10:56 12/01/2007

Mua cổ phiếu theo nhà đầu tư nước ngoài: Rủi ro khó lường

Một tâm lý đầu tư rất phổ biến hiện tại trong giới “chơi” chứng khoán trong nước là căn cứ vào giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài để đánh giá thị trường

Cảnh mua bán trong những ngày gần đây tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM - Ảnh: SGTT.
Cảnh mua bán trong những ngày gần đây tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM - Ảnh: SGTT.
Một tâm lý đầu tư rất phổ biến hiện tại trong giới “chơi” chứng khoán trong nước là căn cứ vào giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài để đánh giá thị trường.

Tuy nhiên, việc nhắm mắt mua theo với suy nghĩ “họ còn mua giá cao tức là thị trường còn lên” sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường.

Hiệu ứng mở “room”

Chu kỳ thị trường bùng phát hiện nay có phần tác động lớn của kỳ vọng Chính phủ sẽ tăng tỉ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty niêm yết.

Hiện tại, giới hạn sở hữu này được ấn định là 49% đối với hầu hết doanh nghiệp, trừ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng bị giới hạn 30%. Sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, Chính phủ sẽ chỉ giới hạn sở hữu đối với một số ngành nghề nhạy cảm.

Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này vẫn chưa được ban hành khiến thị trường luôn trong tình trạng “háo hức” chờ đến giờ... G.

Thị trường chứng khoán cũng đã từng trải qua chu kỳ tăng trưởng tương tự khi giới hạn sở hữu được mở từ 30% lên 49%. Tuy nhiên, điều đáng nói là những người “mừng” nhất lại không phải là nhà đầu tư nước ngoài mà là nhà đầu tư trong nước. Một làn sóng mua vào ồ ạt cổ phiếu với hy vọng bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy giá tăng vọt.

Tuy nhiên, thực tế giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sau đó đã làm nhà đầu tư trong nước “chưng hửng” khi chọn giải pháp giao dịch thoả thuận lô lớn để kìm giá.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào việc mở room sẽ tạo nên sự đột biến. Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn - cho rằng, để thị trường ổn định thì không thể phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài mà phải lấy nội lực làm chính: “Một thị trường mà nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh thì giá lên, bán mạnh thì giá xuống rõ ràng là không ổn”.

Thực tế, hiện tại nhà đầu tư nước ngoài cũng mới đạt tỉ lệ sở hữu 49% đối với 5/108 chứng khoán và khoảng 5 mã khác có tỉ lệ từ 45% trở lên.

“Ngoại” giỏi hơn “nội”?

Xu hướng mua bán cổ phiếu “theo chân” nhà đầu tư nước ngoài lan rộng do tâm lý cho rằng đây là những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp có khả năng đánh giá đúng về thị trường và họ chấp nhận mức giá đó phải có căn cứ.

Việc khối này đổ vào hàng trăm tỉ đồng mỗi phiên, thường xuyên chiếm quá nửa giá trị giao dịch của toàn thị trường càng kích thích sự hưng phấn của nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng được chia làm hai dạng. Dạng đầu tư dài hạn với mục đích đồng hành cùng doanh nghiệp hay nắm giữ với thời hạn tính bằng năm thường chọn mua tại thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu hoặc mong muốn mua vào với giá càng rẻ càng tốt. Dạng thứ hai là đầu tư ngắn hạn: Không một nhà đầu tư nào lại “chê” tiền.

Danh mục đầu tư của nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn dành một tỉ lệ vốn nào đó cho các hoạt động ngắn hạn. Với kiểu đầu tư này, không phải mọi cổ phiếu họ mua vào đều có giá hợp lý hay là cổ phiếu tốt. Điều quan trọng là họ biết “rút” vào thời điểm hợp lý và có tính toán. Giá trị cả mua và bán cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua đều lớn chứng tỏ giao dịch ngắn hạn khá sôi động.

Một điểm đáng lưu ý là năng lực tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong điều kiện quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, giá hầu hết cổ phiếu tính ra USD cũng rất thấp, việc “vứt” vài phần trăm vốn trong số hàng trăm triệu USD vào thị trường để đầu cơ ngắn hạn cũng không phải là chuyện rủi ro. Với tỉ trọng rất lớn, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tác động mạnh đến thị trường.

Thậm chí những nhà đầu tư “hiếu chiến” có thể liên tục mua vào để đẩy giá lên rất cao sau đó bán ra mạnh để thu lợi, kéo giá cổ phiếu xuống. Sự hoảng hốt bán theo của bộ phận lớn nhà đầu tư trong nước sẽ càng làm trầm trọng thêm và nhà đầu tư nước ngoài có thể chờ mua lại chính cổ phiếu đã bán đi trước đó ở một mặt bằng giá thấp hơn nhiều. Đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất sẽ chính là nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và ít vốn.