.

Tổng mức sở hữu cổ phần của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại ngân hàng thương mại Nhà nước được cổ phần hóa như tổng mức sở hữu cổ phần của các ngân hàng Việt Nam tại các ngân hàng thương mại Nhà nước đó.