06:58 27/09/2007

Môi trường kinh doanh của Việt Nam lên hạng

Tùy Phong

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2008 nhận định, Việt Nam là một trong những nước có tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh

Doing Business 2008 đánh giá mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh của từng quốc gia dựa trên rà soát những quy định pháp luật.
Doing Business 2008 đánh giá mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh của từng quốc gia dựa trên rà soát những quy định pháp luật.
Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2008 nhận định, Việt Nam là một trong những nước có tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh.

>>“Doing Business 2008 cũng chỉ là một tham số”

Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) vừa công bố Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2008 (Doing Business 2008) đánh giá mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh của từng quốc gia dựa trên rà soát những quy định pháp luật. Theo đó, mức độ thuận lợi kinh doanh của Việt Nam ở vị trí 91/178 quốc gia được xếp hạng trong năm nay.

Như vậy, mức độ thân thiện của nền kinh tế Việt Nam với giới đầu tư nước ngoài đã được cải thiện so với năm ngoái khi đứng ở vị trí 104/175 quốc gia được xếp hạng, năm trước đó là vị trí 98/155.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn, như Singapore tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trong năm nay, Thái Lan ở vị trí 15, Malaysia 24, Trung Quốc 83, song Việt Nam cũng xếp hạng cao hơn Indonesia 123, Philippines 133 và Campuchia 145.

Trong 10 chỉ số ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà Báo cáo xem xét thì so với năm ngoái, Việt Nam có 5 chỉ số tăng, 1 chỉ số giữ nguyên và 4 chỉ số giảm. Trong đó, 2 hai lĩnh vực quan trọng là Bảo vệ nhà đầu tư và Tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã được báo cáo ghi nhận là cải cách nhanh khi ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật chứng khoán, trong đó quy định những hoạt động chính của các công ty phải có sự tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là thông tin về giao dịch của các bên có liên quan.

Doing Business 2008 cũng nhận xét Việt Nam đã tạo thuận lợi hơn trong lĩnh vực tiếp cận tín dụng thông qua việc mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thấp chấp được quy định trong Bộ Luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006 về Giao dịch bảo đảm cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản hiện có và sẽ có trong tương lai, hữu hình và vô hình để làm vật thế chấp.

Bên cạnh những đánh giá tiến bộ, nhóm nghiên cứu cũng thông báo thêm, Báo cáo chỉ đánh giá mức độ cải cách trong mỗi lĩnh vực chứ không phải hiện trạng của lĩnh vực đó. Đơn cử, Việt nam vẫn xếp hạng 165/178 về Bảo vệ nhà đầu tư nhưng do trong giai đoạn 2006 - 2007, Việt Nam đã ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán với hàng loạt cải cách so với năm ngoái, nên Việt Nam vẫn nằm trong danh sách những quốc gia cải cách trong lĩnh vực này.

Một số các chỉ số khác của Việt Nam trong báo cáo năm nay vẫn chưa có những chuyển biến mạnh, như Giải thể doanh nghiệp 121/178, Đóng thuế 128/178. Điều đó cho thấy, Việt Nam cần phải tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh của Việt Nam, chuyên gia của IFC góp ý.

Theo đại diện của WB, xếp hạng về mức độ thuận lợi trong kinh doanh không phản ánh bức tranh tổng thể của một quốc gia, bởi các chỉ số chỉ giới hạn trong một phạm vi và không tính đến các yếu tố khác (vị trí địa lý gần với các thị trường lớn, chất lượng dịch vụ hạ tầng, mức độ bảo toàn tài sản khỏi nạn trộm cướp, tính minh bạch trong mua sắm của chính phủ, điều kiện kinh tế vĩ mô hay mức độ vững vàng của các thể chế).

Tuy nhiên, WB cũng cho rằng quốc gia nào xếp hạng cao về mức độ thuận lợi cũng có nghĩa là Chính phủ đó đã xây dựng được môi trường thể chế thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh.