10:52 13/10/2020

Nắm bắt thời cơ, chủ động thích ứng để phát triển

Nhóm phóng viên

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng chuyển trạng thái từ "đóng băng" sang nắm bắt những thời cơ mới để phát triển

Hình ảnh công nhân trong nhà máy Samsung Thái Nguyên
Hình ảnh công nhân trong nhà máy Samsung Thái Nguyên

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. 

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng chuyển trạng thái từ "đóng băng" sang nắm bắt những thời cơ mới để phát triển. Có thể thấy, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, trong đó doanh nghiệp - doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. 

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất – kinh doanh và việc làm cho người lao động. Với những mục tiêu và khát vọng phát triển, khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh hơn, khát vọng trở thành những doanh nghiệp vươn tầm ra biển lớn, nhiều sáng kiến đã được doanh nghiệp triển khai, nhiều chiến lược thích ứng và phát triển đã được hình thành... 

Đây là những cơ sở để tin rằng, kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN CHUYỂN HƯỚNG ĐẦU TƯ SANG CÁC TỈNH

Ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng giám đốc Công ty cao ốc quốc tế Hồ Tây, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam 

Theo quan điểm của tôi, hiện nay, bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, do lãi suất tiền gửi không còn hấp dẫn, chứng khoán giảm sâu, giá vàng lên xuống bấp bênh... Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, quỹ đất dành cho phát triển các dự án bất động sản ngày càng khan hiếm, thủ tục phức tạp, thời gian thực hiện thủ tục bị kéo dài. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh, vừa là vì có tiềm năng, vừa là do thủ tục triển khai đơn giản dễ dàng hơn. 

Nắm bắt thời cơ, chủ động thích ứng để phát triển - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng giám đốc Công ty cao ốc quốc tế Hồ Tây, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam


Ngoài ra, muốn đầu tư bất động sản ở các thành phố lớn, cần mức đầu tư cao song ít có dự án mới và lợi nhuận cũng không còn nhiều như trước, nguồn cung cũng rất hạn chế. Do không còn sức hấp dẫn nên không chỉ các nhà phát triển bất động sản mà các nhà đầu tư thứ cấp, người đầu cơ cũng dịch chuyển hoạt động đến những thị trường mới tại các tỉnh lẻ, đặc biệt là tới những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, có sự đầu tư mạnh vào hệ thống hạ tầng. 

Phân khúc được quan tâm nhiều nhất vẫn là nhà phố, đất nền do tính thanh khoản cao. 

Nhờ đó, thị trường những khu vực mới này cũng sôi động lên từng ngày theo đà phát triển kinh tế chung của địa phương cùng tiến độ hoàn thành hạ tầng và các tiện ích, cảnh quan... của dự án. Đồng thời cũng góp phần làm ấm lại thị trường bất động sản cả nước nói chung. 

Minh chứng là càng về cuối năm, thị trường bất động sản càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, quý 3 vừa qua, tỉ lệ hấp thụ các sản phẩm nhà ở mới tăng mạnh so với quý 1 và quý 2. Dự kiến, trong quý cuối năm nay, lượng giao dịch, tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa sẽ tiếp tục tăng so với quý 3/2020...

ĐỒNG HÀNH VỚI DOANH NGHIỆP CẢ LÚC ẤM NO VÀ KHI NGUY KHÓ 

Ông Phạm Anh Cường - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB

Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 10 startup kỳ lân, với định giá từ 1 tỷ USD trở lên vào năm 2030, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Song, cú giáng "đau đớn" mang tên Covid-19 không chỉ khiến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn mạnh trên khắp thế giới với các thương hiệu lâu năm giảm sút mạnh về doanh thu, mà còn là "giọt nước tràn ly" khiến hàng loạt đơn vị khởi nghiệp bị sàng lọc khỏi thị trường vốn đã cạnh tranh tàn khốc. 

Khoảng 74% startup tại 45 quốc gia trên thế giới đã phải đưa ra quyết định sa thải hàng loạt nhân viên do ảnh hưởng kéo dài và khó dự đoán của dịch Covid-19. Tại Việt Nam, hàng loạt startup đối mặt với áp lực rất lớn về tài chính. Các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp dành cho doanh nghiệp được tung ra để giúp doanh nghiệp khắc phục một phần khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, nhưng đa phần startup thực sự khó có tiếp cận gói tín dụng này.

Nắm bắt thời cơ, chủ động thích ứng để phát triển - Ảnh 1.

Ông Phạm Anh Cường - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB

"Đất nước của mình, bao nhiêu ân tình. Việt Nam không bỏ lại ai phía sau!", với sứ mệnh là một vườn ươm doanh nghiệp, một quỹ đầu tư uy tín của Việt Nam, BestB Group luôn đồng hành với các doanh nghiệp Việt lúc ấm no và cả khi nguy khó. Không thể ngồi im nhìn các doanh nghiệp Việt chết yểu khi đại dịch Covid-19, BestB Group đưa ra nhiều gói tín dụng cứu trợ doanh nghiệp của Quỹ đầu tư BestB Capital và Vườn ươm doanh nghiệp BestB Group. 

Cụ thể, hỗ trợ tiền mặt bổ sung vốn lưu động; hỗ trợ gọi thêm vốn đầu tư cho doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu và thiết kế thương hiệu chuyên nghiệp; xây dựng quy trình từng phòng ban và quản trị doanh nghiệp bằng KPI làm việc online, chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển đối tác, đại lý, khách hàng trong và ngoài nước; virtual office - văn phòng ảo giúp doanh nghiệp tối giản chi phí văn phòng... 

Các gói cứu trợ các doanh nghiệp Việt với tín dụng hạn mức từ 350 đến 700 triệu đồng/doanh nghiệp với lãi suất thấp sẽ kiến thiết các doanh nghiệp tự tin vượt qua khó khăn. 

TẠO HỆ SINH THÁI CHO DOANH NGHIỆP

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Hà

Chúng tôi hy vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2, tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo. Chúng ta cần định hình diện mạo của đội ngũ doanh nhân Việt cho chặng đường 25 - 30 năm tới. Do đó, tôi đề xuất một số kiến nghị: 

Một là, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời với việc công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển. Nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Tiếp tục cải cách hành chính, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Nắm bắt thời cơ, chủ động thích ứng để phát triển - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Hà

Hai là, xây dựng hệ thống các biện pháp hỗ trợ doanh nhân tham gia khu vực kinh doanh chính thức, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp  chú trọng phát triển doanh nhân ở khu vực nông thôn. Khuyến khích hoạt động liên kết, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp phù hợp để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa; thúc đẩy hình thành và phát triển một số doanh nghiệp lớn, đủ sức thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ba là, tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng của doanh nhân... 

Bốn là, phát huy vai trò của hệ thống các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập và liên kết hiệp hội doanh nghiệp  mở rộng hoạt động vận động chính trị trong giới doanh nhân; tập hợp và phản ánh nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của doanh nhân, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển đội ngũ doanh nhân. Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân. Thể chế hóa đường lối chính sách đối với doanh nhân của Đảng bằng các chương trình hành động cụ thể. Tăng cường đại diện của doanh nhân trong cơ cấu của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

NỖ LỰC CHĂM LO VÀ KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC LÝ TƯỞNG

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam

Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan và bùng phát dịch, ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch Covid-19 có dấu hiệu xuất hiện tại Việt Nam, Samsung đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống Covid-19 như liên tục tuyên truyền để toàn thể nhân viên hiểu được về tình hình dịch bệnh cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định mới nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe; tiến hành đo thân nhiệt của nhân viên tại cổng vào công ty; tặng khẩu trang và yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang trong quá trình làm việc; trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn tại nhiều vị trí để nhân viên có thể rửa sạch tay trước và sau khi ăn hay khi làm việc; tạm dừng các hoạt động tập trung đông người và đảm bảo giãn cách an toàn tại công ty. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Samsung vẫn luôn đảm bảo để không một nhân viên nào bị mất việc làm và nghỉ không lương...

Nắm bắt thời cơ, chủ động thích ứng để phát triển - Ảnh 3.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam

Ngày 2/10 vừa qua, Samsung đã vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác chăm lo đời sống và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Chúng tôi luôn quan niệm rằng để làm được những sản phẩm tốt nhất thì người lao động cũng phải được làm việc trong môi trường tốt nhất. Chính vì vậy trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi không ngừng nỗ lực chăm lo cho người lao động thông qua việc kiến tạo môi trường làm việc lý tưởng nhất. 

Thời gian tới, Samsung sẽ nỗ lực không ngừng để thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của mỗi nhân viên và xa hơn sẽ trở thành nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam.

"MỞ RỘNG VÒNG TAY" LIÊN DOANH, LIÊN KẾT 

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả

Chúng tôi ý thức được việc xây dựng và tháo gỡ những bất cập của nền kinh tế từ hệ lụy do dịch bệnh gây ra không hề đơn giản. Không có gì thiết thực hơn là việc tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai, sớm đưa vào vận hành như đã cam kết. Với chiến lược "tăng trưởng tập trung" trong vòng tròn năng lực của mình – mạnh gì làm đấy, chúng tôi tập trung vào các dự án thân thiện với môi trường khi đã làm chủ được công nghệ "Gặp núi xuyên hầm - Gặp thung lũng bắc cầu". 

Nắm bắt thời cơ, chủ động thích ứng để phát triển - Ảnh 4.

Ông Hồ Minh Hoàng,Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả

Từ nay đến cuối năm 2020, Tập đoàn Đèo Cả sẽ hoàn thành hầm Hải Vân 2 đưa vào vận hành, thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tối ưu lực lượng sản xuất để tham gia các dự án như: Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại Cao Bằng, 2 cầu Cửa Lục tại Quảng Ninh, các dự án cao tốc hành lang phía Đông.

Đặt mình trong bối cảnh chung của đất nước, của thế giới, để đủ sức tồn tại, cạnh tranh và phát triển, doanh nghiệp đã đề ra những hành động cụ thể. Đó là thẳng thắn tham gia đóng góp ý kiến cùng Nhà nước nhằm tạo ra một môi trường đầu tư phù hợp trong tương lai trên tinh thần phản ánh khách quan, đúc rút từ hoạt động thực tiễn của mình, nhắm đến việc đề xuất xác định hành lang pháp lý phù hợp - không cầu toàn, chung chung. 

Đồng thời "mở rộng vòng tay" liên doanh, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và trách nhiệm tạo ra các chuỗi cung ứng phù hợp nhằm giảm thiểu chi phí vô hình. Bởi với doanh nghiệp, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Ngoài ra, tối ưu hóa quy trình và lực lượng sản xuất, nhận diện các yếu kém, xác định tồn tại hạn chế của chính mình để khắc phục, thay đổi. Quan niệm của chúng tôi cách thuyết phục duy nhất là tạo ra giá trị thực...

TÁI CƠ CẤU, TỪNG BƯỚC HIỆN ĐẠI HÓA 

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến ngành vận tải hành khách, hàng hóa chịu tác động nặng nề. Lượng hàng và nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh, nhiều đơn vị cố gắng cầm cự, thậm chí ngưng hoạt động. Các chi phí cố định dù trong điều kiện không sản xuất vẫn phải chi trả. Mọi hoạt động kinh doanh đều thu hẹp lại, hiệu quả kinh doanh hầu như là không có. 

Nắm bắt thời cơ, chủ động thích ứng để phát triển - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam

Trong điều kiện dịch diễn ra ngày càng khó dự đoán, tôi cho rằng, đối với loại hình hợp tác xã, hộ kinh doanh, nên xem xét kỹ để có hình thức liên kết với nhau, đổi mới hình thức tổ chức quản lý để tăng cường tiếp cận thị trường, giảm chi phí gián tiếp và tạo ra sức mạnh vượt qua khó khăn hiện nay. Đồng thời, doanh nghiệp cần nhanh chóng đổi mới với công nghệ, tận dụng thế mạnh các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với vận tải hàng hóa bằng ôtô, sự liên kết này chưa rõ ràng. Trước đây, năm 2015, sàn giao dịch vận tải đầu tiên tại Việt Nam được ra đời, tạo ra môi trường cho các doanh nghiệp và người kinh doanh vận tải tiếp xúc, kết nối với khách hàng. Song do thiếu cơ chế, nên người chủ hàng không quan tâm, sàn giao dịch dừng hoạt động sau một năm. Nhà nước cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc liên kết trong vận tải hàng hoá. 

Một số yếu tố quan trọng đang thúc đẩy việc tái cơ cấu trong các doanh nghiệp vận tải ôtô diễn ra nhanh chóng hơn. Đầu tiên, khoa học - công nghệ ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, trong ngành vận tải ôtô, kết thúc năm 2020 là hết thời hạn bảo lưu gia nhập WTO của Việt Nam, nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài, các vận tải nước ngoài có thể vào đầu tư các doanh nghiệp vận tải ôtô trên lãnh thổ Việt Nam. 

Việc dịch bệnh cũng là một yếu tố để các doanh nghiệp  những người làm kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ cùng ngồi lại và suy nghĩ, tư duy lại trong việc tái cơ cấu này. Ba yếu tố này sẽ thúc đẩy để thực hiện tái cơ cấu, hiện đại hóa trong quản lý vận tải ôtô tại Việt Nam thời gian tới.