Mười năm nhìn lại
Là người đã gắn bó liên tục với thị trường suốt mười năm qua, tôi có mấy mong muốn cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Bài viết của TS. Hồ Công Hưởng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hoàng Gia, nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC).
Khoảng tháng 6/1999, khi đang là Trưởng phòng Kế hoạch phát triển, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày nay, tôi được chị Phùng Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và anh Trịnh Ngọc Hồ, Tổng giám đốc BIDV, gọi lên trao đổi về khả năng tham gia ngay từ đầu, về vai trò của BIDV trên thị trường chứng khoán Việt Nam, và kế hoạch điều động tôi về ban trù bị thành lập công ty chứng khoán.
Dù lượng kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà tôi thu thập được qua chặng đường nghiên cứu trước đó không phải là ít, nhưng quả thực, nhiệm vụ mà ban lãnh đạo BIDV giao cho tôi và ban trù bị hết sức nặng nề và khó khăn: (1) Xây dựng đề án hoạt động, quy trình hoạt động cho ngân hàng chỉ định thanh toán; (2) Xây dựng đề án hoạt động, quy trình nghiệp vụ cho tất cả các dịch vụ của Công ty Chứng khoán BSC; (3) Tư vấn đăng ký, định giá và niêm yết trái phiếu BIDV trên trị trường chứng khoán Việt Nam.
Những khó khăn thuở ban đầu
Khó khăn thứ nhất là phần lớn các tài liệu về chứng khoán viết bằng tiếng Anh, với đầy rẫy các thuật ngữ mới, lạ (long, short, position...) lẫn từ ngữ ẩn dụ (bull, bear, pig, chicken, whipsaw, haircut...). Qua mười năm cọ xát với thị trường, tiếng Việt trong lĩnh vực chứng khoán đã có một bước tiến rõ rệt, nhưng đến nay, vẫn còn rất nhiều thuật ngữ mà tiếng Việt chưa lột tả hết được!
Thứ hai là quy trình chỉ có thể xây dựng và khái quát từ các tình huống, các nghiệp vụ phát sinh trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, xây dựng quy trình trong điều kiện chưa biết hệ thống giao dịch và thanh toán của thị trường sẽ hoạt động ra sao, dựa trên mô hình nào... quả thực không đơn giản chút nào!
Khó khăn nữa là tình trạng thiếu kinh nghiệm thực tế, dù chỉ là một cơ hội thực tập tại một công ty chứng khoán. Nhu cầu tưởng như quá đơn giản ấy mười năm trước đây lại là bất khả thi vì không có môi trường thực tế.
May mắn thay, vào đầu năm 2000, lúc đang là Giám đốc Công ty Chứng khoán BSC tôi đã được nhận một trong ba suất nghiên cứu trong thời gian một tháng tại Công ty Chứng khoán Phoenix (Hồng Kông) cùng với anh Đặng Giao, nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long (đã mất) và anh Phạm Ngọc Long, nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Nhờ thâm nhập thực tế tại Phoenix, với tôi, những mảng kiến thức lý thuyết về chứng khoán và thị trường chứng khoán tưởng chừng rời rạc trước đây nay đã được chắp nối và liên kết với nhau một cách chặt chẽ, sinh động. Từ Hồng Kông trở về, tôi cùng các cộng sự trong ban trù bị bắt tay vào hoàn thiện các quy trình liên quan do ban lãnh đạo BIDV giao phó.
Tôi vẫn còn nhớ rõ phiên giao dịch đầu tiên diễn ra vào ngày 28/7/2000, thị trường cổ phiếu đã là tiêu điểm thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng đầu tư.
Mặc dù chỉ có một số lượng nhỏ cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM) và cổ phiếu của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), nhưng tại các sàn giao dịch của các công ty chứng khoán, lệnh đặt mua cổ phiếu REE và SAM vẫn liên tục được nhập vào hệ thống giao dịch.
Với tổng khối lượng đặt mua cho hai loại cổ phiếu này là 355.000 cổ phiếu trong khi số lượng chào bán chỉ giới hạn ở con số 4.200 cổ phiếu, phiên giao dịch đầu tiên đã diễn ra suôn sẻ nhưng kết thúc với tổng giá trị giao dịch quá khiêm tốn: 70,4 triệu đồng.
Một câu chuyện khác vẫn khiến tôi nhớ lại như một kỷ niệm những năm đầu thị trường chứng khoán. Đó là năm 2002, BSC lấy được hợp đồng tư vấn tài chính và tư vấn niêm yết cho Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu SAVIMEX (SAV).
Trong quá trình tư vấn, Hội đồng Quản trị SAV có nhã ý nhượng lại cho BSC 10 tỉ đồng cổ phiếu SAV với giá 22.000 đồng/cổ phiếu trong lúc giá SAV ở thị trường OTC đã là 23.500-24.000 đồng/cổ phiếu. Với cơ chế cổ phần hóa ở thời điểm đó, việc chuyển nhượng này hoàn toàn đúng luật. Ba tháng sau, giá SAV tăng khá nhanh, có thời điểm lên tới 27.500 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thị trường xoay chiều đột ngột, có lúc giá cổ phiếu chỉ còn 17.500 đồng/cổ phiếu. Sự việc chẳng có gì đáng nói nếu không có chuyện một vị lãnh đạo của BIDV đã yêu cầu ban lãnh đạo truy cứu trách nhiệm, làm rõ “động cơ đầu tư”, kể cả phải bồi thường đối với những cán bộ đã ra quyết định đầu tư vào SAV. Cũng may, sau hơn một năm chờ đợi với chiến lược mua và nắm giữ (buy and hold), thị trường đã hồi phục.
Lần này, để tránh “hậu họa”, khi cổ phiếu đã chớm vượt trên giá vốn, tôi đã chủ động xin ý kiến của vị lãnh đạo ấy, trong vài phiên tới, có nên bán ra hay là tiếp tục nắm giữ trong bối cảnh thị trường đang có đà tăng trưởng mạnh. Sau một lúc suy nghĩ, vị lãnh đạo chỉ đạo bán ra, không nên nắm giữ SAV nữa. Rút kinh nghiệm, chúng tôi bán ra không một chút chần chừ. Kết quả, thương vụ ấy không những không lỗ mà còn mang về cho BSC khoản lợi nhuận gần 4 tỉ đồng.
Cũng thật trớ trêu, sau khi chúng tôi đã bán, cổ phiếu SAV còn tăng giá một thời gian khá dài. Vì vậy, trong một hội nghị tổng kết của hệ thống BIDV, cũng vị lãnh đạo ấy lại phê bình BSC đã bán quá sớm nên lợi nhuận không cao! Vậy là trong thương vụ đầu tư vào SAV, chúng tôi lãnh đủ búa rìu: mua cũng bị kiểm điểm, bán cũng bị phê bình!
Kể ra câu chuyện này, tôi chỉ muốn nêu lên một băn khoăn trăn trở trong suốt 22 năm làm việc trong hệ thống ngân hàng: phải chăng chính cái ấu trĩ, xơ cứng trong quản trị điều hành đã dẫn tới thực trạng mặc dù có nhiều lợi thế về vốn, mạng lưới, quan hệ với các bộ, ngành, các tổng công ty... nhưng các công ty chứng khoán của các ngân hàng thương mại nhà nước đều có sức cạnh tranh kém, nếu không muốn nói là kém xa các công ty cổ phần? Đây là điều đáng để các nhà hoạch định chính sách suy ngẫm!
Những mối đe dọa và giải pháp đề xuất
Cho dù trải qua những thời kỳ thăng trầm, mười năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Từ chỗ sử dụng công nghệ giao dịch bán tự động với hình thức đại diện giao dịch tại sàn, hiện nay cả hai sở đều thực hiện giao dịch điện tử hóa hoàn toàn dưới hình thức kết nối và giao dịch trực tuyến.
Về quy mô, từ vài công ty niêm yết trong những ngày đầu tiên, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 576 công ty niêm yết, bốn chứng chỉ quỹ, 612 trái phiếu, 105 công ty chứng khoán, 46 công ty quản lý quỹ, tám ngân hàng lưu ký, gần 900.000 tài khoản đầu tư; trong đó có trên 14.000 nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích có được trong mười năm qua, khi thị trường đã có bước phát triển mới, nhiều vấn đề cũng đã và đang phát sinh có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tính minh bạch và sự ổn định của thị trường.
Đó là việc nhiều công ty tranh thủ niêm yết trong bối cảnh chất lượng kiểm soát báo cáo tài chính của các công ty kiểm toán không được bảo đảm; nguồn cung chứng khoán tăng quá nhanh so với số lượng các nhà đầu tư; tình trạng làm giá, thao túng giá với các công nghệ “bơm, hút, thả, xả, đẩy”; tình trạng tùy tiện trong công bố thông tin, công bố thông tin chậm, thiếu chính xác, không trung thực... đang làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin của nhà đầu tư.
Là người đã gắn bó liên tục với thị trường suốt mười năm qua, tôi có mấy mong muốn cho thị trường chứng khoán Việt Nam:
Một, thị trường cần một cơ quan quản lý độc lập, trực thuộc Chính phủ, có đầy đủ các thẩm quyền, điều kiện và khả năng ban hành các văn bản pháp quy nhằm xử lý nhanh, nhạy các vấn đề phức tạp nảy sinh thay vì mô hình một ủy ban (cấp nhà nước) lại trực thuộc bộ (Bộ Tài chính), phải qua quá nhiều tầng, nấc như hiện nay. Đương nhiên, nâng quyền hạn của ủy ban chứng khoán phải gắn liền với trách nhiệm trong việc quản lý ngành, quản lý thị trường.
Hai, đã đến lúc phải tổ chức lại các sở giao dịch chứng khoán theo mô hình của các tổ chức tự quản (self-regulation) với thành viên là các công ty chứng khoán, theo thông lệ của nhiều nước. Trong mô hình này, các tổ chức tự quản không chỉ được phép xác định các quy tắc, các quy định điều chỉnh các hành vi giao dịch trên thị trường chứng khoán, xác định tư cách, tiêu chuẩn thành viên của sở giao dịch mà còn xác định hàng loạt các biện pháp kỹ thuật giám sát thị trường, các chế tài bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra nhằm bảo đảm một thị trường công bằng và trật tự.
Ba, thị trường chứng khoán Việt Nam cần một hệ thống công nghệ giao dịch hiện đại, đủ sức theo dõi, phát hiện và xử lý các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường theo kiểu “một tay che cả bầu trời”, gây phẫn nộ và bức xúc dư luận trong thời gian gần đây.
Bốn, thị trường cũng cần một bộ luật chứng khoán mới, các chế tài mới đầy đủ hơn, xử lý nghiêm minh hơn, có tác động răn đe hơn các hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, giao dịch nội gián, thao túng, lũng đoạn thị trường.
Năm, cần hiện đại hóa các phương tiện công bố thông tin và đa dạng hóa phương pháp công bố thông tin trên các sở giao dịch chứng khoán. Song song với việc hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin qua mạng, cần khẩn trương xây dựng mạng lưới truyền thông (broadcasting network), mạng tin nhắn RSS để phục vụ cho việc cung cấp thông tin trực tiếp từ tổ chức niêm yết đến các công ty chứng khoán thành viên và hệ thống mạng điện thoại trả lời tự động các thông tin do nhà đầu tư yêu cầu.
Sáu, để kiểm soát rủi ro, cần nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên cả hai sở giao dịch chứng khoán; theo đó, đối với Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE), một công ty muốn niêm yết trên sàn này phải có quá trình hoạt động năm năm, số vốn thực góp phải đạt 200 tỉ đồng, chỉ số ROE bình quân ba năm gần nhất tối thiểu 15%, có tối thiểu 1.000 cổ đông.
Tương tự, tiêu chuẩn niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) lần lượt là ba năm, 100 tỉ, 10%, 500. Các cổ phiếu đã niêm yết tại HOSE nhưng không đạt tiêu chuẩn niêm yết mới sẽ chuyển sang niêm yết tại HNX, các cổ phiếu không đạt tiêu chuẩn tại HNX sẽ chuyển sang niêm yết tại thị trường UPCoM.
Bảy, những thông tin để xác định các điều kiện cung cầu tiềm tàng của thị trường phải đầy đủ và sẵn có. Tất cả các thành viên tham gia giao dịch đều có cơ hội tiếp cận thị trường như nhau; nghĩa là cùng một thời điểm, không cho phép bất cứ một cá nhân nào có đặc quyền thực hiện lệnh mua hoặc lệnh bán nhanh hơn các nhà đầu tư khác do nắm tin nhanh hơn.
Vì vậy, việc không cung cấp thông tin về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (trong phiên giao dịch) tại HOSE hoặc việc thu phí cung cấp thông tin cho gói tin đầy đủ đối với các công ty chứng khoán thành viên (đã đóng phí thành viên, phí giao dịch) là những bất hợp lý cần phải chấm dứt!
TS. Hồ Công Hưởng (TBKTSG)
Khoảng tháng 6/1999, khi đang là Trưởng phòng Kế hoạch phát triển, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày nay, tôi được chị Phùng Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và anh Trịnh Ngọc Hồ, Tổng giám đốc BIDV, gọi lên trao đổi về khả năng tham gia ngay từ đầu, về vai trò của BIDV trên thị trường chứng khoán Việt Nam, và kế hoạch điều động tôi về ban trù bị thành lập công ty chứng khoán.
Dù lượng kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà tôi thu thập được qua chặng đường nghiên cứu trước đó không phải là ít, nhưng quả thực, nhiệm vụ mà ban lãnh đạo BIDV giao cho tôi và ban trù bị hết sức nặng nề và khó khăn: (1) Xây dựng đề án hoạt động, quy trình hoạt động cho ngân hàng chỉ định thanh toán; (2) Xây dựng đề án hoạt động, quy trình nghiệp vụ cho tất cả các dịch vụ của Công ty Chứng khoán BSC; (3) Tư vấn đăng ký, định giá và niêm yết trái phiếu BIDV trên trị trường chứng khoán Việt Nam.
Những khó khăn thuở ban đầu
Khó khăn thứ nhất là phần lớn các tài liệu về chứng khoán viết bằng tiếng Anh, với đầy rẫy các thuật ngữ mới, lạ (long, short, position...) lẫn từ ngữ ẩn dụ (bull, bear, pig, chicken, whipsaw, haircut...). Qua mười năm cọ xát với thị trường, tiếng Việt trong lĩnh vực chứng khoán đã có một bước tiến rõ rệt, nhưng đến nay, vẫn còn rất nhiều thuật ngữ mà tiếng Việt chưa lột tả hết được!
Thứ hai là quy trình chỉ có thể xây dựng và khái quát từ các tình huống, các nghiệp vụ phát sinh trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, xây dựng quy trình trong điều kiện chưa biết hệ thống giao dịch và thanh toán của thị trường sẽ hoạt động ra sao, dựa trên mô hình nào... quả thực không đơn giản chút nào!
Khó khăn nữa là tình trạng thiếu kinh nghiệm thực tế, dù chỉ là một cơ hội thực tập tại một công ty chứng khoán. Nhu cầu tưởng như quá đơn giản ấy mười năm trước đây lại là bất khả thi vì không có môi trường thực tế.
May mắn thay, vào đầu năm 2000, lúc đang là Giám đốc Công ty Chứng khoán BSC tôi đã được nhận một trong ba suất nghiên cứu trong thời gian một tháng tại Công ty Chứng khoán Phoenix (Hồng Kông) cùng với anh Đặng Giao, nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long (đã mất) và anh Phạm Ngọc Long, nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam.
Nhờ thâm nhập thực tế tại Phoenix, với tôi, những mảng kiến thức lý thuyết về chứng khoán và thị trường chứng khoán tưởng chừng rời rạc trước đây nay đã được chắp nối và liên kết với nhau một cách chặt chẽ, sinh động. Từ Hồng Kông trở về, tôi cùng các cộng sự trong ban trù bị bắt tay vào hoàn thiện các quy trình liên quan do ban lãnh đạo BIDV giao phó.
Tôi vẫn còn nhớ rõ phiên giao dịch đầu tiên diễn ra vào ngày 28/7/2000, thị trường cổ phiếu đã là tiêu điểm thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng đầu tư.
Mặc dù chỉ có một số lượng nhỏ cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM) và cổ phiếu của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), nhưng tại các sàn giao dịch của các công ty chứng khoán, lệnh đặt mua cổ phiếu REE và SAM vẫn liên tục được nhập vào hệ thống giao dịch.
Với tổng khối lượng đặt mua cho hai loại cổ phiếu này là 355.000 cổ phiếu trong khi số lượng chào bán chỉ giới hạn ở con số 4.200 cổ phiếu, phiên giao dịch đầu tiên đã diễn ra suôn sẻ nhưng kết thúc với tổng giá trị giao dịch quá khiêm tốn: 70,4 triệu đồng.
Một câu chuyện khác vẫn khiến tôi nhớ lại như một kỷ niệm những năm đầu thị trường chứng khoán. Đó là năm 2002, BSC lấy được hợp đồng tư vấn tài chính và tư vấn niêm yết cho Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và Xuất nhập khẩu SAVIMEX (SAV).
Trong quá trình tư vấn, Hội đồng Quản trị SAV có nhã ý nhượng lại cho BSC 10 tỉ đồng cổ phiếu SAV với giá 22.000 đồng/cổ phiếu trong lúc giá SAV ở thị trường OTC đã là 23.500-24.000 đồng/cổ phiếu. Với cơ chế cổ phần hóa ở thời điểm đó, việc chuyển nhượng này hoàn toàn đúng luật. Ba tháng sau, giá SAV tăng khá nhanh, có thời điểm lên tới 27.500 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thị trường xoay chiều đột ngột, có lúc giá cổ phiếu chỉ còn 17.500 đồng/cổ phiếu. Sự việc chẳng có gì đáng nói nếu không có chuyện một vị lãnh đạo của BIDV đã yêu cầu ban lãnh đạo truy cứu trách nhiệm, làm rõ “động cơ đầu tư”, kể cả phải bồi thường đối với những cán bộ đã ra quyết định đầu tư vào SAV. Cũng may, sau hơn một năm chờ đợi với chiến lược mua và nắm giữ (buy and hold), thị trường đã hồi phục.
Lần này, để tránh “hậu họa”, khi cổ phiếu đã chớm vượt trên giá vốn, tôi đã chủ động xin ý kiến của vị lãnh đạo ấy, trong vài phiên tới, có nên bán ra hay là tiếp tục nắm giữ trong bối cảnh thị trường đang có đà tăng trưởng mạnh. Sau một lúc suy nghĩ, vị lãnh đạo chỉ đạo bán ra, không nên nắm giữ SAV nữa. Rút kinh nghiệm, chúng tôi bán ra không một chút chần chừ. Kết quả, thương vụ ấy không những không lỗ mà còn mang về cho BSC khoản lợi nhuận gần 4 tỉ đồng.
Cũng thật trớ trêu, sau khi chúng tôi đã bán, cổ phiếu SAV còn tăng giá một thời gian khá dài. Vì vậy, trong một hội nghị tổng kết của hệ thống BIDV, cũng vị lãnh đạo ấy lại phê bình BSC đã bán quá sớm nên lợi nhuận không cao! Vậy là trong thương vụ đầu tư vào SAV, chúng tôi lãnh đủ búa rìu: mua cũng bị kiểm điểm, bán cũng bị phê bình!
Kể ra câu chuyện này, tôi chỉ muốn nêu lên một băn khoăn trăn trở trong suốt 22 năm làm việc trong hệ thống ngân hàng: phải chăng chính cái ấu trĩ, xơ cứng trong quản trị điều hành đã dẫn tới thực trạng mặc dù có nhiều lợi thế về vốn, mạng lưới, quan hệ với các bộ, ngành, các tổng công ty... nhưng các công ty chứng khoán của các ngân hàng thương mại nhà nước đều có sức cạnh tranh kém, nếu không muốn nói là kém xa các công ty cổ phần? Đây là điều đáng để các nhà hoạch định chính sách suy ngẫm!
Những mối đe dọa và giải pháp đề xuất
Cho dù trải qua những thời kỳ thăng trầm, mười năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Từ chỗ sử dụng công nghệ giao dịch bán tự động với hình thức đại diện giao dịch tại sàn, hiện nay cả hai sở đều thực hiện giao dịch điện tử hóa hoàn toàn dưới hình thức kết nối và giao dịch trực tuyến.
Về quy mô, từ vài công ty niêm yết trong những ngày đầu tiên, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 576 công ty niêm yết, bốn chứng chỉ quỹ, 612 trái phiếu, 105 công ty chứng khoán, 46 công ty quản lý quỹ, tám ngân hàng lưu ký, gần 900.000 tài khoản đầu tư; trong đó có trên 14.000 nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích có được trong mười năm qua, khi thị trường đã có bước phát triển mới, nhiều vấn đề cũng đã và đang phát sinh có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tính minh bạch và sự ổn định của thị trường.
Đó là việc nhiều công ty tranh thủ niêm yết trong bối cảnh chất lượng kiểm soát báo cáo tài chính của các công ty kiểm toán không được bảo đảm; nguồn cung chứng khoán tăng quá nhanh so với số lượng các nhà đầu tư; tình trạng làm giá, thao túng giá với các công nghệ “bơm, hút, thả, xả, đẩy”; tình trạng tùy tiện trong công bố thông tin, công bố thông tin chậm, thiếu chính xác, không trung thực... đang làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin của nhà đầu tư.
Là người đã gắn bó liên tục với thị trường suốt mười năm qua, tôi có mấy mong muốn cho thị trường chứng khoán Việt Nam:
Một, thị trường cần một cơ quan quản lý độc lập, trực thuộc Chính phủ, có đầy đủ các thẩm quyền, điều kiện và khả năng ban hành các văn bản pháp quy nhằm xử lý nhanh, nhạy các vấn đề phức tạp nảy sinh thay vì mô hình một ủy ban (cấp nhà nước) lại trực thuộc bộ (Bộ Tài chính), phải qua quá nhiều tầng, nấc như hiện nay. Đương nhiên, nâng quyền hạn của ủy ban chứng khoán phải gắn liền với trách nhiệm trong việc quản lý ngành, quản lý thị trường.
Hai, đã đến lúc phải tổ chức lại các sở giao dịch chứng khoán theo mô hình của các tổ chức tự quản (self-regulation) với thành viên là các công ty chứng khoán, theo thông lệ của nhiều nước. Trong mô hình này, các tổ chức tự quản không chỉ được phép xác định các quy tắc, các quy định điều chỉnh các hành vi giao dịch trên thị trường chứng khoán, xác định tư cách, tiêu chuẩn thành viên của sở giao dịch mà còn xác định hàng loạt các biện pháp kỹ thuật giám sát thị trường, các chế tài bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra nhằm bảo đảm một thị trường công bằng và trật tự.
Ba, thị trường chứng khoán Việt Nam cần một hệ thống công nghệ giao dịch hiện đại, đủ sức theo dõi, phát hiện và xử lý các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường theo kiểu “một tay che cả bầu trời”, gây phẫn nộ và bức xúc dư luận trong thời gian gần đây.
Bốn, thị trường cũng cần một bộ luật chứng khoán mới, các chế tài mới đầy đủ hơn, xử lý nghiêm minh hơn, có tác động răn đe hơn các hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, giao dịch nội gián, thao túng, lũng đoạn thị trường.
Năm, cần hiện đại hóa các phương tiện công bố thông tin và đa dạng hóa phương pháp công bố thông tin trên các sở giao dịch chứng khoán. Song song với việc hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin qua mạng, cần khẩn trương xây dựng mạng lưới truyền thông (broadcasting network), mạng tin nhắn RSS để phục vụ cho việc cung cấp thông tin trực tiếp từ tổ chức niêm yết đến các công ty chứng khoán thành viên và hệ thống mạng điện thoại trả lời tự động các thông tin do nhà đầu tư yêu cầu.
Sáu, để kiểm soát rủi ro, cần nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên cả hai sở giao dịch chứng khoán; theo đó, đối với Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE), một công ty muốn niêm yết trên sàn này phải có quá trình hoạt động năm năm, số vốn thực góp phải đạt 200 tỉ đồng, chỉ số ROE bình quân ba năm gần nhất tối thiểu 15%, có tối thiểu 1.000 cổ đông.
Tương tự, tiêu chuẩn niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) lần lượt là ba năm, 100 tỉ, 10%, 500. Các cổ phiếu đã niêm yết tại HOSE nhưng không đạt tiêu chuẩn niêm yết mới sẽ chuyển sang niêm yết tại HNX, các cổ phiếu không đạt tiêu chuẩn tại HNX sẽ chuyển sang niêm yết tại thị trường UPCoM.
Bảy, những thông tin để xác định các điều kiện cung cầu tiềm tàng của thị trường phải đầy đủ và sẵn có. Tất cả các thành viên tham gia giao dịch đều có cơ hội tiếp cận thị trường như nhau; nghĩa là cùng một thời điểm, không cho phép bất cứ một cá nhân nào có đặc quyền thực hiện lệnh mua hoặc lệnh bán nhanh hơn các nhà đầu tư khác do nắm tin nhanh hơn.
Vì vậy, việc không cung cấp thông tin về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (trong phiên giao dịch) tại HOSE hoặc việc thu phí cung cấp thông tin cho gói tin đầy đủ đối với các công ty chứng khoán thành viên (đã đóng phí thành viên, phí giao dịch) là những bất hợp lý cần phải chấm dứt!
TS. Hồ Công Hưởng (TBKTSG)