11:02 18/03/2008

Nâng lương cho lao động Việt ở Hàn

Dũng Hiếu

Lương cơ bản của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được nâng lên là 852.000 Won (khoảng 900 USD)/tháng

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Bắt đầu từ 1/1/2008, lương cơ bản của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được nâng lên là 852.000 Won (khoảng 900 USD).

Đó là mức lương tối thiểu, với thời lượng làm việc 44 giờ một tuần.

Theo tính toán, thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam kể cả làm thêm giờ khoảng 1.100 - 1.300 USD/tháng. Đây là một trong những điểm mới trong việc đưa lao động đi Hàn Quốc theo Chương trình EPS trong năm nay.

Theo ông Lương Đức Long, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, phần lớn lao động Việt Nam làm việc trong ngành sản xuất chế tạo, công nghiệp đều tiết kiệm được khoảng 1.000 USD, còn nông nghiệp, thuỷ sản có thể thấp hơn một chút.

Hiện có khoảng trên 27.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Nếu tính cả số tu nghiệp sinh sau khi kết thúc hợp đồng tu nghiệp ở lại thì tổng số lao động Việt Nam ở Hàn Quốc hiện là 48.000 người.

Theo đánh giá của Ban Quản lý lao động tại Hàn Quốc, chương trình cấp phép lao động của Hàn Quốc so với các quốc gia khác, Việt Nam đang đứng đầu về số lao động được lựa chọn cũng như số lao động được nhập cảnh vào Hàn Quốc. Mỗi tuần hiện có 2 chuyến bay đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, mỗi chuyến khoảng 200-300 người. Như vậy, mỗi tháng có khoảng 1.000 - 1.200 lao động sang Hàn Quốc.

Nếu tính riêng năm 2007, đã có trên 10.500 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và tính cả số lao động kết thúc hợp đồng 3 năm được tái tuyển dụng, thì năm 2007 có khoảng trên 12.000 lao động. Đây là năm có số lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc cao nhất từ trước đến nay. Năm 2008, dự kiến khoảng 12.000 lao động nữa sẽ sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

Theo ông Long, lao động Việt Nam được chủ Hàn Quốc rất quý trọng, vì thế tỷ lệ lao động Việt Nam được tái tuyển dụng cao nhất so với 15 quốc gia phái cử (khoảng 90%). Tuy nhiên, lao động Việt Nam vẫn còn hạn chế về ngoại ngữ, tác phong, kỷ luật lao động còn kém... cần phải khắc phục ngay trong thời gian đào tạo, giáo dục định hướng trước khi đi.

Ông Long cho rằng, ngay trong đào tạo định hướng đã phải nhấn mạnh đến những điều kiện khó khăn về công việc, tính chất của công việc, nhấn mạnh và cho lao động biết đến công việc 3D (Nguy hiểm - Dangarous, Bẩn thỉu - Dirty và Nặng nhọc - Difficult) là chỉ dành cho người lao động nước ngoài. Cần phải nói với người lao động ngay từ đầu để họ xác định trước đó là công việc 3D, chứ không phải đơn giản mà kiếm được đồng tiền từ các ông chủ.

Bên cạnh đó, điều kiện ăn, ở đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc chưa phải đã tốt. Trong giáo dục định hướng phải nhấn mạnh đến tuân thủ pháp luật và tuân thủ những điều khoản của hợp đồng đã ký; phải thực hiện đúng những quy định của công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất về điều kiện làm việc, thời gian làm việc, nghỉ ngơi và tuân thủ an toàn lao động, chấp hành luật giao thông.

Cùng đó, cũng cần phải quan tâm đến việc bổ túc tiếng Hàn cho người lao động trước khi đi, bởi người lao động qua một kỳ kiểm tra tiếng Hàn sau đó phải có thời gian làm hồ sơ và thời gian chờ để chủ lựa chọn. Từ khi chủ lựa chọn cho đến lúc đi có những trường hợp kéo dài một năm, nên tiếng Hàn đã bị mai một.

Ông Long khẳng định, sau khi kết thúc hợp đồng 3 năm, phần lớn lao động đều muốn được ở lại thêm một hợp đồng nữa, như vậy, nếu làm tốt công tác giáo dục định hướng thì được 6 năm. Không loại trừ khả năng sau này, kết thúc hợp đồng 6 năm lại có thể được gia hạn nữa.