09:07 24/12/2007

Năng lượng tại Trung Á: Tâm điểm tranh chấp

Trà Giang

Những giếng dầu và khí đốt trên vùng Trung Á đã và đang là tâm điểm tranh chấp giữa Mỹ, Tây Âu và Nga

Nước Nga là ông chủ sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính nguồn năng lượng này cho châu Âu.
Nước Nga là ông chủ sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính nguồn năng lượng này cho châu Âu.
Những giếng dầu và khí đốt trên vùng Trung Á đã và đang là tâm điểm tranh chấp giữa Mỹ, Tây Âu và Nga. Tuy nhiên, với lợi thế địa lý và tài năng của ông Putin, nước Nga đang ở thế thượng phong trong cuộc đua này.

Nước Nga là ông chủ sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính nguồn năng lượng này cho châu Âu. Quốc gia này luôn phải dựa vào Trung Á, một vựa dầu và khí đốt khổng lồ dọc Con đường tơ lụa, để có đủ sản lượng tương ứng. Sau khi Liên Xô đổ vỡ, Mỹ và đồng minh châu Âu tìm cách “qua mặt” Nga để khai thác nguồn dầu và khí đốt khổng lồ của khu vực Trung Á thông qua đường ống đi qua lãnh thổ Nga.

Người Nga luôn muốn giành phần ở Trung Á trong khi Chính phủ của ông Bush xem Trung Á là một lựa chọn đầy hấp dẫn để khai thác dầu và khí đốt so với Trung Đông đầy bất ổn. Vì vậy, khi theo đuổi một chính sách khuyến khích xuất khẩu năng lượng đi vòng qua Nga, các quan chức Mỹ cũng cố tác động để hướng các dự án đầu tư dầu mỏ của Phương Tây vào Trung Á.

Nga đối phó bằng cách tăng đầu tư vào đường ống và các giếng dầu ở khu vực này. Nga đang đầu tư mạnh vào các dự án phát triển mới, điều này thách thức các công ty phương Tây như Exxon Mobil, Chevron và Conoco Phillips, những “ông trùm” năng lượng đang mong muốn mở rộng hoạt động ở Trung Á. Các chuyên viên của công ty Lukoil, một công ty dầu lửa của Nga và các quan chức Chính phủ Moskow đã đến động thổ khu khai thác khí đốt mới nhất của Trung Á tên là Khauzak với trữ lượng ước tính lên đến 400 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên.

Kể từ đó, các chính trị gia của Uzbekistan ưu ái hẳn cho phía Nga và quay lưng với các công ty dầu phương Tây. Năm 2006, Lukoil mở rộng tầm ảnh hưởng bằng cách “bắt tay” với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, Petronas Malaysia và Công ty Dầu khí Quốc gia Hàn Quốc để khai thác khí đốt tự nhiên bên dưới thềm biển Aral, Kazakhstan với trữ lượng ước tính hơn một nghìn tỷ mét khối.

Vào những năm 90, các công ty châu Âu và Mỹ đã từng giành thắng lợi lớn ở Kazakhstan, một đất nước nổi lên nhờ vai trò thương mại dẫn đầu Trung Á. Tuy nhiên, câu chuyện làm ăn này đã bị sa lầy vào những cuộc tranh chấp, phát sinh khi chính quyền Kazakhstan đòi đàm phán lại với các đối tác là Eni của Italia, Exxon Mobil và Conoco Phillips của Mỹ, Royal Dutch Shell của Nhật.

Thêm vào đó, Kazakhstan cũng chuyển hướng sang phía đông, đặt đường ống khí đốt tự nhiên qua núi Thiên Sơn đến nước láng giềng Trung Quốc. Điều này làm “mất mặt” các công ty và chính phủ châu Âu và Mỹ vốn ủng hộ con đường hướng tây đi dưới biển Caspia qua Azerbaijan, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 5/2005, đội quân của Tổng thống Islam A. Karimov tại Uzbekistan nổ súng vào đám đông tù nhân chạy trốn, điều này được các tổ chức nhân quyền nhận xét là cuộc thảm sát tồi tệ. Sự kiện này “kéo căng” quan hệ ngoại giao giữa Uzbekistan và Mỹ. Triển vọng về vai trò của phương Tây đối với ngành sản xuất khí đốt của đất nước này đã thoái trào.

Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir V.Putin đã có chuyến thăm ông Karimov tại Uzbekistan sau vụ nổ súng Andijon và tán thành với biện hộ của ông. Cùng thời điểm này, tại nước láng giềng Turkmenia, ông Putin thoả thuận mở rộng xuất khẩu khí đốt tự nhiên thông qua một nhánh đường ống dẫn khí đốt của Trung Á, chạy dọc bờ phía đông biển Caspia, phía Bắc của Nga. Đó là thoả thuận năng lượng có ý nghĩa nhất trong năm nay tại đây.

Trước khó khăn đó, tháng trước, các công ty phương Tây đã sốt sắng tài trợ cho cuộc hội thảo về khí đốt và dầu lửa tại Turkmenia. Tại đây, ông Samuel, thư ký năng lượng của Chính phủ Mỹ đã phát biểu hôm 15/11 rằng “cơ hội đang mở ra thậm chí mới một năm trước cũng chưa thể ngờ đến”.

Trong khi cách đó vài trăm dặm ở Uzbekistan, các kỹ sư người Nga của công ty Lukoil đã lắp xong đường ống cuối cùng tại mỏ dầu. Vào ngày khánh thành 29/11, những đường ống sơn màu lấp lánh đã dẫn khí gas tự nhiên về hướng Nga, bỏ người Mỹ và Tây Âu lại đằng sau.