07:59 30/04/2023

Một số ngân hàng chuyên đầu tư vào startup của Trung Quốc có thể sẽ lặp lại kịch bản của ngân hàng Thung lũng Silicon

Ngô Huyền

Vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ là lời cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách và các ngân hàng khác trên thế giới rằng việc thiếu quản lý rủi ro và giám sát quy định không đầy đủ sẽ là rất nguy hiểm…

Một số ngân hàng chuyên đầu tư vào startup của Trung Quốc có thể sẽ lặp lại kịch bản của ngân hàng Thung lũng Silicon
Một số ngân hàng chuyên đầu tư vào startup của Trung Quốc có thể sẽ lặp lại kịch bản của ngân hàng Thung lũng Silicon

Trước khi sụp đổ, SVB đã thành công giải quyết các nhu cầu về vốn trong hệ sinh thái khởi nghiệp Hoa Kỳ bằng cách cung cấp các dịch vụ, chẳng hạn như cho vay nợ mạo hiểm và quản lý tài sản cho các công ty khởi nghiệp và VC. Bằng những hiểu biết về các xu hướng đầu tư, SVB đã xây dựng một mạng lưới nhân sự và chuyên môn sâu rộng bằng cách đầu tư vào nhiều công ty VC hàng đầu. Sự thành công trong kinh doanh của SVB đã vượt ngoài giới hạn địa lý của Thung lũng Silicon, cho phép SVB có sự hiện diện quan trọng trong cộng đồng công nghệ Trung Quốc, Châu Âu và Israel, cùng nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa lạm phát và sự hoảng loạn giữa các quỹ đầu tư mạo hiểm đã gây ra tình trạng tháo chạy và SVB đã sụp đổ.

THÀNH CÔNG CỦA SVB TRONG ĐẦU TƯ THU HÚT NHIỀU TỔ CHỨC TÀI CHÍNH TRUNG QUỐC HỌC HỎI 

Mặc dù khó có thể sao chép toàn bộ dịch vụ và mạng lưới của SVB, nhưng sự thành công của mô hình nợ mạo hiểm đối với tài chính công nghệ đã khiến các nhà tài chính Trung Quốc phải học hỏi. Một số ngân hàng Trung Quốc đã áp dụng mô hình tài trợ nợ mạo hiểm của SVB để thúc đẩy sự phát triển của các công ty công nghệ vừa và nhỏ trong nước này. Và điều này hoàn toàn phù hợp với tham vọng của chính phủ Trung Quốc trong việc hỗ trợ các công ty cải thiện khả năng tự lực về công nghệ trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, các ngân hàng này cũng có thể chịu chung số phận với SVB nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thắt chặt chính sách tiền tệ do tác động của lạm phát để duy trì môi trường lãi suất thấp nhằm đáp ứng nhu cầu kép về tài chính cho sự tự chủ về công nghệ của Trung Quốc và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau COVID.

Kể từ năm 2014, PBoC bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Lãi suất vay cơ bản kỳ hạn một năm (LPR) chuẩn của các ngân hàng Trung Quốc là khoảng 4,3% trong suốt năm 2018 và giữa năm 2019. Sau đó, PBoC tiến hành một số đợt cắt giảm lãi suất, đưa LPR kỳ hạn một năm xuống 3,7% vào tháng 8/2022 để thúc đẩy nền kinh tế. Lãi suất của Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là 4,84% vào năm 2020, giảm 0,02 điểm phần trăm so với năm 2019. Trong khi đó, lãi suất cơ bản của Hoa Kỳ trong khoảng từ 4,5% đến 5,5% từ năm 2018 đến giữa năm 2020, trong khi lãi suất cho một khoản vay điển hình của Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ dao động từ 6,25% đến 8,75% vào năm 2022.

SVB CÓ LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG LÂU DÀI TẠI TRUNG QUỐC

SVB đã có lịch sử hoạt động lâu dài tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1999 
SVB đã có lịch sử hoạt động lâu dài tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1999 

Năm 2005, ngân hàng SVB thành lập công ty con đầu tiên ở Trung Quốc tại Thượng Hải và chi nhánh thứ hai tại Bắc Kinh vào năm 2010. Vào tháng 8/2012, SVB thành lập một liên doanh tiên phong với Phố Đông Thượng Hải. Liên doanh SPD-SVB là ngân hàng công nghệ đầu tiên ở Trung Quốc và có số vốn đăng ký ban đầu là 1 tỷ RMB, sau đó tăng lên 2 tỷ RMB.

Từ năm 2016–2021, SPD-SVB được phê duyệt thành lập các công ty con tại Bắc Kinh, Thâm Quyến và Tô Châu, tập trung vào 8 ngành: chăm sóc sức khỏe, sản xuất xanh và thông minh, dịch vụ doanh nghiệp, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, công nghệ tài chính, tiêu dùng mới và internet công nghiệp. 

Báo cáo thường niên năm 2021 của SPD-SVB tiết lộ rằng khoảng 98% công ty mà SPD-SVB phục vụ là các công ty khoa học và công nghệ bản địa của Trung Quốc. Tính đến quý II/2021, SPD-SVB đã phục vụ hơn 3.000 tập đoàn, thể hiện khả năng thâm nhập thị trường ấn tượng của SPD-SVB trong ngành công nghệ của Trung Quốc. Sau sự sụp đổ của SVB, liên doanh Trung Quốc tuyên bố, họ vẫn duy trì ổn định, sự sụp đổ của SVB không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nó.

Mô hình cho vay mạo hiểm đã góp phần tạo nên sự thành công của một số khu phát triển công nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ bởi các ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Hankou, một trong những ngân hàng lớn nhất của tỉnh Hồ Bắc, là một trong những ngân hàng đầu tiên của Trung Quốc áp dụng mô hình cho vay mạo hiểm của SVB để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về công nghệ tại Khu phát triển công nghệ cao Hồ Đông Vũ Hán–Thung lũng Quang học của Trung Quốc. 

Ngân hàng Hàng Châu là một ngân hàng thương mại điển hình khác đã theo mô hình SVB và đáp ứng nhu cầu tài chính đặc biệt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghệ. Hàng Châu là nơi đặt trụ sở của một số công ty khởi nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc, bao gồm cả Alibaba. 

CHÍNH PHỦ TRUNG QUỐC KHUYẾN KHÍCH CÁC TỔ CHỨC TÀI CHÍNH HỌC HỎI MÔ HÌNH CỦA SVB

Những thành công của các ngân hàng khi đi theo mô hình tài chính của SVB đã mở đường cho Bắc Kinh khuyến khích các ngân hàng triển khai rộng rãi hơn phương pháp này. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho rằng việc sử dụng các khoản vay mạo hiểm và ngân hàng kiểu SVB sẽ hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghệ và phát triển các khu công nghệ cao. 

Tháng 11/2021, Trung Quốc phê duyệt “Kế hoạch tổng thể xây dựng Khu thí điểm cải cách tài chính để hỗ trợ đổi mới khoa học và công nghệ ở Tế Nam”. Kế hoạch này nhằm mục đích thiết lập một chuỗi cung ứng tài chính cho toàn bộ hệ thống công nghệ và đổi mới, đó chính xác là những gì SVB đã đạt được. Một năm sau, tám cơ quan chính phủ bao gồm PBoC, Bộ Tài chính, CBIRC, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và bốn cơ quan khác, cùng ban hành “Kế hoạch tổng thể xây dựng các khu thí điểm cải cách tài chính để hỗ trợ đổi mới khoa học và công nghệ tại Thượng Hải, Nam Kinh , Hàng Châu, Hợp Phì và Gia Hưng.”

Tính đến năm 2022, Trung Quốc đã thành lập ít nhất 23 khu trình diễn đổi mới độc lập cấp quốc gia tại 66 khu công nghệ cao quốc gia trên 60 thành phố, nhiều thành phố đã áp dụng mô hình của SVB. Ngoài ra, “Kế hoạch phát triển khu vực trình diễn đổi mới sáng tạo độc lập quốc gia giai đoạn 2021-2035” đã khuyến khích các ngân hàng trên toàn Trung Quốc áp dụng hình thức tài trợ vốn mạo hiểm theo kiểu SVB cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. 

VỊ THẾ CỦA CÁC NGÂN HÀNG TRUNG QUỐC THEO ĐUỔI MÔ HÌNH SVB BỊ LUNG LAY

Tuy nhiên, sự sụp đổ của SVB cho thấy quản lý rủi ro yếu kém kết hợp với giám sát tài chính lỏng lẻo nhanh chóng tạo ra sự bất ổn tài chính trong môi trường lãi suất tăng cao. Ngoài Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc, tám ngân hàng được chỉ định còn lại không phải là chưa từng gặp khủng hoảng. Ngân hàng Hengfeng đã trải qua đợt tái cơ cấu trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (14,5 tỷ USD) vào năm 2019 sau khi ban lãnh đạo tham nhũng đưa ngân hàng này đến bờ vực phá sản. Năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 28,44%, tương đương 163,56 tỷ nhân dân tệ. Ngay cả sau khi tái cấu trúc, Ngân hàng Hengfeng vẫn gặp khó khăn. Từ tháng 8/2021– tháng 9/2022, Ngân hàng Hengfeng và các công ty con của nó đã bị cơ quan quản lý Trung Quốc phạt 10 lần, với tổng số tiền phạt là 9,25 triệu nhân dân tệ. Gần đây, ngân hàng này đã không thể thu hồi 658 triệu nhân dân tệ từ hai khoản đầu tư vào hai công ty con. 

Các cơ quan quản lý Trung Quốc và các nhà cung cấp bảo hiểm thuộc sở hữu nhà nước đã chủ động phát triển các giải pháp quản lý rủi ro để hỗ trợ R&D bản địa của Trung Quốc trong các ngành chiến lược. Mặc dù thất bại của SVB không làm nản lòng chính phủ và các ngân hàng Trung Quốc trong việc sử dụng nợ mạo hiểm để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghệ Trung Quốc và thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp trong các lĩnh vực chiến lược, nhưng nó đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều tại Trung Quốc về mô hình tài trợ SVB.

Yi Gang, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trấn an rằng tất cả các tổ chức tài chính nhận tiền gửi ở Trung Quốc đã tham gia bảo hiểm tiền gửi có thể bảo vệ đầy đủ cho hơn 99% người gửi tiền. Tuy nhiên, Ju Weimin, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư của China Investment Corporation, cảnh báo rằng “Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của SVB là do sự không phù hợp giữa kỳ hạn tài sản và nợ phải trả và sự không phù hợp về thanh khoản, thì nguyên nhân gốc rễ là do mô hình kinh doanh cũ rõ ràng là không đủ để thích ứng với các mô hình mới, có nghĩa là các sự kiện rủi ro tương tự có thể xảy ra trong tương lai”.