08:49 03/03/2008

“Né” bảo hiểm cháy nổ

Hoàng Xuân

Chỉ có có khoảng 30% số doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy nổ là thực hiện quy định này

Từ năm 2002 đến năm 2006, toàn quốc đã xảy ra 11.795 vụ cháy, nổ với thiệt hại ước tính là 1.710 tỷ đồng.
Từ năm 2002 đến năm 2006, toàn quốc đã xảy ra 11.795 vụ cháy, nổ với thiệt hại ước tính là 1.710 tỷ đồng.
Việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc giúp doanh nghiệp bảo toàn được vốn và tái sản xuất kinh doanh trong trường hợp không may xảy ra sự cố cháy, nổ.

Thế nhưng trên thực tế, sự thờ ơ của người mua bảo hiểm đang khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận động thuyết phục khách hàng.

Né tránh, đối phó

Mặc dù đã ban hành được hơn một năm, nhưng theo đánh giá chung thì số lượng cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc còn rất hạn chế, thậm chí nhiều doanh nghiệp né tránh hoặc tham gia mang tính chất đối phó.

Nghị định 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được ban hành ngày 08/11/2006. Tiếp đó, ngày 24/4/2007, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 41/2007/TTLT-BTC-BCA, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 28/QĐ/BTC ngày 24/4/2007 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Tại buổi tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng việc thực hiện Chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Nghị định 130/2006/NĐ-CP trong năm 2007 và bàn phương hướng triển khai trong năm 2008 diễn ra vào cuối tháng 2/2008, tại Hà Nội do Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) phối hợp cùng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra được hàng loạt các nguyên nhân dẫn đến tình trạng: bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc nhưng vẫn khó triển khai?

Hiện cả nước có khoảng 30% số doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 130 tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Trong khi theo số liệu thống kê, từ năm 2002 đến năm 2006, toàn quốc đã xảy ra 11.795 vụ cháy, nổ với thiệt hại ước tính là 1.710 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số thiệt hại đã thống kê được và trên thực tế nếu tính toán đầy đủ, thì số thiệt hại có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Đi tìm nguyên nhân

Theo ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, ngoài sức ỳ về ý thức tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, cũng như những khó khăn trong việc trích lập nguồn đóng phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của các tổ chức, doanh nghiệp hành chính sự nghiệp, sử dụng ngân sách Nhà nước, thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tỏ ra không mấy mặn mà trong việc tham gia bảo hiểm.

Doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu các văn bản pháp luật quy định về chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cần phải được dịch sang tiếng Anh để họ có thể đọc, hiểu và thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa tính đến vấn đề này.

Ông Lộc cũng cho rằng với vai trò là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trên mọi phương diện và cả về doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Bảo hiểm Bảo Việt có đủ trình độ và nên là đầu mối chuyển tải các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc sang tiếng Anh để trình Bộ Tài chính ban hành.

Một nguyên nhân khác cũng được các chuyên gia nói đến nhiều là điều kiện phí bảo hiểm cháy, nổ tự nguyện trên thị trường thấp hơn rất nhiều so với biểu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Để khẳng định cho điều này, đại diện của Bảo hiểm Bảo Việt đã dẫn chứng ra thực trạng cạnh tranh phi kỹ thuật ở nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ đang diễn ra trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

“Mặc dù biểu phí và hoa hồng bảo hiểm cháy nổ tự nguyện, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được Bộ Tài chính quy định thống nhất, nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tự do hạ phí so với quy định, đồng thời mở rộng điều kiện bảo hiểm, tăng hoa hồng dành cho khách hàng. Điều này khiến nhiều khách hàng đưa ra bài toán so sánh và gây sức ép ngược trở lại đối với doanh nghiệp bảo hiểm, gây tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên thị trường.

Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp làm cho doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của toàn thị trường thời gian qua không tương xứng với thực tế, và do đó kinh phí đóng góp cho các hoạt động phòng cháy chữa cháy không đáng kể”, vị đại diện này cho biết.

Để giải quyết thực trạng này, các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công an cần tổ chức công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời đưa ra hình thức xử phạt và mức phạt rõ ràng, đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng cũng được các chuyên gia lưu ý tới là cơ chế thông tin, phối hợp kiểm tra giữa doanh nghiệp bảo hiểm với Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cơ quan chức năng chưa hoàn thiện nên việc triển khai bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa triệt để và quyết liệt.

Theo quy định tại điểm 7 và 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 41 nêu rõ, cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện việc giao kết hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc với bên mua bảo hiểm khi họ đã có đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy hoặc có biên bản kết luận cơ sở đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy.

Nhưng trên thực tế, cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại hầu hết các địa phương còn lúng túng, bởi chưa rõ các điều kiện cụ thể nào cần cấp giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy. Đại diện Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hải Phòng cho rằng việc cấp giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy cần phải thực hiện đúng pháp luật, đúng chuyên ngành. Đây cũng là tồn tại khiến việc thực thi bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Nghị định 130 của Chính phủ còn khó khăn.