11:23 06/09/2007

Mở thêm sàn chứng khoán: Không phải muốn là được!

Vừa qua, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã kiến nghị Chính phủ cho phép lập sàn giao dịch chứng khoán như ở Hà Nội, Tp.HCM

Nhà đầu tư giao dịch tại đại lý Cần Thơ của một công ty chứng khoán ở Tp.HCM - Ảnh: TT.
Nhà đầu tư giao dịch tại đại lý Cần Thơ của một công ty chứng khoán ở Tp.HCM - Ảnh: TT.
Vừa qua, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã kiến nghị Chính phủ cho phép lập sàn giao dịch chứng khoán như ở Hà Nội, Tp.HCM.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, điều này khó thành hiện thực.

Tại cuộc hội thảo “Xây dựng thị trường vốn và đầu tư tài chính ở ĐBSCL” vừa tổ chức tại Cần Thơ, chuyện nên hay không nên thành lập sàn giao dịch chứng khoán tại Cần Thơ cũng được nhiều đại biểu thảo luận. Trước đó, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cũng đã kiến nghị trực tiếp với Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Bộ Tài chính, xin được thành lập sàn giao dịch nhằm tăng cường khả năng thu hút vốn, tạo sự sôi động cho thị trường tài chính tại Cần Thơ cũng như cho một số tỉnh vùng ĐBSCL.

Thời gian gần đây tại Cần Thơ, nhiều đại lý giao dịch chứng khoán của một số công ty tài chính, ngân hàng tiếp tục ra đời, cộng thêm các đại lý đã hoạt động từ vài ba năm trước của Ngân hàng Ngoại thương, Công thương... khiến nhiều người kỳ vọng về sự ra đời của một sàn giao dịch chứng khoán trong nay mai.

Dân chơi chứng khoán ở vùng ĐBSCL cũng không ít, từ những người đang làm việc tại các doanh nghiệp cho đến cả những nông dân nuôi cá tra thuộc hàng “đại gia”...

Sự kiện ba công ty dược ở ĐBSCL có tổng vốn điều lệ 270 tỉ đồng, sau khi lên sàn đã nâng tổng vốn lên khoảng 5.000 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2006) đã khiến nhiều người kỳ vọng sàn giao dịch chứng khoán sẽ là nơi giúp các doanh nghiệp thu hút vốn, đẩy mạnh đầu tư vào vùng đất này.

Tuy vậy, nhiều thông tin cho thấy hiện nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không ủng hộ việc thành lập thêm sàn giao dịch chứng khoán.

Và theo ông Lê Nhị Năng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ đề cập đến định hướng để sàn giao dịch tại Tp.HCM trở thành trung tâm, còn sàn giao dịch tại Hà Nội sẽ tập trung cho các cổ phiếu OTC...

Bà Trần Thị Thu, nguyên Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, thừa nhận: “ĐBSCL hiện chỉ có thị trường tiền tệ là “nổi” nhất. Còn chứng khoán... sắp tới chắc chắn sẽ phát triển, nhưng nhìn chung khó tính đến chuyện đẩy mạnh thị trường tài chính trước năm 2010”.

Phân tích thực tế kinh tế vùng này, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: “Tốc độ tăng trưởng GDP vùng này chỉ bằng khoảng 80% so với bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế cũng khác hẳn khi tỷ lệ khu vực I (nông, lâm, thủy sản) chiếm hơn 44% - một tỷ lệ khá cao. Những con số thống kê cũng cho thấy ĐBSCL chiếm đến 77% số hộ nghèo. Thêm vào đó là tỷ lệ dân sinh sống tại các đô thị chỉ khoảng 21% (bình quân cả nước từ 27- 28%), lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đến 58%. Do đó, có thể thấy là khả năng tiết kiệm của người dân vùng ĐBSCL không cao”.

Cuối năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này còn đến 15,72%. Thực tế từ hoạt động của các ngân hàng trong vùng cũng cho thấy, doanh số huy động vốn hàng năm thường chỉ bằng 40% so với doanh số cho vay. Và nhu cầu vay từ phía các doanh nghiệp, người dân... vẫn còn rất lớn, nhưng chưa tiếp cận được với các ngân hàng do thiếu thông tin, không đủ điều kiện, tài sản thế chấp...

“Dân không có tiền thì làm gì có nhiều cơ hội đầu tư”, ông Năng đồng tình. Theo ông, khi thành lập sàn giao dịch chứng khoán, phải tìm hiểu kỹ về nhu cầu đầu tư, thu nhập của người dân... Một số công ty chứng khoán cũng đã về Cần Thơ tìm hiểu, nhưng phải “rút lui” vì nhận ra nhu cầu đầu tư quá thấp. “Nếu một tháng chỉ thực hiện được vài giao dịch thì làm sao đủ trang trải chi phí văn phòng, nhân viên...”, ông nói.

Ông Vũ Hoàng Nam, Giám đốc Ngân hàng Á Châu chi nhánh Cần Thơ, phân tích thêm, GDP của cả vùng ĐBSCL hiện chỉ vào khoảng 9,5 tỉ USD, không đủ làm “sôi động” sàn giao dịch chứng khoán - thường thu hút khoảng một phần ba GDP.

Và giả như sàn giao dịch được thành lập tại Cần Thơ, thì theo ông Năng: “Hàng hóa là gì? Chẳng lẽ “lấy” từ các công ty đang niêm yết tại Tp.HCM về?”. Thực tế hiện nay, số doanh nghiệp tại ĐBSCL có cổ phiếu niêm yết trên sàn chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp ngành thủy sản và dược phẩm.

Như tại Cần Thơ, hiện chỉ có Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đã niêm yết trên sàn và một vài công ty khác đang làm thủ tục niêm yết.

Theo ông Năng, hiện nay nhiều nước trên thế giới đang theo xu hướng chỉ cần một sở giao dịch chứng khoán. “Khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, một nhà đầu tư ở tận Cà Mau cũng chỉ cần một cú nhấp chuột nhập lệnh là đã “hòa nhập” với sàn giao dịch tại Tp.HCM”, ông nói.