15:25 31/03/2010

Mọt sách thành mọt e-book!

Đạt, chủ một nhà sách ngoại văn trên đường Phạm Viết Chánh (Tp.HCM) giới thiệu với tôi về “cuốn sách” mới mà anh mua được tại Mỹ

Một “con mọt” thế kỷ 21.
Một “con mọt” thế kỷ 21.
Đạt, chủ một nhà sách ngoại văn trên đường Phạm Viết Chánh (Tp.HCM) giới thiệu với tôi về “cuốn sách” mới mà anh mua được tại Mỹ.

Anh bảo rằng đây là “cuốn sách” nhỏ, nhưng ôm trong nó cả thư viện!

Bởi vì trước đó, tôi đã kể câu chuyện một số người mê sách ở Sài Gòn, khi chiến tranh kết thúc đã phát điên vì tủ sách họ chắt chiu giữ gìn vài mươi năm trong phút chốc bị tịch thu, bán ra chợ trời. Điều này ông Vương Hồng Sển có nói rõ trong "Cuốn sách và tôi" (Nhà xuất bản Trẻ).

Trước đây, tôi đã nghe nói nhiều về thiết bị đọc Kindle. Vào cuối năm 2009, nếu vào cửa hàng sách trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon.com, sẽ thấy trưng ra câu slogan rất “sốt”: “Amazon Kindle – sản phẩm bán chạy nhất, được mơ ước nhất và tiện lợi nhất trên Amazon.com!”.

Trước đó, cuối năm 2007 thiết bị đọc sách điện tử này đã được trình làng và bán rất chạy tại Mỹ. Trong suốt ba năm trời, đây là sản phẩm “hot” nhờ tính “cách mạng” trong phương thức đọc.

Thử nghĩ xem, tại Mỹ, nơi Kindle có thể kết nối khắp nơi, chỉ cần truy cập vào trang web Amazon.com, độc giả có thể chọn lựa 400 ngàn tựa sách điện tử về máy (trong đó có đến vài ngàn tựa miễn phí) và thế là có thể nằm đọc, ngồi đọc mệt nghỉ. Việc mua sách được thực hiện qua tài khoản mà người đọc đăng ký trên Amazon hoặc qua thẻ master card. Sách điện tử mua qua mạng giá cả cũng rẻ hơn nhiều so với sách in.

Điều đáng nói hơn, là mỗi một thiết bị đọc như Kindle DX này có thể lưu trữ đến 3.500 cuốn sách điện tử hoặc file định dạng PDF do người đọc chép vào hoặc tải xuống từ internet. Với công nghệ xử lý tiên tiến, việc đọc sách điện tử trên “cuốn sách” này khác hẳn với trên máy tính – chữ hiển thị sắc nét, không chói mắt, cảm giác đọc không khác khi cầm một cuốn sách là mấy (chỉ khác là thay vì lật trang thì… nhấn nút!). Thêm một số tính năng giải trí tích hợp khác như chọn giọng đọc (nam hoặc nữ), nghe nhạc và xem ảnh.

Tại Việt Nam, hiện nay, để xài thiết bị này, người đọc sẽ dùng đến mạng 3G hoặc cắm vào máy tính và tải bản e-book về từ Amazon, chép file vào và mang theo đọc bình thường.

Điều có thể dễ hình dung nhất về mặt tiện ích đó là nếu với 1.500 cuốn sách, bạn phải có một gian thư viện nho nhỏ, thì với thiết bị này bạn có thể gom tất cả chúng vào trong một góc balô và mang đi khắp nơi, đọc trong mọi lúc. Những bản sách e-book tiếng Việt, định dạng file PDF đều đọc được bằng thiết bị này.

“Mua “con” Kindle DX, chỉ cần tải và đọc miễn phí vài trăm bản sách trên Amazon là đã… thu hồi được vốn!”, Đạt nói. Hiện nay, giá gốc trên Amazon cho máy Kindle màn hình 6 inch, lưu 1.500 cuốn sách là 259 USD, còn Kindle DX màn hình 9,7 inch, lưu 3.500 cuốn có giá 489 USD.

Amazon vừa công bố số liệu: những tựa sách dành cho Kindle chiếm 1/10 doanh số sách có sẵn trong định dạng số lẫn in! Xu hướng phát triển e-book kinh doanh cũng như kho sách công cộng đang thực hiện rầm rộ trên các mạng của Google, Rare Book Room, World Digital Library cùng nhiều tài liệu hiếm dưới dạng sách điện tử quan trọng đang được công bố miễn phí trên các website… có khả năng thay đổi văn hoá đọc, biến những con mọt sách thành những con mọt… e-book!

Không nghi ngờ gì, một cuộc cách mạng về “phương thức đọc” đang diễn ra! Bỏ qua cái thú gắn bó, cảm xúc mân mê những trang sách theo kiểu truyền thống, có kẻ sẽ buột miệng: “Giá như vào thời đó, mọi sách vở đều được số hoá như hiện nay thì chắc đã hạn chế được những ca điên vì tiếc sách!”

Nguyễn Vinh (SGTT)