09:43 22/11/2007

“Muôn thủa chuyện giải phóng mặt bằng”

Thùy Trang

"Giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thủa và muốn làm được điều này thì phải phụ thuộc vào công tác quản lý Nhà nước"

"Hạn chế trong giải phóng mặt bằng trước hết là về quy hoạch của chúng ta chưa tốt".
"Hạn chế trong giải phóng mặt bằng trước hết là về quy hoạch của chúng ta chưa tốt".
Hỏi chuyện ông Hoàng Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Theo ông, cái khó nhất của việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các thành phố lớn ở nước ta hiện nay là gì?

Chỉ đơn cử một vấn đề, mặc dù ở các thành phố lớn của chúng ta muốn kêu gọi đầu tư vào các hạng mục công trình tài chính, ngân hàng, văn phòng cho thuê... nhưng trên thực tế quỹ đất trong thành phố ít, thêm vào đó, có một số “miếng” đất lại nằm trong tay một vài doanh nghiệp, một số tổ chức và thậm chí là các cá nhân trong nước. Sử dụng đất đó phục vụ mục tiêu đầu tư là cả một vấn đề, không dễ dàng gì để thuyết phục họ.

Thêm vào đó, vấn đề giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thủa và muốn làm được điều này thì phải phụ thuộc vào công tác quản lý Nhà nước. Muốn giải phóng mặt bằng, ngoài việc chúng ta có khung giá đất chung, chưa đề cập đến chuyện giá đất đó có chính xác không, nhưng việc giải phóng mặt bằng với khung giá đất đó cũng chưa thực hiện được. Không làm được điều đó là thể hiện công tác quản lý Nhà nước ở khâu này chưa tốt.

Hạn chế trong giải phóng mặt bằng trước hết là về quy hoạch của chúng ta chưa tốt. Thứ hai, trong quá trình thực hiện cũng rất khó do thiếu vốn. Thứ ba, khi đã vẽ quy hoạch được thì công nghệ cũng chưa tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Có một thực tế là các công trình cơ sở hạ tầng thời gian qua chưa sử dụng đúng mục đích, dẫn đến nhiều khiếu kiện, đình công... ông nhận định vấn đề này thế nào?

Đại bộ phận các công trình khi có quy hoạch, đưa vào xây dựng là tốt, là đúng. Mà thực tế nếu không tốt, thì kinh tế đất nước cũng không thể có được như ngày hôm nay. Đương nhiên, trong hàng ngàn các công trình được thực hiện thì không phải công trình nào cũng làm tốt cả, có những công trình không tốt.

Hoặc có những công trình làm tốt rồi thì khi thực hiện nó lại không tốt. Những công trình đó chỉ là cá biệt, không mang tính chất đại trà. Chính vì vậy, cái gì cá biệt thì nên sửa chữa cho tốt. Để giải quyết được vấn đề này, trước tiên là phải công khai với dân.

Còn thực ra, người dân cũng nhận thức được, lấy đất phục vụ lợi ích chung thì người dân cũng đồng tình. Cái mà người dân đấu tranh với những công trình làm không tốt là ở chỗ chưa làm được tính minh bạch công khai. Nếu nơi nào làm minh bạch, công khai, đúng mục đích thì dân rất ủng hộ.

Có ý kiến cho rằng hiện nay các địa phương ở miền Bắc vẫn chưa có cơ chế hợp lý, thông thoáng trong thu hút đầu tư đối với các dự án cơ sở hạ tầng?

Thực tế, trong thu hút đầu tư, một số địa phương đầu tư vào nhiều như Bình Dương, Đồng Nai, nên thu ngân sách của các địa phương này cũng lớn. Chính vì vậy, họ bỏ ra được nguồn lực, cả về tiền, nhân lực, cách thức để đi vận động cho thu hút đầu tư vào địa phương. Còn các địa phương miền Bắc, chính do lượng đầu tư ít dẫn đến không có kinh phí, không có nhân lực...để phục vụ xúc tiến kêu gọi đầu tư. Đó chính là vòng luẩn quẩn khó giải quyết.

Dường như đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ miền Nam ra miền Bắc của các nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Chúng ta thì không có phân biệt thu hút đầu tư nước ngoài vào miền Bắc, miền Nam... hay một khu vực nào, mà chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài là vào cả nước. Nhưng trước nay, tại sao các nhà đầu tư tập trung nhiều hơn ở miền Nam, đó là do miền Nam có mối quen biết, làm ăn với các doanh nghiệp từ trước nay.

Vài năm gần đây, miền Bắc nổi lên là một khu vực có cơ hội làm ăn tốt hơn, nên làn sóng đầu tư đã có sự chuyển dịch ra khu vực phía Bắc. Ví dụ, từ năm 1988 đến 2006, khu vực miền Bắc (31 tỉnh), chiếm 27% tổng vốn đầu tư của cả nước. Riêng 10 tháng đầu năm của 2007 đã đạt 34%, điều này đã cho thấy có một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong việc đầu tư nước ngoài vào miền Bắc.

Vậy lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên đầu tư ở khu vực phía Bắc, phải chăng là cơ sở hạ tầng?

Hạ tầng cơ sở chính là lĩnh vực mà chúng ta cần kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, còn có lĩnh vực công nghiệp, trong đó có phục vụ hàng xuất khẩu cũng như là phục vụ sản xuất hàng hoá trong nước. Một lĩnh vực nữa chúng ta cũng đang rất muốn thu hút đầu tư là nông nghiệp.

Tại sao như vậy? Vì thực chất ưu tiên cũng như kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp là việc rất khó khăn và rủi ro lớn. Do đó, chúng tôi chủ trương làm từng phần, có chọn lọc. Theo đó, trước tiên tập trung vào chế biến hàng nông sản, ngành có khả năng phát triển lớn hơn. Một lĩnh vực nữa chúng ta cũng đang muốn tập trung kêu gọi thu hút đầu tư là công nghệ cao, trong đó có công nghiệp điện tử, vật liệu mới.