11:01 01/08/2012

“Móc ví” Apple 60 triệu USD, Proview vẫn nợ đầm đìa

Phúc Minh

Dù đã lột được của Apple 60 triệu USD tiền bản quyền thương hiệu iPad, hãng Trung Quốc vẫn đang ngập đầu trong nợ nần

Bên ngoài nhà máy của Proview ở Thâm Quyến trông xơ xác, thật khó có thể hình dung đây là nơi từng trả lương khá cao cho nhân viên vào giai đoạn thịnh vượng - Ảnh: Mic Gadget.
Bên ngoài nhà máy của Proview ở Thâm Quyến trông xơ xác, thật khó có thể hình dung đây là nơi từng trả lương khá cao cho nhân viên vào giai đoạn thịnh vượng - Ảnh: Mic Gadget.
Theo trang công nghệ Mic Gadget, sau khi đã dàn xếp với Apple về việc sử dụng thương hiệu "iPad" tại thị trường Trung Quốc và thu về 60 triệu USD hồi đầu tháng này, hãng công nghệ Trung Quốc Proview vẫn không thể trả hết khoản nợ khổng lồ của mình.

Tuần trước, Proview đã bị chính luật sư của công ty này kiện vì đã không thanh toán đầy đủ phí hoa hồng trong vụ kiện Apple. Theo thông tin của Sina Tech, công ty luật Grandall kiện Proview để đòi 4% hoa hồng của họ đối với khoản tiền 60 triệu USD mà Apple trả cho Proview, tức khoảng 2,5 triệu USD.

Người sáng lập Yang Rongshan của hãng công nghệ Proview nhận xét rằng, vụ kiện của công ty luật Grandall là "việc làm vô nghĩa". Ông này cho rằng, Proview hiện không ở trong tình trạng “hoạt động bình thường”, cho nên sẽ không bị ràng buộc bởi các điều khoản nghĩa vụ của mình với công ty luật Grandall.

Vụ kiện này xảy ra chưa đầy một tháng sau khi Apple giải quyết xong tranh chấp về quyền sở hữu tên máy tính bảng iPad. Trước đó, Proview đệ trình nhiều đơn kiện ở Trung Quốc và cả ở Mỹ để tìm cách ngăn Apple sử dụng thương hiệu iPad và không cho sản phẩm này được bán lẻ tại thị trường Trung Quốc.

Sau 2 năm tranh cãi qua lại, cuối cùng đầu tháng 7 vừa qua, hãng công nghệ Apple đã chấp nhận trả cho Proview 60 triệu USD để được sử dụng tên gọi sản phẩm iPad ở thị trường Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg, kết quả trên được tòa thượng thẩm Tòa án Nhân dân Quảng Đông công bố trên website.

Trong bài phỏng vấn với một tờ báo địa phương, CEO Proview, ông Yang Rongshan nói: “Dù khoản bồi thường không quá lớn, nhưng dẫu sao như vậy cũng tốt rồi”. Ban đầu, Proview yêu cầu Apple bồi thường 400 triệu USD. Luật sư của Grandall cho biết, cả Apple và Proview đều hài lòng với cái giá trên.

Trước đó, hồi tháng 2, luật sư của Grandall đại diện cho Proview tuyên bố, kể cả khi Proview và Apple tranh chấp pháp lý dữ dội trong việc sử dụng thương hiệu “iPad” tại Trung Quốc và chưa có phán quyết cuối cùng, hai bên “vẫn có thể ngồi lại với nhau để dàn xếp mà không cần phải ganh nhau trước tòa”.

Theo bình luận của hãng tin AP, tuyên bố của vị luật sư này đã khiến cho nhiều chuyên gia đưa tới nhận định, Proview đã lộ rõ âm mưu muốn móc túi Apple, bởi hiện hãng công nghệ Trung Quốc này đang vật lộn với nguy cơ phá sản và một món tiền hấp dẫn từ nhà sản xuất máy tính bảng iPad sẽ giúp họ rất nhiều.

Tuy nhiên, khoản tiền "bù đắp" 60 triệu USD không thấm vào đâu so với núi nợ cao ngất mà hãng công nghệ Proview đang gánh. Chính vì thế, theo Mic Gadget, sau khi thắng Apple, Proview vẫn nợ ngập đầu và chưa thể thanh toán xong nợ nần. Toàn bộ tài sản của họ hiện vẫn bị cầm cố tại 8 ngân hàng Trung Quốc.

Song, một điều đáng ngạc nhiên là gần đây, ông Yang Rongshan đã lên báo nói rằng công ty nhận được hơn 100 triệu Nhân dân tệ (khoảng 15,7 triệu USD) từ các quỹ của nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài, để xây dựng một cơ sở mới. Cơ sở này sẽ là nơi sản xuất đèn LED và sản phẩm năng lượng sinh hóa.

Proview có hai chi nhánh đặt tại thành phố Thâm Quyến và Vũ Hán, cũng chuyên nghiên cứu phát triển và sản xuất bóng đèn LED. Năm 2010, CEO của Proview đã tuyên bố phá sản và ngừng mọi hoạt động suốt từ đó tới nay. Theo lời ông Yang, cơ sở mới sẽ đạt mức sản lượng 5 triệu bóng đèn LED mỗi năm.

Ông này bày tỏ hy vọng, công ty mới sẽ giúp tái sinh Proview trong tương lai, song CEO Proview lại tuyên bố "công ty mới sẽ hoạt động độc lập và hoàn toàn không liên quan tới nợ nần của Proview". Mic Gadget bình luận, nói gì đi nữa thì Yang vẫn phải trả nợ vì chủ nợ của Proview là 8 ngân hàng và 1 hãng luật.