09:11 21/11/2007

Mơ về tương lai quan hệ Nhật - Việt

Tomoharu Washio

Bài viết của ông Tomoharu Washio, Phó chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO)

Cái bắt tay đầy thân mật trong cuộc gặp tháng 11/2006 giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật khi đó là ông Shinzo Abe - Ảnh: Việt Tuấn.
Cái bắt tay đầy thân mật trong cuộc gặp tháng 11/2006 giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật khi đó là ông Shinzo Abe - Ảnh: Việt Tuấn.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ đến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 11. Mối quan hệ Việt - Nhật đã trở nên gắn bó khăng khít một cách nhanh chóng trong những năm gần đây. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin trích đăng bài viết của ông Tomoharu Washio, Phó chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), người được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp ngày 13/11 vừa qua. 

Sau khi nhậm chức vào năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chọn Nhật Bản làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Và ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ngài Abe cũng đã đến thăm Việt Nam.

Cả hai nước đã cùng nhau thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược. Cái nhìn thân thiện mà Nhật Bản hướng tới Việt Nam vẫn không hề thay đổi dưới chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản hiện nay, ngài Fukuda.

Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược

Từ trước đến nay, xét trên nhiều phương diện, Nhật Bản luôn dành cho Việt Nam tình cảm thân thiện.

Ví dụ, nếu ngược dòng lịch sử, nhà Nguyên đã tấn công xâm lược Nhật Bản 2 lần và Việt Nam 3 lần. Khi ra quân tiến hành xâm lược lần thứ ba, Koublai Khan đã cân nhắc tấn công vào Nhật Bản hay vào Việt Nam trước, và cuối cùng đã chọn Việt Nam. Thế nhưng, lần tấn công xâm lược này lại thất bại, và vì thế ý định tấn công xâm lược Nhật Bản lần thứ ba đã kết thúc khi chưa được thực hiện.

Chính vì vậy, xét về phương diện nào đó, có thể nói Nhật Bản đã được Việt Nam cứu thoát khỏi cuộc xâm lăng lần thứ ba của nhà Nguyên.

Vào khoảng năm 1905 của thế kỷ trước, phong trào Đông Du đã được khởi xướng trong khí thế chống thực dân Pháp tại Việt Nam và đã có hơn 200 thanh niên sang du học tại Nhật Bản. Hiện nay, tại thành phố Asaba tỉnh Shizuoka của Nhật Bản vẫn còn tượng đài kỷ niệm do Phan Bội Châu - nhà lãnh tụ phong trào Đông Du xây dựng để bày tỏ sự biết ơn đối với những người Nhật Bản đã giúp đỡ phong trào.

Bước vào những năm 2000, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng trở nên sâu sắc hơn. Tại và ASEAN, các doanh nghiệp Nhật Bản đang hình thành nên sự phân công lao động trong quá trình sản xuất, tạo nên chuỗi cung cấp sản phẩm. Trên cơ sở theo đuổi chiến lược này, Việt Nam chính là nước chiếm vị trí quan trọng nhất.

Đối với Việt Nam, Nhật Bản là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu (năm 2006) lớn thứ hai - đứng sau Trung Quốc. Nhật Bản cũng là nước có số vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện lớn nhất, điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt đối với Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu hướng tới ngành công nghiệp chế tạo. Chắc chắn hoạt động đầu tư này sẽ giúp ích cho Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại hoá và tạo thêm nhiều việc làm mới.

Mặt khác, sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam không chỉ dừng lại ở phần cứng là công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng như lĩnh vực điện lực và giao thông mà còn cả ở phần mềm như y tế và phát triển nguồn nhân lực.

Hỗ trợ giải quyết những vấn đề của Việt Nam

Vấn đề nan giải hiện nay mà Việt Nam đang gặp phải chính là việc vừa phải duy trì sự tăng trưởng về lượng của nền kinh tế, đồng thời vừa phải tiến hành cải thiện về chất đối với cơ chế kinh tế ví dụ như điều chỉnh chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị...

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của các bạn đều hiểu thấu đáo những vấn đề khó khăn của Việt Nam, vì thế đã chọn Việt Nam làm đất nước đối tác cùng chung tay khắc phục. Đây chính là cách lý giải của người Nhật chúng tôi.

JETRO, nơi tôi đang làm việc, cũng có chung nhận thức về mục đích giống như của các nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Nhật Bản, JETRO đang hợp tác với phía Việt Nam trong lĩnh vực điện lực và xây dựng KCN Hoà Lạc, đồng thời luôn tận dụng mọi cơ hội để nỗ lực làm cầu nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.

Nhân dịp chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lần này, tôi rất vui vì JETRO sẽ phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt- Nhật với quy mô lớn tại Tokyo và Osaka.

Mơ về viễn cảnh của Việt Nam 10 năm sau

Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đồng thời hoàn thiện xong hệ thống luật pháp và hạ tầng đô thị, nền công nghiệp phụ trợ cũng được phát triển, đội ngũ kỹ thuật và quản lý trung gian vốn không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trưởng thành, số lượng doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng lên.

Dân số Việt Nam có thể sẽ vượt ngưỡng 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng, và kết quả là Việt Nam sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ lớn, vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN cũng sẽ được nâng lên tầm cao mới. Như vậy, khu vực Đông Á giáp Thái Bình Dương từ các nước phía Bắc là Nhật Bản và Hàn Quốc, vùng duyên hải Trung Quốc cho đến Việt Nam sẽ hình thành nên vành đai kinh tế lớn trải dài liên tục theo hướng Bắc Nam.

Để hướng đến giấc mơ phồn vinh này, tôi nghĩ rằng Nhật Bản và Việt Nam còn có rất nhiều lĩnh vực để cùng nhau hợp tác. Tôi mong rằng chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ là mốc son trên con đường hướng tới tương lai năng động.

Từ tận đáy lòng, đất nước Nhật Bản đón chào chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.