09:37 08/04/2007

Mua bán công ty: Xem “giò cẳng” cho kỹ

Trong trường hợp khách hàng giấu thông tin thì tình hình tài chính của công ty sẽ không được phản ánh chính xác

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường áp dụng hai sổ sách kế toán, một sổ cho mình và sổ khác để đối phó với Nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường áp dụng hai sổ sách kế toán, một sổ cho mình và sổ khác để đối phó với Nhà nước.
Hầu như tất cả các luật sư đều cho rằng khâu quan trọng hàng đầu của một vụ chuyển nhượng doanh nghiệp chính là vấn đề thẩm định.

>>Đọc thêm về mua bán công ty

“Cũng giống như ta mua một cái máy vậy, trước hết phải kiểm tra xem tình trạng hiện hữu của nó ra sao, giá trị sử dụng còn bao nhiêu phần trăm, bộ phận nào mới, bộ phận nào cũ, máy đó sở hữu của ai, có bị tranh chấp không...”, Luật sư Lê Công Định, Trưởng văn phòng Luật sư DC, giải thích.

Theo các luật sư, có hai vấn đề cốt lõi cần thẩm định trong việc chuyển nhượng, đó là tình trạng tài chính và tình trạng pháp lý của công ty được chào bán. Việc thẩm định về tình trạng tài chính sẽ cho biết công ty có tài sản bao nhiêu, hoạt động kinh doanh lời lỗ ra sao, nợ nần như thế nào..., nói cách khác điều đó giúp cho người mua và người bán biết giá trị của mặt hàng mình cần mua bán là bao nhiêu. Còn việc thẩm định về tình trạng pháp lý cho thấy mức độ tuân thủ pháp luật của công ty như thế nào, có gặp rắc rối gì về pháp luật không, có tranh chấp với ai không...

Một trong những cơ sở quan trọng để thẩm định tình trạng tài chính là báo cáo kiểm toán. Các luật sư khuyên tốt nhất nên chọn thuê những công ty kiểm toán uy tín, nổi tiếng thì báo cáo kiểm toán mới có độ tin cậy và giá trị cao.

Tuy vậy, theo luật sư Nguyễn Hữu Phước, Trưởng văn phòng Luật sư P&P, cũng không nên hoàn toàn tin tưởng vào báo cáo kiểm toán vì việc kiểm toán thực chất chỉ dựa trên những thông tin do khách hàng cung cấp. Trong trường hợp khách hàng giấu thông tin thì tình hình tài chính của công ty sẽ không được phản ánh chính xác.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường áp dụng hai sổ sách kế toán, một sổ cho mình và sổ khác để đối phó với Nhà nước. Vì vậy, để có một cái nhìn toàn diện, đúng đắn về tình hình tài chính của công ty, bên mua cần dựa trên nhiều tài liệu và tiến hành thẩm định với nhiều cách thức phối hợp khác nhau.

Về tình trạng pháp lý, luật sư Phước cũng lưu ý: “Một số công ty Việt Nam thường tuân thủ pháp luật không được tốt trong giai đoạn mới bắt đầu hoạt động. Ví dụ như kê hóa đơn không đúng giá trị thực tế, né đóng bảo hiểm cho người lao động, pháp luật quy định phải có giấy phép nhưng lại không xin... Chỉ sau này, khi đã phát triển, ổn định họ mới bắt đầu đi vào khuôn phép, tuân thủ đàng hoàng. Vì vậy, nếu ta chỉ kiểm tra trong hai năm gần nhất lúc mua thì rủi ro từ việc không tuân thủ pháp luật của các năm trước đây vẫn có thể xảy ra. Ví dụ như bị cơ quan thuế phát hiện và buộc truy thu một khoản thuế nào đó chẳng hạn”.

Đã có trường hợp một công ty tại Tp.HCM mua lại một cơ sở sản xuất nước tinh khiết nọ, tiền trao cháo múc vừa được vài tháng thì bên mua mới té ngửa khi nhận được công văn từ một nhà cung cấp của cơ sở yêu cầu thanh toán khoản nợ lên tới 300 triệu đồng. Khoản nợ này đã không hề được bên bán đề cập gì trong quá trình thương lượng.

Theo luật sư Nguyễn Chính, Văn phòng Luật sư Nghiêm & Chính, để hạn chế rủi ro thì ngoài việc thẩm định, bên mua cần thỏa thuận dứt khoát với bên bán rằng “bên mua không chịu trách nhiệm đối với những khoản phát sinh ngoài khai báo của bên bán”.

Sau khi đã xem kỹ giò cẳng và thỏa thuận việc mua bán, bước kế tiếp là lập hợp đồng. Theo luật sư Phước, việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng doanh nghiệp hiện nay còn quá sơ sài. “Hầu hết các hợp đồng chỉ đề cập tới cái tốt, tài sản bán gồm những gì, giá bao nhiêu, phương thức thanh toán ra sao... Trong khi đó, các bên lại rất ít khi đề cập đến cái “xấu”, tức những tình huống rủi ro, tranh chấp có thể phát sinh. Chẳng hạn, sẽ giải quyết như thế nào trong trường hợp doanh thu, lợi nhuận của công ty sau khi mua không đạt được mức như báo cáo trước đó của bên bán”.

Luật sư Phước cũng cảnh báo rằng việc ghi giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế trong hợp đồng nhằm “né” thuế thu nhập chuyển nhượng như nhiều trường hợp hiện nay rất có thể sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Ông cho biết đã từng xảy ra trường hợp tranh chấp bên mua nhất quyết chỉ thanh toán cho bên bán theo giá ghi trên hợp đồng mặc dù trước đó cả hai bên đã thỏa thuận ngầm với nhau theo mức giá cao hơn rất nhiều.

Ở một khía cạnh khác, luật sư Định cho rằng trong hợp đồng nên có sự thỏa thuận thật kỹ về thời điểm kết thúc giao dịch bởi việc chuyển nhượng doanh nghiệp chỉ có thể được thực hiện khi thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Chẳng hạn, phải có giấy chấp thuận của sở kế hoạch và đầu tư, quyết định đồng ý của hội đồng quản trị... Như vậy, giao dịch chỉ có thể kết thúc khi bên bán đã trao cho bên mua những giấy tờ nói trên.

Tương tự, theo luật sư Phước, thời điểm chốt sổ kế toán cũng nên được thỏa thuận thật rõ ràng, chi tiết.

“Rất nguy hiểm nếu chúng ta bỏ qua vấn đề này. Ví dụ, trong khi đang làm thủ tục chuyển nhượng, bên bán làm bậy, tiêu hết tiền trong quỹ thì sao? Vì vậy, phải thỏa thuận cụ thể lúc nào thì khóa sổ kế toán, trách nhiệm của bên bán sau khi khóa sổ ra sao, lúc nào thì bên mua được quyền tiếp quản doanh nghiệp...”, Luật sư Phước nói.