Mỹ thay đổi phương pháp tính biên độ phá giá
Kể từ ngày 16/1/2007, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ không thực hiện phương thức tính toán biên độ phá giá “Quy về không” (Zeroing)
Kể từ ngày 16/1/2007, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ không thực hiện phương thức tính toán biên độ phá giá “Quy về không” (Zeroing).
Theo nguồn tin từ Cục Cạnh tranh (Bộ Thương mại), tại bản Thông báo số WT/DS294 ngày 31/10/2005 liên quan đến các quy định và phương thức tính toán biên độ phá giá “Quy về không” (Zeroing) trong điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ, Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng, việc DOC không thực hiện bù trừ khi sử dụng phương pháp so sánh trung bình trong điều tra chống bán phá giá là không phù hợp với Điều 2.4.2 của Hiệp định chống bán phá giá của WTO.
Do đó, ngày 20/12/2006, DOC đã có thông báo sẽ không quy kết quả về không (zero) đối với những kết quả cho thấy không có bán phá giá (kết quả âm) khi sử dụng phương pháp so sánh trung bình để tính biên độ phá giá trong quá trình điều tra.
Việc thay đổi này sẽ được áp dụng đối với tất cả các vụ điều tra đang và bắt đầu được tiến hành vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, nội dung thay đổi này sẽ không được áp dụng cho các vụ việc đang trong giai đoạn rà soát hàng năm theo thủ tục hành chính và rà soát “cuối kỳ” 5 năm.
Cho đến nay, Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng xuất khẩu cá tra, cá basa và tôm đông lạnh của Việt Nam. Cả 2 vụ việc này hiện đang trong giai đoạn rà soát lại hàng năm theo quy định của pháp luật chống bán phá giá Hoa Kỳ.
Vì vậy, những nội dung thay đổi mới trong việc tính biên độ phá giá của DOC sẽ không được áp dụng đối với 2 vụ kiện nói trên.