09:29 06/09/2007

Năm 2010, Việt Nam hy vọng xuất khẩu thép

Ngành thép đã đặt ra tham vọng xuất khẩu các sản phẩm gang thép vào 2010, song với mục tiêu khiêm tốn

Bản Quy hoạch nhấn mạnh tới việc phát triển phát triển sản xuất gang lò cao quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Tuyên Quang,...
Bản Quy hoạch nhấn mạnh tới việc phát triển phát triển sản xuất gang lò cao quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Tuyên Quang,...
Ngành thép đã đặt ra tham vọng xuất khẩu các sản phẩm gang thép vào 2010, song với mục tiêu khiêm tốn.

Ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2010 chúng ta sẽ xuất khẩu khoảng 0,5 triệu tấn gang thép các loại.

Đáp ứng tối đa nhu cầu thép của nền kinh tế

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu thép thành phẩm của Việt Nam năm 2010 là 11 - 12 triệu tấn; năm 2015 là 15 - 16 triệu tấn; năm 2025 khoảng 24 - 25 triệu tấn.

Bản Quy hoạch nhấn mạnh, mục tiêu tổng thể của ngành thép Việt Nam là đáp ứng tối đa nhu cầu về các sản phẩm thép của nền kinh tế, tăng cường xuất khẩu. Mục tiêu cụ thể đối với sản xuất gang là đến năm 2010 đạt từ 1,5 - 1,9 triệu tấn; năm 2015 đạt 5,0 - 5,8 triệu tấn, năm 2025 đạt từ 10 - 12 triệu tấn gang và sản phẩm hoàn nguyên. Đối với phôi thép, năm 2010 đạt 3,5 - 4,5 triệu tấn, năm 2015 đạt 6 - 8 triệu tấn và đến năm 2025 đạt từ 12 - 15 triệu tấn.

Đặc biệt, sản xuất thép thành phẩm dự kiến sẽ đạt 6,3 - 6,5 triệu tấn vào năm 2010; 11 -12 triệu tấn vào năm 2015; 19 - 22 triệu tấn vào năm 2025 (trong đó có 11-13 triệu tấn thép dẹt và 0,2 triệu tấn thép đặc biệt).

Không chỉ sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, bản Quy hoạch còn đề ra tham vọng xuất khẩu các sản phẩm gang thép. Tuy nhiên, mục tiêu xuất khẩu cũng khá “khiêm tốn”, khi dự kiến năm 2010 xuất khẩu từ 0,5 - 0,7 triệu tấn gang thép các loại; 15 năm sau (2025), mục tiêu này cũng chỉ ở mức 1,2 - 1,5 triệu tấn.

Tập trung đầu tư 6 dự án lớn

Để thực hiện thành công các mục tiêu lớn nêu trên, bản Quy hoạch nhấn mạnh tới việc tập trung đầu tư 6 dự án lớn của ngành thép giai đoạn 2007 - 2015.

Đó là liên hợp thép Hà Tĩnh (công suất dự kiến 4,5 triệu tấn/năm, dự kiến đi vào sản xuất năm 2011); liên hợp thép Dung Quất (công suất 5 triệu tấn/năm, bắt đầu giai đoạn 2 vào năm 2011); dự án nhà máy cán thép nóng, thép nguội, mạ kẽm chất lượng cao công suất 3 triệu tấn/năm do Posco (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư; dự án nhà máy thép cuộn, thép lá cán nóng chất lượng cao công suất 2 triệu tấn/năm do liên doanh ESSA của Ấn Độ phối hợp với một số công ty trong nước thực hiện; dự án mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên; dự án liên hợp thép Lào Cai.

Ngoài ra, bản Quy hoạch cũng nhấn mạnh tới việc phát triển phát triển sản xuất gang lò cao với quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn với tổng công suất 1 triệu tấn/năm; phát triển và hoàn thành các dự án thép dẹt…

Trong giai đoạn 2016-2025, sẽ tập trung sản xuất thép lò điện từ sản phẩm hoàn nguyên trực tiếp, quy mô 1,5 triệu tấn phôi thép dẹt hoặc 1,5 triệu tấn thép tấm cán nóng; nghiên cứu đầu tư một số dự án thép tấm, thép hình lớn công suất khoảng 1 triệu tấn/năm; đầu tư xây dựng nhà máy thép đặc biệt phục vụ chế tạo máy và quốc phòng với công suất 0,3-0,5 triệu tấn/năm.

Cần trên 10 tỉ USD đến năm 2025

Theo đánh giá của bản Quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành thép giai đoạn 2007 - 2025 lên tới 10 - 12 tỉ USD, trong đó giai đoạn 2007- 2015 cần khoảng 8 tỉ USD. Để có được nguồn vốn này, cần đa dạng hóa vốn đầu tư cho ngành thép, linh hoạt sử dụng vốn của các tổ chức tài chính, đồng thời đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thép.

Bên cạnh giải pháp về vốn, bản Quy hoạch cũng đề cập tới 8 nhóm giải pháp quan trọng về hợp tác đầu tư, phát triển nguồn nguyên liệu; nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, v.v.., trong đó tập trung hợp tác với các đối tác nước ngoài trong sản xuất gang, phôi thép và thép dẹt có công suất lớn; hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.