09:14 29/04/2008

Mục tiêu xuất khẩu trên 12 tỷ USD vào châu Âu năm 2008

Hồng Thoan

Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường châu Âu năm 2008 sẽ đạt con số 20,54 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2007

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước châu Âu năm 2007 đã đạt 16, 74 tỷ USD, tăng 30,31% so với năm 2006.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước châu Âu năm 2007 đã đạt 16, 74 tỷ USD, tăng 30,31% so với năm 2006.
Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường châu Âu năm 2008 sẽ đạt con số 20,54 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2007.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 22%, đạt 12,15 tỷ USD; nhập khẩu tăng 25% đạt 8,39 tỷ USD. Để đưa ra kết quả dự kiến này, các chuyên gia Vụ Thị trường châu Âu đã dựa vào một số cơ sở sau:

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh sau khi gia nhập WTO, có cơ hội tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam được hưởng quy chế Tối huệ quốc, không bị phân biệt đối xử, hoàn toàn có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn của trên 150 nước, trong đó châu Âu là một thị trường khổng lồ.

Thứ hai, Chương trình hợp tác Á - Âu (ASEM) và việc bắt đầu khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-ASEAN, trong đó Việt Nam là điều phối viên, và việc đàm phán Hiệp định hợp tác và đối tác Việt Nam - Liên minh châu Âu(EU), cộng với việc triển khai mạnh mẽ đồng bộ chương trình hành động của Chính phủ và Đề án tổng thể quan hệ Việt Nam - EU giai đoạn 2006 - 2015 sẽ là các yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và công nghiệp.

Thứ ba, quan hệ giữa Việt Nam với các nước còn lại thuộc khu vực châu Âu đang chuyển biến tích cực, nhất là trong năm 2007, Việt Nam đã ký thoả thuận về việc ủng hộ Liên bang Nga và Ucraina gia nhập WTO, trong đó đã giải quyết cơ bản các vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại và công nghiệp song phương.

Thứ tư, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước châu Âu năm 2007 đã đạt 16, 74 tỷ USD, tăng 30,31% so với năm 2006. Trong đó, xuất khẩu đạt 9,96 tỷ USD, tăng 28,23% và nhập khẩu 6,77 tỷ USD, tăng 33,48%. Thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn là EU, chiếm 91,3% tổng giá trị xuất khẩu và 75,83% tổng trị giá nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và cả châu Âu.

Hy vọng vào thị trường Liên bang Nga

Trong phân bổ cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu 20,54 tỷ USD vào thị trường châu Âu năm 2008, dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu sang EU-27 là 11,18 tỷ USD (tăng 23%) và nhập khẩu từ EU-27 là 6,42 tỷ USD (tăng 25%); xuất khẩu sang Liên bang Nga và các nước SNG là 730 triệu USD (tăng 19%), nhập khẩu từ Nga và SNG 760 triệu USD (tăng 19%); còn xuất khẩu sang Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA, gồm Thuỵ Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) sẽ tăng 20,2%, nhập khẩu tăng 24,6%.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu vào EU là cà phê hạt xanh, giày dép, may mặc, thuỷ sản, đồ gỗ, linh kiện điện tử và vi tính, thủ công mỹ nghệ, xe đạp và phụ tùng, sản phẩm nhựa, hàng tạp phẩm.

Đối với Liên bang Nga, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn là gạo, chè, hạt tiêu, rau quả, hạt điều và mặt hàng hải sản vẫn chiếm vị trí chủ đạo. Nếu lấy lại đà tăng trưởng như xuất khẩu hàng hải sản trong năm 2006 thì năm 2008, kim ngạch XK của Việt Nam vào Liên bang Nga ước sẽ đạt mức 150 - 200 triệu USD.

Vụ Thị trường châu Âu cũng dự kiến nếu Hiệp hội Dệt may và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam quan tâm hơn nữa tới thị trường Liên bang Nga thì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này trong năm 2008 có thể đạt 70 - 75 triệu USD.

Các mặt hàng công nghiệp và thủ công nghiệp khác như thủ công mỹ nghệ, hàng mây tre, gốm sứ, hàng nhựa, đồ gỗ, giày dép, mỳ ăn liền... cũng có khả năng tăng xuất khẩu vào Liên bang Nga với kim ngạch cao.

Cần nỗ lực từ cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp

Nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam và các nước thuộc khu vực châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu kiến nghị: ở cấp độ Chính phủ cần vận động các nước thành viên EU sớm công nhận hoặc công nhận từng bước quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Theo đó, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu không bị phân biệt đối xử và hưởng quy chế công bằng vì có xuất xứ từ một nước thành viên chính thức của WTO, giảm nguy cơ bị kiện tụng, tranh chấp thương mại.

Đồng thời, để có được tiềm năng xuất khẩu tốt trên các lĩnh vực như nông sản, thuỷ sản, dệt may, các sản phẩm điện tử và cơ khí... việc hoạch định, phân vùng, quy hoạch tổng thể nhằm phối hợp tốt giữa các khâu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm cần được sự quan tâm và chỉ đạo có định hướng thống nhất của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Ở cấp độ doanh nghiệp, cần tích cực tham gia các hội chợ chuyên ngành bởi châu Âu là khu vực có nhiều hội chợ, bên cạnh các hội chợ bán lẻ là nơi doanh nghiệp bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, các hội chợ chuyên ngành cũng là điểm mạnh của khu vực châu Âu để tạo dựng đối tác lâu dài.

Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu quả của công tác khảo sát thị trường cũng cần được chú trọng. Doanh nghiệp nên tập trung vào những đoàn khảo sát chuyên ngành của một lĩnh vực riêng biệt mới có thể nâng cao hiệu quả khảo sát.