09:08 24/06/2014

Năm 2015, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về oan, sai

Nguyễn Lê

Tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm 2015 chuyên đề được Quốc hội lựa chọn để giám sát là tình hình oan, sai

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015
Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015
Với 94,58% phiếu thuận, sáng nay (24/6) Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm chuyên đề được lựa chọn là tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

261/306 phiếu xin ý kiến có hồi âm đã lựa chọn chuyên đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước khi đại biểu nhấn nút biểu quyết.

Quá trình chọn chuyên đề, có ý kiến đại biểu cho rằng, các vụ án oan, sai chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tố tụng hình sự, do đó, phạm vi của chuyên đề giám sát là không lớn, chưa thật đúng tầm một chuyên đề giám sát của Quốc hội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự xảy ra trong tất cả các khâu tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Mặt khác, nội dung này không chỉ là việc làm oan người vô tội mà còn gồm cả việc áp dụng sai pháp luật hình sự, tố tụng hình sự về tội danh, hình phạt, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Bên cạnh đó, việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng có phạm vi rộng gồm việc xác định những trường hợp được bồi thường, kết quả bồi thường, việc bồi thường chậm, không đúng, không thoả đáng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án, cơ quan thi hành án theo quy định của pháp luật.

Do đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên nội dung, phạm vi giám sát.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014 là chuyên đề được Quốc hội lựa chọn cho kỳ họp cuối năm 2015.

263 đại biểu đã tán thành giám sát chuyên đề này khi được hỏi ý kiến qua phiếu.

Ngoài hai chuyên đề trên, một số vị đại biểu cũng đề xuất bổ sung các nội dung giám sát khác liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tổ chức quản lý thị trường, hệ thống thương mại, kinh tế quốc phòng, tình hình xử lý mua bán nợ xấu của ngân hàng thông qua VAMC; quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA…

Khẳng định đây đều là những vấn đề quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để đảm bảo tính khả thi, chất lượng, hiệu quả giám sát, không nên đưa quá nhiều nội dung vào chương trình giám sát của Quốc hội.