07:00 06/12/2021

Một xu thế phát triển tất yếu

Nguyễn Quốc Uy

Tại phiên họp đầu tiên, ra mắt Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, tổ chức ngày 30/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban, khẳng định chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước mà, theo lời Thủ tướng, “chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”...

Phiên họp đầu tiên, ra mắt Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, tổ chức ngày 30/11/2021. Ảnh TTXVN.
Phiên họp đầu tiên, ra mắt Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, tổ chức ngày 30/11/2021. Ảnh TTXVN.

Trong thời đại Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành xu thế phát triển tất yếu, khách quan, mà mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, mọi tổ chức và cá nhân đều phải theo, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

Khái niệm chuyển đổi số có nội hàm rất rộng và có nhiều cách giải thích khác nhau, tùy theo cách nhìn và mục tiêu đưa ra định nghĩa.

Chuyển đổi số có thể được hiểu chung là quá trình áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để từng bước thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức hoạt động của tổ chức và cá nhân một cách an toàn trong môi trường số được kích hoạt online.

Bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo. Các mô hình và quá trình chuyển đổi số, nếu được áp dụng thành công, sẽ giúp tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, với hàm lượng tri thức giữ vai trò chi phối năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Hiểu rõ quy luật phát triển và sớm nắm bắt được xu thế phát triển số, vốn đã trở thành tất yếu, khách quan trên toàn cầu, Đảng và Nhà nước ta đã thông qua nhiều chủ trương, chính sách, được hoạch định phục vụ yêu cầu phát triển quốc gia số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó có Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, và Chương trình phát triển công nghệ cao quốc gia đến năm 2030.

Theo bảng xếp hạng chỉ số “Sự trỗi dậy số” của các quốc gia, do Trung tâm cạnh tranh số châu Âu công bố năm 2021, dựa trên kết quả đánh giá 137 quốc gia trong 3 năm (2018-2020), Việt Nam được xếp thứ nhất trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương về tốc độ tiến bộ, xét theo tiêu chí ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược số quốc gia.

Đại hội 13 của Đảng đã xác định ba trụ cột chính trong chuyển đổi số ở Việt Nam là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đó cũng là ba bệ đỡ của quốc gia số.

Tại phiên họp đầu tiên, ra mắt Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, tổ chức ngày 30/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban, khẳng định chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước mà, theo lời Thủ tướng, “chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần nâng cao nhận thức, thống nhất hành động về chuyển đổi số, với những kế hoạch, giải pháp và nội dung thật khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, trước mắt là phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế, vai trò và tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đề ra hơn 50 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025. Riêng trong năm 2022, sẽ triển khai 18 nhiệm vụ,  gồm phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng thông rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phổ cập học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ cập hóa đơn điện tử; thúc đẩy thương mại điện tử; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức...

Những nhiệm vụ trên rõ ràng là nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp,  theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là chuyển đổi số “phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực…”, và  “mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp”.

Sự chỉ đạo của Thủ tướng không chỉ mang tính định hướng, gợi mở mà còn rất sâu sát, cụ thể.

Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, do người đứng đầu làm Trưởng ban; ưu tiên, bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số.

Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 chắc chắn sẽ được đẩy mạnh và đạt mục tiêu đề ra, tạo đà thực hiện tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, và rộng khắp.<