11:48 02/01/2013

Mỹ thoát “vực thẳm ngân sách” trong gang tấc

Thanh Hải

Nền kinh tế Mỹ đã được bẻ lái thành công, thoát nguy cơ rơi vào cái gọi là "vực thẳm ngân sách"

Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính rằng tăng trưởng GDP của
 Mỹ sẽ bị sụt giảm 3,9% nếu như "vực thẳm ngân sách" trở thành sự thực - <i>Ảnh minh họa: Technorati</i>.<br>
Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bị sụt giảm 3,9% nếu như "vực thẳm ngân sách" trở thành sự thực - <i>Ảnh minh họa: Technorati</i>.<br>
Khoảng 11 giờ trưa nay (2/1, theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua dự luật về "vực thẳm ngân sách" với 257 phiếu thuận, 167 phiếu chống, bất kể bị đa số hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa phản đối.

Cụ thể, dự luật từng gây tranh cãi trên đã nhận được sự ủng hộ của 172 hạ nghị sỹ đảng Dân chủ và 85 hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa. Số phản đối bao gồm 151 hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa và 16 hạ nghị sỹ đảng Dân chủ. Như vậy, với việc đạt được dự luật này, nền kinh tế Mỹ đã được bẻ lái thành công, thoát nguy cơ rơi vào cái gọi là "vực thẳm ngân sách" với sự trở lại của suy thoái sâu và tỷ lệ thất nghiệp cao. Đồng thời, kinh tế thế giới cũng tranh được một cú sốc lớn.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nói trên với số phiếu thuận áp đảo lượng phiếu chống, theo tỷ lệ 89/8. Nội dung của bản dự luật này bao gồm việc sẽ tiến hành tăng thuế đối với các cá nhân có mức thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD mỗi năm. Việc trợ cấp cho thất nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện, trong khi các khoản cắt giảm chi tiêu công tự động trị giá 109 tỷ USD sẽ được gia hạn thêm hai tháng nữa.

Dự luật cũng ngăn việc tăng thuế đối với cá nhân có thu nhập dưới 400.000 USD/năm và các hộ gia đình có thu nhập dưới 450.000 USD/năm. Dự luật cũng bao gồm quy định về việc phải cân bằng giữa cắt giảm chi tiêu và tăng nguồn thu ngân sách. Dự luật về ý nghĩa sẽ tương tự với việc đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ Tổng thống Bill Clinton.

Theo giới phân tích, "vực thẳm ngân sách" là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng tồi tệ sẽ xảy ra với kinh tế Mỹ khi các điều khoản của Đạo luật kiểm soát ngân sách chính thức có hiệu lực từ nửa đêm ngày 31/12/2012. Những thay đổi sẽ diễn ra kể từ thời khắc này bao gồm việc chấm dứt cắt giảm thuế lương và tăng thuế đối với người lao động lên 2%. Ngoài ra, luật giảm thuế doanh nghiệp sẽ chấm dứt. Các điều luật cắt giảm thuế giai đoạn 2001-2003 cũng bị hủy bỏ.

Do thuế tiền lương được khấu trừ vào tiền lương hàng tuần, hiệu ứng sẽ xảy ra ngay lập tức. Hiệu ứng từ thuế thu nhập cá nhân chỉ bắt đầu xảy ra vào năm 2013. Nếu như các chủ sử dụng lao động điều chỉnh, hiệu ứng sẽ đến sớm hơn trong khi hiệu ứng có thể bị trì hoãn nếu như có rào cản nào đó xuất hiện. Các khoản cắt giảm chi tiêu cũng bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, chi tiêu và phí quốc phòng, mỗi khoản sẽ giảm 27 tỷ, trong khi chi tiêu cho Medicare cũng giảm 12 tỷ.

Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bị sụt giảm 3,9% nếu như kịch bản trên trở thành sự thực. Và khi đó nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái với mức tăng trưởng âm. Trong ngắn hạn, vách đá tài khóa sẽ gây ra những tác động rất tiêu cực cho nền kinh tế. Theo CBO, nếu như phần cắt giảm thuế tiền lương đáo hạn nhưng các hạng mục khác tiếp tục được kéo dài, tăng trưởng GDP sẽ chỉ sụt giảm 2,3%, chứ không âm.

Theo các nhà phân tích, trên thực tế, "vực thẳm ngân sách" hoàn toàn có thể giải quyết được một cách ổn thỏa. Trở ngại lớn nhất cho việc xử lý vấn đề này là tranh chấp giữa hai đảng Dân chủ, Cộng hòa, khiến việc đạt được một thỏa thuận trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, trước khi Hạ viện bỏ phiếu, đã có nhiều lời kêu gọi từ chính các nghị sỹ Cộng hòa rằng, dự luật nói trên cần được thông qua và chấp nhận để chiến thắng thuộc về Tổng thống Barack Obama.

Trong báo cáo công bố hôm nay, CBO cho hay, dự luật tránh "vực thẳm ngân sách" sẽ khiến ngân sách liên bang nước này thâm hụt thêm gần 4.000 tỷ USD khi tiếp tục áp mức thuế thấp đối với phần lớn người dân Mỹ.