08:55 08/05/2008

"Mỹ sắp là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam"

Thùy Trang

Ông Matthew P.Daley, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, trò chuyện với báo giới về triển vọng quan hệ kinh tế Việt - Mỹ

"Tôi tin chắc rằng trong vòng 2-3 năm nữa sẽ có nhà đầu tư Mỹ tự hào nói với các bạn rằng Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam".
"Tôi tin chắc rằng trong vòng 2-3 năm nữa sẽ có nhà đầu tư Mỹ tự hào nói với các bạn rằng Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam".
Trong buổi họp báo tổ chức tại Hà Nội ngày 7/5 trước khi đoàn 23 doanh nghiệp hàng đầu Mỹ kết thúc chuyến thăm 3 ngày tại Việt Nam, ông Matthew P.Daley, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nói: “Khoảng một nửa trong số 23 tập đoàn của chúng tôi đến Việt Nam trong chuyến thăm lần này đã sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam".

Ông lạc quan dự báo: "Hoa Kỳ hiện đang đứng ở vị trí khiêm tốn là nhà đầu tư thứ 6 tại Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng khi Hiệp định đầu tư song phương giữa hai nước có hiệu lực thì chắc chắn con số đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tăng vọt. Mục tiêu trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được”.

Theo ông, tình hình suy thoái kinh tế ở Mỹ hiện nay có ảnh hưởng gì đến các quyết định đầu tư và kinh doanh của các tập đoàn Mỹ ở Việt Nam?

Hiện nay có các quan điểm rất khác nhau về việc liệu những gì chúng ta đang chứng kiến có phải cuộc suy thoái kinh tế Mỹ hay không. Theo định nghĩa kinh điển thì cần phải có trong 6 tháng liên tục GDP là số âm thì mới được gọi là suy thoái. Tổng thống Mỹ Bush và một số nhà kinh tế có thể căn cứ vào định nghĩa kinh điển này mà nói rằng nước Mỹ chưa phải trong tình trạng suy thoái kinh tế.

Nhưng cũng có những ý kiến khác như tỷ phú Warren Buffett, người đã rất thành công với các quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán của mình, nói rằng nước Mỹ đang nằm trong suy thoái kinh tế. Song, cả hai phe đều nhất trí với nhau là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lưu ý rằng luồng hàng nhập khẩu vào Mỹ chẳng giảm chút nào.

Là trưởng đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam lần này, ông có nghe các doanh nghiệp Mỹ nói những cảm nhận của họ về tình hình kinh tế Việt Nam?

Kinh tế Việt Nam đã trải qua một số khó khăn nhất định trong thời gian vừa qua nhưng chúng tôi vẫn thấy có nhiều cơ sở để tin rằng kinh tế Việt Nam có đà cho tăng trưởng tốt. Chúng tôi nhận thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng với việc ưu tiên chống lạm phát và có thể hi sinh tốc độ tăng trưởng.

Các tập đoàn của chúng tôi có tầm nhìn dài hạn về chiến lược ở Việt Nam. Chúng tôi không phải là những tập đoàn vào Việt Nam để “lướt sóng”, kiếm lợi nhuận nhanh rồi bỏ đi. Chúng tôi không tư duy theo kiểu hàng ngày, hàng tuần, hay hàng tháng mà là hàng chục năm, thậm chí là cả nhiều thế hệ.
Tôi chắc chắn rằng các công ty của chúng tôi nhận thức rất rõ vấn đề lạm phát không thể giải quyết một cách nhanh chóng. Song với tầm nhìn dài hạn, chúng tôi hầu như không gặp một chút khó khăn nào trong việc thuyết phục các công ty của Mỹ đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở Việt Nam.

Điều này cho thấy Việt Nam đang trở thành địa điểm đầu tư quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi chắc chắn rằng trong vòng 2-3 năm nữa sẽ có nhà đầu tư Mỹ tự hào nói với các bạn rằng Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về tiến độ hướng tới nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam?

Câu trả lời là tốc độ đang diễn ra rất ổn định và nhanh chóng. Việt Nam đã ở vào thời điểm không thể quay trở lại được mà chỉ có một con đường duy nhất là tiến về phía trước, mở cửa nền kinh tế cho thương mại và đầu tư.

Ông nhận thấy đang có những vấn đề gì đặt ra đối với việc thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam?

Với quan điểm của cá nhân, tôi nhận thấy đã có những tiến bộ đáng kể sau một năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Còn trong hoạt động của Hội đồng, chúng tôi chưa nghe thấy phản ánh của các tập đoàn thành viên về một vấn đề khó khăn nghiêm trọng nào liên quan đến việc thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam. Đương nhiên, điều này không có nghĩa là mọi thứ đều hoàn thiện. Trong quá trình thực hiện sẽ có một đôi chỗ trục trặc nhưng nhìn chung, tôi thấy việc thực hiện các cam kết của Việt Nam đang đi đúng lộ trình của nó.

Vậy kết quả cụ thể nhất đoàn đạt được trong chuyến thăm này là gì?

Những hoạt động của đoàn doanh nghiệp Mỹ lần này đến Việt Nam không phải với những bản hợp đồng được soạn sẵn ở trong vali chỉ chờ đưa ra ký. Mục đích chuyến đi này của chúng tôi là tìm hiểu những ưu tiên cũng như tiếp cận đường hướng chiến lược của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi muốn thông qua đó giúp Chính phủ Việt Nam nắm bắt rõ hơn mối quan tâm và nguyện vọng của nhà đầu tư không chỉ riêng của Mỹ mà của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Tuy nhiên, tôi cũng được biết một tập đoàn của chúng tôi đang tính đến khả năng mở nhà máy sản xuất kính nổi công nghệ cao ở Việt Nam để cung cấp cho ngành xây dựng của Việt Nam đang phát triển và cũng có thể cung cấp cho cả công nghiệp sản xuất kính ôtô. Hay một mảng khác là lĩnh vực năng lượng điện hạt nhân của Việt Nam. Các công ty của chúng tôi đang sẵn sàng với các dự án đầu tư vào nhà máy điện. Chúng tôi đang đàm phán, chỉ cần Chính phủ “gật đầu” là thông qua luôn.