16:00 11/08/2023

Mỹ ban hành lệnh cấm đầu tư vào một số doanh nghiệp công nghệ “nhạy cảm” của Trung Quốc

Thanh Minh

Trung Quốc "quan ngại sâu sắc" và “rất thất vọng” về quyết định của Hoa Kỳ và sẽ bảo vệ lợi ích của chính mình...

Tổng thống Joe Biden tại Albuquerque, New Mexico, Hoa Kỳ, vào ngày 9 tháng 8. Ảnh: Ramsay de Give/Bloomberg
Tổng thống Joe Biden tại Albuquerque, New Mexico, Hoa Kỳ, vào ngày 9 tháng 8. Ảnh: Ramsay de Give/Bloomberg

Mỹ vừa có thêm động thái mới trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, áp đặt giới hạn đối với các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc. Đây được xem là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển các công nghệ giám sát và quân sự thế hệ tiếp theo.

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm hoặc hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc trong ba lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo. Quy định mới được ký kết sau gần hai năm cân nhắc và đến năm sau mới có hiệu lực. 

Lệnh này nhằm ngăn chặn nguồn vốn và năng lực chuyên môn của Mỹ giúp Trung Quốc phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ hiện đại hóa quân đội và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Biện pháp này nhắm đến các tổ chức vốn cổ phần tư nhân, vốn đầu tư mạo hiểm, liên doanh và đầu tư Greenfield (Greenfield Investment – viết tắt là GI - đầu tư mới/đầu tư xanh).

Các công ty đầu tư mạo hiểm và ngành công nghệ đã vận động chính quyền Mỹ thu hẹp phạm vi của lệnh, sau khi các nhà đầu tư lo ngại Nhà Trắng sẽ áp đặt các giới hạn sâu rộng đối với đầu tư của Hoa Kỳ. Các quốc gia đồng minh cũng phản đối, Liên minh châu Âu và các nước khác nói rằng những hạn chế nghiêm trọng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế của họ.

Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo báo chí rằng Hoa Kỳ đã hạn chế xuất khẩu một số công nghệ nhạy cảm sang Trung Quốc và lệnh này “sẽ ngăn các khoản đầu tư của Hoa Kỳ giúp đẩy nhanh quá trình bản địa hóa các công nghệ này” ở những quốc gia mà họ gọi là đáng lo ngại. Những “quốc gia đáng lo ngại” đó được xác định là Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.

Theo hãng tin Bloomberg, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu cho biết trong một tuyên bố, Trung Quốc “rất thất vọng” về quyết định của Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các hạn chế và sẽ bảo vệ lợi ích của chính mình. Trung Quốc cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về lệnh này và “có quyền thực hiện các biện pháp”. Lệnh này ảnh hưởng đến hoạt động bình thường và quá trình ra quyết định của các doanh nghiệp, đồng thời làm suy yếu trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.

Các nhà đầu tư lớn của Mỹ đã dự đoán về lệnh cấm này từ trước và các công ty đầu tư mạo hiểm đã thu hẹp quy mô rót vốn của họ vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc trong hơn một năm.

Đề xuất này nhắm vào các khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc đang phát triển phần mềm để thiết kế chip máy tính và các công cụ để sản xuất chip. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan thống trị các lĩnh vực đó và chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các giải pháp thay thế trong nước.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết các quy định sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai chứ không phải các khoản hiện có. 

Động thái này có thể gây căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lệnh sẽ cấm một số giao dịch và yêu cầu các nhà đầu tư thông báo cho chính phủ về kế hoạch của họ đối với những giao dịch khác.

Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc, từng là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ, đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn tiền đầu tư của Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc, từng là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ
Ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc, từng là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ

Năm ngoái, tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 9,7 tỷ USD từ 32,9 tỷ USD vào năm 2021, theo dữ liệu của PitchBook. Từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm Hoa Kỳ chỉ tài trợ 1,2 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc.

Một câu hỏi quan trọng bây giờ là liệu các quốc gia khác có làm theo động thái của Washington hay không. Chính quyền Mỹ đã thông báo cho các đồng minh và đối tác về lệnh này trong năm qua, lập luận rằng lệnh này phải được thực hiện với sự phối hợp để tránh các doanh nghiệp Trung Quốc có thể lấp đầy các khoản đầu tư bị cắt giảm của Hoa Kỳ. Cho đến nay, vẫn chưa có quốc gia nào lên tiếng sẽ phối hợp với Mỹ.