08:32 21/05/2007

Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ “nóng”

Hồng Thoan

Hiện tỷ lệ thành công giao dịch mua bán doanh nghiệp còn thấp bởi cả bên bán và bên mua đều không nắm rõ quy trình

Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ ngày càng gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ ngày càng gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty First Asia Limited (thành viên của Hiệp hội tư vấn môi giới mua bán, sáp nhập doanh nghiệp quốc tế - IBBA) nhận định, hội nhập và toàn cầu hoá nền kinh tế sẽ thúc đẩy xu hướng mua bán, sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp tại Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ.

Năm 2007 được các chuyên gia dự đoán sẽ là năm mở đầu của sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động tập trung kinh tế dưới hình thức sáp nhập, mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam.

Hiện nay đã xuất hiện ngày càng nhiều nhu cầu bán và nhu cầu mua doanh nghiệp, đồng thời, xu hướng hình thành các tập đoàn kinh doanh, xu hướng đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp cũng ngày càng phổ biến, đây là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế, làm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo số liệu điều tra của Công ty First Asia Limited, hơn 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phải đóng cửa hoặc chuyển nhượng sau 6 năm hoạt động do kinh doanh thua lỗ, hoặc lợi thế kinh doanh không còn sau một số năm hoạt động, không thích nghi được với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, hoặc do cơ hội kinh doanh mới xuất hiện, doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư, hay do doanh nghiệp nhận được những lời đề nghị mua hấp dẫn.

Vì vậy, nhu cầu bán doanh nghiệp sẽ ngày càng rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu mua doanh nghiệp cũng ngày càng tăng do số lượng các nhà đầu tư gia tăng nên nhà đầu tư có thể lập doanh nghiệp mới hoặc mua lại doanh nghiệp đã hình thành với rất nhiều lợi thế, hoặc do xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh, hình thành nên các tập đoàn kinh doanh, và một nguyên nhân khác nữa là do hội nhập kinh tế thế giới dẫn đến sự mua bán, sáp nhập doanh nghiệp giữa các nước khác nhau.

Tuy nhiên, hiện tỷ lệ thành công giao dịch mua bán doanh nghiệp còn thấp bởi cả bên bán và bên mua đều không nắm rõ các bước phải thực hiện trong quy trình mua bán doanh nghiệp. Bên bán không biết phải bán như thế nào, bán cho ai và bán khi nào. Còn bên mua luôn có tâm lý sợ mắc phải sai lầm trong quyết định mua.

Một nguyên nhân chính là do không có các nhà tư vấn, môi giới chuyên sâu trong lĩnh vực mua bán, sát nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, hầu hết các hoạt động mua bán doanh nghiệp, sáp nhập doanh nghiệp đều đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà tư vấn, môi giới, luật sư, ngân hàng.

Một điều hiển nhiên là không phải doanh nghiệp nào muốn bán cũng bán được. Ước tính, hầu hết các giao dịch mua bán doanh nghiệp thành công (khoảng 35%) diễn ra trong khoảng thời gian từ 7 - 9 tháng.

Về khía cạnh pháp lý, theo TS. Phạm Trí Hùng (Đại học Luật Hà Nội) và TS. Ngô Hoàng Anh (Học viện Tư pháp), trên cơ sở đối chiếu, so sánh với cơ chế và pháp luật về kiểm soát hoạt động sáp nhập, mua lại doanh nghiệp của các nước trên thế giới, cơ chế và pháp luật về kiểm soát hoạt động sáp nhập, mua lại của Việt Nam đã tương đối đầy đủ.

Để có thể kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế, vai trò quan trọng thuộc về các cơ quan quản lý cạnh tranh, thông qua Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) và Hội đồng Cạnh tranh, một tổ chức hoạt động độc lập. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định, việc thiết lập một hệ thống kiểm soát quá trình tập trung kinh tế đối với hoạt động này còn đang là vấn đề mới, rất cần có sự phối hợp của các cơ quan hữu quan như Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê trong việc hình thành cơ sở dữ liệu về các vụ việc tập trung kinh tế.