16:36 21/02/2013

Mỹ - Trung tranh chấp nảy lửa chuyện tin tặc

Thanh Hải

Năm 2012 vừa qua, các doanh nghiệp Mỹ thiệt hại hơn 300 tỷ USD, do tệ nạn ăn cắp bí mật thương mại

Hãng Mandiant cho rằng, đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc đứng sau những vụ đánh cắp dữ 
liệu mật của chính phủ và các công ty Mỹ nhiều năm qua<i> - Ảnh: WSJ</i>.
Hãng Mandiant cho rằng, đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc đứng sau những vụ đánh cắp dữ liệu mật của chính phủ và các công ty Mỹ nhiều năm qua<i> - Ảnh: WSJ</i>.
Hôm qua (20/2), Nhà Trắng đã tỏ thái độ dứt khoát trong việc bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ cũng như vấn đề an ninh kinh tế nước này, khi công bố chiến lược chống tin tặc nước ngoài moi bí mật thương mại của Mỹ.

Theo các hãng tin nước ngoài, mặc dù Nhà Trắng không chỉ đích danh Trung Quốc, song theo giới phân tích, những tuyên bố được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Eric Holder đưa ra hôm qua đều có ý nhằm vào cáo buộc gần đây của hãng bảo mật Mandiant rằng Trung Quốc đứng sau những vụ tin tặc xâm nhập hệ thống máy tính của doanh nghiệp Mỹ.

Ông Holder nói rằng, “công nghệ mới đã xé nát các rào chắn truyền thống bảo vệ doanh nghiệp và thương mại quốc tế, khiến bọn tội phạm dễ ăn cắp các bí mật và phạm pháp ở khắp mọi nơi trên thế giới này”. Theo lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, tội phạm có đủ loại, từ cá nhân, công ty đến các quốc gia háo hức muốn có lợi thế trên thương trường.

Mỹ kiên quyết chống tin tặc


Bộ trưởng Holder cho biết, chiến lược mới rất năng động, có sự hợp tác liên ngành và liên tiểu bang để truy tìm và khởi tố những ai tham gia các vụ đánh cắp và gián điệp trên mạng. Các công ty tư nhân cũng được mời tham gia chiến dịch này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng tới mức nào của việc bảo mật các mạng máy tính trong bối cảnh hiện nay.

Chiến lược chống tin tặc nước ngoài được Mỹ công bố trong ngày 20/2 được xác định mục tiêu là hướng tới gia tăng thêm áp lực lên các đối tượng xấu, sử dụng công cụ chính sách thương mại ở bất cứ chỗ nào có thể áp dụng được, tăng cường truy tố tội phạm và dành thời gian 120 ngày để xem xét việc có cần ban hành thêm luật mới hay không.

Chiến lược mới được cho là phát huy các nỗ lực trước đây của Chính phủ Mỹ trong việc bảo vệ bản quyền trí tuệ vốn là động lực cho kinh tế Mỹ và giúp tạo công ăn việc làm. Báo cáo về chiến lược mới nhắc lại khuyến nghị của Nhà Trắng từ năm 2011 về việc nâng mức án tù cao nhất cho tội gián điệp kinh tế lên tối thiểu 20 năm từ mức 15 năm hiện nay.

Tài liệu cũng kêu gọi sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chính phủ trong việc cung cấp thông tin về nguy cơ bị đánh cắp bí mật thương mại cho khu vực tư nhân, đẩy mạnh các hoạt động tình báo... Tham gia chiến lược này có các bộ liên quan như Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính.

Ngoài ra, giới chức Nhà Trắng sẽ cùng các nghị sỹ lưỡng viện Quốc hội đánh giá lại về các đạo luật hiện hành cũng như cân nhắc những thay đổi cần thiết để đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn nạn đánh cắp bí mật thương mại.

Việc điều tra và truy tố các vụ việc này cũng sẽ được coi là ưu tiên hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ, trong khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sẽ cùng nhau phối hợp đưa ra những cảnh báo cũng như các phương án đối phó đối với vấn nạn xâm nhập, ăn cắp thông tin quan trọng từ khu vực tư nhân của nước này.

Thiệt hại hơn 300 tỷ USD


Trước đó, hôm 19/2, hãng bảo mật Mandiant công bố báo cáo nói rằng, đơn vị 61398 của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đặt tại Thượng Hải đứng sau những vụ đánh cắp dữ liệu mật của chính phủ và các công ty Mỹ nhiều năm qua. Kết luận này được đưa ra sau khi Mandiant phân tích những vụ đột nhập máy tính của hơn 140 công ty.

Theo các chuyên gia quân sự của Mỹ, đơn vị bí mật mang mã hiệu 61398 này là thuộc Bộ Chỉ huy các vấn đề Internet của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, nằm dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu. Vì thế, các hoạt động đánh cắp dữ liệu nêu trên có thể coi là đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của cấp cao nhất trong quân đội Trung Quốc.

Trong bản báo cáo dày 74 trang mang tựa đề “Vạch trần một trong những đơn vị tình báo mạng của Trung Quốc”, Mandiant đã xác định đơn vị tình báo 61398 gồm hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn tin tặc giỏi. Họ đã đột nhập vào hệ thống máy tính của một loạt cơ quan chính quyền, báo chí và doanh nghiệp Mỹ trong thời gian qua để đánh cắp dữ liệu.

Báo cáo của Mandiant hầu như không nêu tên nạn nhân. Nhưng theo một nguồn tin, vụ tấn công năm 2009 vào Coca-Cola trùng với thời điểm hãng này thất bại khi mua tập đoàn nước giải khát Huiyan. Cuộc thương lượng đang được tiến hành thì tin tặc đã lục lọi khắp các máy tính của Coca-Cola có vẻ để tìm hiểu thêm chiến lược đàm phán của hãng.

Báo cáo của hãng bảo mật Mandiant còn đưa ra cả một bức ảnh chụp một tòa nhà cao 12 tầng được cho là “tổng hành dinh” của đơn vị 61398 nằm ở thành phố Thượng Hải. Bản báo cáo đã khiến dư luận Mỹ rúng động và buộc Mỹ phải có biện pháp đáp trả Trung Quốc trước những hành động được giới phân tích cho là tình báo kinh tế có tổ chức.

Theo công bố hồi tuần trước của Hạ nghị sỹ Dutch Ruppersberger, đại diện phe Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, trong năm 2012 vừa qua, các doanh nghiệp của nước này đã phải hứng chịu con số thiệt hại lên tới hơn 300 tỷ USD, do tệ nạn ăn cắp bí mật thương mại, mà phần lớn trong số đó là do tình báo Internet của Trung Quốc gây ra.

Phát biểu trong buổi họp báo hôm 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các vụ tấn công của tin tặc được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo bà Nuland, Mỹ coi các hoạt động tin tặc kiểu này là mối đe dọa đối với không chỉ an ninh quốc gia mà còn cả những lợi ích kinh tế của Mỹ.

Phản ứng của phía Trung Quốc

Trong thông báo đưa ra hôm 20/2, phát ngôn viên Cảnh Nhạn Sinh của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của công ty Mandiant về việc bộ này đứng sau các vụ tin tặc tấn công công ty Mỹ, và cho biết luật pháp Trung Quốc cấm tất cả hoạt động gây nguy hại cho an ninh mạng và chính phủ nước này luôn diệt trừ tội phạm mạng.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, bản báo cáo của công ty bảo mật Mandiant là không có căn cứ thực tế vì đưa ra kết luận các cuộc tấn công bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng chỉ dựa trên sự liên quan giữa các vụ tấn công với địa chỉ IP máy tính tại Trung Quốc, trong khi kiểu tấn công giả mạo địa chỉ IP “là điều xảy ra hầu như mỗi ngày”.

Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đăng tải một thông cáo, trong đó nói rằng, tấn công kỹ thuật số là một hoạt động không biên giới với bản chất vô danh và giả mạo, rất khó tìm ra chính xác nguồn gốc của cuộc tấn công. Vì thế, nếu chỉ dựa trên địa chỉ IP để kết luận các cuộc tấn công có nguồn gốc từ Trung Quốc là thiếu bằng chứng kỹ thuật.

Ông Cảnh cho biết, rất khó xác định nguồn gốc thực sự của các vụ tấn công có tính chất xuyên quốc gia. Theo lời ông, từ 2004, Bộ Công an Trung Quốc đã giúp hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ điều tra trên 1.100 vụ tấn công mạng, và nước này đã hợp tác thi hành luật song phương với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Anh, Đức và Nga.

Trước đó một ngày, hôm 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, cũng lên tiếng cho rằng, các cáo buộc thiếu chứng cứ rõ ràng như của Mandiant vừa thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp vừa thiếu trách nhiệm và không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề. Ông tái khẳng định Trung Quốc luôn phản đối hành vi xâm nhập tấn công máy tính.

Tiếp đó, hôm 20/2, ông Hồng dẫn một báo cáo cho biết, nửa đầu 2012, ít nhất 14 triệu máy tính nước này bị hacker “ngoại” tấn công, trong khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc chịu 240.000 vụ. Cũng năm 2012, hacker nước ngoài dùng virus, phần mềm độc hại để kiểm soát 1.400 máy tính, 38.000 websites Trung Quốc. Đa số các vụ có nguồn gốc từ Mỹ.