15:33 20/11/2014

Năng suất lao động Việt Nam: 400.000 và 400

Anh Minh

Bộ trưởng Nguyễn Quân cảnh báo về năng suất lao động quá thấp của Việt Nam

Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh: NNVN.
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Ảnh: NNVN.
Chỉ đăng đàn "hỗ trợ" cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, song những phát biểu của ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 19/11 đã làm nóng nghị trường khi nói về "tàu ngầm tự chế" và năng suất lao động của Việt Nam.

Bao giờ "công nghiệp hóa"?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp so với thế giới và ngay cả khu vực.

Số liệu thống kê của Tổ chức Năng suất Châu Á cho thấy năng suất lao động của chúng ta thấp hơn hai lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN. So sánh với một số nước, chúng ta thấp hơn Singapore tới 14 lần, thấp hơn Thái Lan gần 2 lần.

Ông so sánh, cách đây 10 năm, tại khu công nghệ cao Tân Trúc của Đài Loan chỉ có 100 nghìn lao động nhưng là lao động trình độ cao, có được đào tạo rất bài bản. Vào thời điểm năm 2003, riêng khu công nghệ cao Tân Trúc xuất khẩu tới 43 tỷ USD. Có nghĩa là bình quân 1 lao động ở đó có thể làm ra được trên 400.000 USD giá trị xuất khẩu.

Tương tự như vậy, ở Việt Nam cũng đã có những ví dụ rất cụ thể, như trường hợp tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam. Dự kiến cuối năm 2015, họ sẽ có khoảng 100.000 lao động được đào tạo tốt. Samsung kỳ vọng sẽ xuất khẩu tới trên 40 tỷ USD, và do đó một người lao động Việt Nam có thể có năng suất lao động khoảng 400.000 - 500.000 USD/năm.

Ví dụ khác là tại Công ty Sơn tổng hợp Hải Phòng, tại đây đã tiếp nhận và làm chủ được công nghệ sản xuất của Nhật Bản, tuy năng suất lao động không cao như Samsung hoặc ở Tân Trúc, nhưng năm 2010 họ đạt năng suất lao động cỡ khoảng gần 100.000 USD/người.

Tuy nhiên, vẫn theo Bộ trưởng, năng suất lao động của các ngành, các lĩnh vực của Việt Nam là rất thấp, ví dụ như trong nông nghiệp.

Và ông dẫn chứng, trong nông nghiệp hiện nay có khoảng hơn 40 triệu lao động, hàng năm làm ra trên 43 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu trung bình khoảng 7 - 8 triệu tấn.

Như vậy, một lao động ở trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có thể làm ra khoảng 1 tấn gạo/năm, giá xuất khẩu bình quân 400 USD, chỉ bằng 1/1.000 so với khu công nghệ cao Tân Trúc của Đài Loan và bằng khoảng 1/200 so với Công ty Sơn tổng hợp Hải Phòng.

"Cho nên nếu chúng ta không thay đổi cơ cấu kinh tế công nghiệp hóa, nâng cao tỷ trọng của giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP, cho dù chúng ta đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hoặc dịch vụ như thế nào đi nữa chúng ta cũng không thể tăng được năng suất lao động", Bộ trưởng nói.

"Vì thế chúng tôi rất kỳ vọng vào những giải pháp của Chính phủ cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước, tiến tới năm 2020, tỷ trọng giá trị của sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao phải chiếm tới 40% giá trị sản xuất công nghiệp, khi đó hy vọng sẽ tăng được năng suất lao động của Việt Nam".

Trong 3 năm vừa rồi (2011 - 2013), tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ có hơn 3% hàng năm, trong khi GDP của chúng ta vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là năng suất lao động còn tăng chậm hơn cả tốc độ tăng GDP quốc gia.

Đây là một cảnh báo, theo Bộ trưởng. "Nếu chúng ta không có những điều chỉnh, năng suất lao động tăng chậm như thế sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống, và chúng ta sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa", ông nói.

"Tôi tin các nhà khoa học"

Về những sáng kiến cải tiến của người dân, chẳng hạn việc chế tạo tàu ngầm, máy bay do người dân tự nghiên cứu, tự chế tạo trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng nói Bộ Khoa học và Công nghệ "luôn luôn trân trọng tất cả những sáng kiến cải tiến của người dân, nếu nó đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ cho xã hội".

Tuy nhiên, mọi sản phẩm cung ứng cho xã hội cũng phải có giá trị nhất định, và phải được xã hội và thị trường chấp nhận.

Bộ trưởng nói: "Trong lĩnh vực tàu ngầm cũng như máy bay, báo cáo Quốc hội, đây là những phương tiện mà chúng ta có thể coi là mức độ thấp là ở phương tiện giao thông, ở mức độ cao là những sản phẩm liên quan đến an ninh, quốc phòng, cho nên việc chế tạo, sử dụng nó phải tuân thủ những quy định của pháp luật".

"Rất tiếc, trong quá trình đó cũng có những bác nông dân rất hợp tác cùng các nhà khoa học, trao đổi, hỗ trợ trong việc thiết kế, chế tạo, nhưng cũng có một số trường hợp thì bà con cứ lặng lẽ làm mà cơ quan quản lý không được biết, đến khi đưa ra để thử nghiệm thì lúc ấy cơ quan quản lý vào cũng không xử lý được, bởi vì thiết kế thì đã làm rồi, chế tạo cũng đã làm rồi, không thể thay đổi được nữa", ông phân trần.
 
Với ví dụ cụ thể là về tàu ngầm, tàu lặn Hòa Bình, Bộ trưởng cho hay, một nhóm các nhà khoa học của Vinashin cùng với một số nhà khoa học khác đã phối hợp, tự bỏ vốn thiết kế, chế tạo một tàu lặn có thể chở được 4 người, lặn tối đa 2 ngày, ở độ sâu tối đa 50m.

Các nhà khoa học đã bỏ vốn đầu tư hơn 28 tỷ đồng, và Bộ cũng hỗ trợ họ khoảng hơn 5 tỷ đồng; nhưng "vì hệ thống chính sách chúng ta chưa phù hợp, cho nên rất nhiều chứng từ không thanh toán được, chỉ quyết toán được khoảng chưa đến 3 tỷ đồng, khoảng 10% giá trị của con tàu".
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng biết là những tàu lặn của nước ngoài đều có giá từ 5 đến 7 triệu USD, ngay cả thuê những tàu lặn này để kiểm tra các giàn khoan ở ngoài biển thì giá thuê trong vòng 3 năm cũng còn đắt hơn giá con tàu này của Việt Nam, vì thế đây là một hướng đi rất có triển vọng.

"Nhiều người có nói rằng vì sao tôi lại dám ngồi vào tàu ngầm đó. Báo cáo Quốc hội, tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ, năng lực của những người làm khoa học. Tôi đã cùng với anh em thiết kế ngồi vào con tàu đó và trong quá trình chạy thử nghiệm ở Cam Ranh, kiểm tra đạt tất cả những thông số thiết kế, thậm chí có nhiều thông số còn tốt hơn cả thiết kế", Bộ trưởng nói.