11:50 13/09/2007

"Nên bỏ khống chế giá bán cổ phần cho người lao động"

Hoàng Xuân

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) bày tỏ ý kiến về Dự thảo Thông tư 18

"Qui định về khống chế giá bán cổ phần ở mức tối thiểu cho người lao động là không hợp lý, trái với Luật Doanh nghiệp, không theo qui tắc quản trị doanh nghiệp và nên bỏ. "
"Qui định về khống chế giá bán cổ phần ở mức tối thiểu cho người lao động là không hợp lý, trái với Luật Doanh nghiệp, không theo qui tắc quản trị doanh nghiệp và nên bỏ. "
Dự thảo Thông tư mới để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 18/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 về việc hướng dẫn mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng, đang được Bộ Tài chính gửi đi lấy ý kiến.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi dưới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) bày tỏ những ý kiến của mình.

Trong Dự thảo Thông tư 18 có đề cập đến chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Quan điểm của VAFI về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Trong văn bản góp ý về dự thảo, chúng tôi cũng đề xuất bổ sung qui định pháp lý liên quan đến Chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Những qui định chỉ nên mang tính hướng dẫn cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính năng động trong quản trị doanh nghiệp.

Nhà nước không nên qui định cứng nhắc về số lượng cổ phiếu khống chế hay giá bán khống chế mà nên để doanh nghiệp tự quyết định. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến tại đại hội cổ đông thì hội đồng quản trị cần lên một phương án chi tiết để đại hội cổ đông cho ý kiến biểu quyết, không nên lấy biểu quyết bằng thư vì hình thức này có thể không kiểm soát được những hành vi lạm dụng.

VAFI cũng nhất trí với nội dung trong Bản dự thảo: “hội đồng quản trị phải công bố công khai các tiêu chuẩn và danh sách người lao động được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định giá bán, phương án phân phối và thời gian thực hiện”, song cần bổ sung thêm một số nội dung như: phải thực hiện công khai đối với các cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư như chế độ báo cáo thông tin công khai qua các phương tiện đại chúng; hội đồng quản trị phải thuyết trình những lợi ích cụ thể của chương trình như sẽ làm gia tăng lợi nhuận, sẽ hạn chế việc gia tăng quỹ tiền lương, tiền thưởng...

Việc biểu quyết nội dung này tại đại hội cổ đông phải tiến hành riêng rẽ, không được gắn nội dung biểu quyết này vào các nội dung khác.

Một trong những điểm mới được đưa vào Dự thảo là việc qui định về khống chế giá bán cổ phiếu cho người lao động theo chương trình lựa chọn. Vì sao, VAFI lại phản đối và cho rằng quy định này chưa hợp lý?

Thực tiễn đã chỉ ra rằng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thường hay biến động và có những thời điểm biến động rất nhanh, có nhiều loại cổ phiếu giảm giá từ 30%-60% chỉ trong vài tháng.

Nếu vừa khống chế giá bán không thấp hơn 40% giá thị trường tại thời điểm phát hành cộng với điều kiện không được chuyển nhượng trong vòng 1 năm thì e rằng người lao động mua cổ phiếu “ưu đãi” sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn về thua lỗ và như vậy chính sách bán cổ phần cho người lao động nhằm mục đích thu hút nhân tài, giữ chân người lao động sẽ phá sản, vì đa phần người lao động sẽ không tham gia chương trình này.

Khi đưa ra qui định trên, chúng ta không thể dựa vào Nghị định 109 (về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần) bởi lẽ chính sách ưu đãi cho người lao động tại doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá do chủ sở hữu (Chính phủ) có toàn quyền quyết định.

Tuy nhiên việc cho người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá được mua cổ phiếu ưu đãi giảm giá 40% so với giá đấu bình quân trong nhiều trường hợp không còn hấp dẫn thậm chí người lao động bị thua lỗ so với giá thực tế bị giảm nhiều so với thời điểm bán đấu giá, như các trường hợp của PVI, PV Trans, Khách sạn Kim liên, Khí hoá lỏng miền Nam...

Chính vì vậy, qui định về khống chế giá bán cổ phần ở mức tối thiểu cho người lao động là không hợp lý, trái với Luật Doanh nghiệp, không theo qui tắc quản trị doanh nghiệp và nên bỏ.

Ngoài quy định về giá, VAFI cũng phản đối viêc áp dụng các quy định về khống chế đối với tổng số cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn, quy định đối với cổ đông nhà nước... Vì sao vậy, thưa ông?

Trong dự thảo có đưa ra qui định về “Tổng số cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong vòng 12 tháng không vượt quá 5% vốn cổ phần đang lưu hành của công ty”.

Theo chúng tôi, quy định này không cần thiết bởi nếu quy định như vậy, vô hình chung Ban soạn thảo đã can thiệp quá sâu vào công tác quản trị doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp lớn hay ngân hàng cổ phần thì mức 5% là quá nhiều và năm nào cũng có thể được thưởng.

Khi đưa ra mức 5% thì người ta có thể "vin" vào qui định của Nhà nước cho phép thực hiện và điều này có thể dễ dàng thực hiện tại những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Đối với những doanh nghiệp nhỏ và có tốc độ tăng trưởng nhanh hay có nhiều lao động thì mức 5% lại quá nhỏ.

Riêng với qui định “Đối với công ty có cổ đông Nhà nước nắm giữ thì tổ chức, cơ quan nhà nước quản lý phần vốn nhà nước phải có văn bản nêu rõ ý kiến gửi người đại diện chủ sở hữu của mình để thực hiện quyền của cổ đông nhà nước liên quan đến việc phát hành cổ phiếu cho người lao động theo chương trình lựa chọn”, VAFI e rằng đây sẽ là “cái bẫy” của cơ chế xin cho khi doanh nghiệp phải hoàn thành nhiều thủ tục rắc rối để thực hiện chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động.

Việc các công ty Nhà nước đầu tư vào các công ty cổ phần hay mua bán cổ phiếu niêm yết là việc của các công ty Nhà nước, không liên quan đến hoạt động của công ty cổ phần. Chỉ cần công ty nhà nước có 1 cổ phần trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó phải xin và chờ công văn của cơ quan đại diện cho cổ phần nhà nước.

Trong rất nhiều trường hợp, khi các công ty nhà nước mua cổ phiếu của các công ty đại chúng, thì Ban quản lý doanh nghiệp không hề hay biết, không hề phải hỏi ý kiến ban quản lý doanh nghiệp, vậy tại sao công ty cổ phần phải chờ xin văn bản chấp thuận của các tổ chức nhà nước?