10:32 24/01/2008

“Nên sản xuất hàng ngay ở biên giới với Campuchia”

Nguyễn Huyền

"Quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Campuchia rất khác so với nhiều nước, do tỷ lệ mậu dịch biên giới chiếm một tỷ lệ rất lớn"

"Dần dần chúng ta phải xuất khẩu cái gì Campuchia cần".
"Dần dần chúng ta phải xuất khẩu cái gì Campuchia cần".
Kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu giữa Việt Nam và Campuchia tăng nhanh qua các năm, nếu năm 2002 đạt 173,72 triệu USD thì đến năm 2007 đã lên 932,41 triệu USD.

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hoạt động biên mậu giữa hai nước Việt Nam - Campuchia trong thời gian qua?

Hoạt động biên mậu Việt Nam-Campuchia trong thời gian qua phát triển rất mạnh, điều này được thể hiện trong báo cáo của Bộ, tuy nhiên so với tiềm năng thì còn rất nhiều hạn chế cần khắc phục.

Hạn chế thứ nhất là vấn đề chính sách. Chính sách biên mậu của hai Nhà nước được hình thành một cách đơn lẻ chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, nên chưa tạo điều kiện tốt để phát triển biên mậu của hai bên.

Thứ hai là hạn chế về hạ tầng cơ sở phục vụ cho thương mại, cũng giống như chính sách, do hai bên xây dựng cơ sở hạ tầng theo ưu tiên của mình. Ví dụ: Việt Nam thì ưu tiên cho tỉnh này còn Campuchia thì ưu tiên cho tỉnh khác, từ đó dẫn tới đầu tư hạ tầng cơ sở của hai nước không đồng bộ.

Thứ ba, do chúng ta có những ưu tiên khác nhau trong sản xuất, ví dụ phía Việt Nam có ưu tiên nhiều hơn về phát triển sản xuất để cung cấp hàng hóa sang thị trường Campuchia, nhưng Campuchia lại quan tâm nhiều hơn đến xuất khẩu hàng nông sản với mức thuế xuất bằng 0 theo thỏa thuận giữa hai Nhà nước, do vậy đã dẫn đến sự phối hợp không chặt chẽ trong hoạt động biên mậu.

Để hoạt động biên mậu phát triển đúng tiềm năng của hai nước, sắp tới Bộ Công Thương có những giải pháp gì?

Giải pháp của chúng ta là thiếu cái gì thì tập trung vào cái đó. Thứ nhất, phía Việt Nam cần đề xuất với Chính phủ Việt Nam trong đó có các bộ, ngành hoàn thiện các cơ chế chính sách để phù hợp với cơ chế chính sách giữa ta và Campuchia.

Đồng thời, chúng ta cũng phải hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng hoàn thiện những điều mà chúng ta đang vướng mắc. Ví dụ như mọi người đang nói nhiều đến Quyết định 254/2006/QĐ-TTg về mậu dịch biên giới chẳng hạn, đấy là vướng mắc chúng ta phải hoàn thiện.

Thứ hai là kiến nghị với Chính phủ Việt Nam (phía Campuchia sẽ kiến nghị với Chính phủ Campuchia) đầu tư thỏa đáng cho việc phát triển mậu dịch biên giới, trong đó tập trung vào xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, các chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu... để tạo điều kiện phát triển mạnh buôn bán biên giới. Trong việc phát triển này bao gồm cả việc phát triển kho tàng, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất.

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa để cung cấp cho thị trường Campuchia ngay tại biên giới, vừa tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương, vừa tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia mà các doanh nghiệp nằm sâu trong nội địa không nắm được.

Định hướng phát triển biên mậu giữa hai nước Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2007- 2010 của Bộ Công Thương thế nào, thưa ông?

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Campuchia rất khác so với nhiều nước, do tỷ lệ mậu dịch biên giới chiếm một tỷ lệ rất lớn. Hiện nay mậu dịch biên giới chiếm trên 3/4 (77%) so với quan hệ thương mại giữa hai nước.

Trong định hướng phát triển biên mậu giữa Việt Nam-Campuchia trước nhất phải thể hiện rõ định hướng phát triển thương mại mà vừa rồi được nêu tại Hội nghị thương mại toàn quốc của Việt Nam. Có 4 định hướng lớn. Thứ nhất đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia.

Thứ hai phải nhập khẩu hợp lý hàng hóa từ Campuchia vào Việt Nam để phục vụ cho đất nước.

Thứ ba, cần thay đổi cơ cấu mặt hàng trong quá trình xuất khẩu, từ trước đến nay chỉ đơn thuần là chúng ta có gì xuất khẩu cái đó, dần dần chúng ta phải xuất khẩu cái gì Campuchia cần. Và cũng giúp cho bạn xuất khẩu sang ta những gì mà ta cần. Định hướng lớn là chúng ta phải dần hình thành cơ sở vật chất, kỹ thuật để mở đường cho thương mại.

Tôi nghĩ rằng đấy là những định hướng lớn nhất trong kế hoạch phát triển thương mại Việt Nam-Campuchia trong giai đoạn tới, về lâu dài tất nhiên cùng với sự phát triển kinh tế giữa hai nước chúng ta còn nhiều việc làm.

Trong những năm qua tệ nạn buôn lậu qua biên giới hai nước khá sôi động, vậy Bộ Công Thương có biện pháp gì để ngăn chặn vấn nạn này?

Về vấn đề buôn lậu, hàng gian, hàng giả thì nó là sự tự phát tự nhiên, cái này về chính sách chúng ta không thể điều tiết được, chúng ta chỉ bằng biện pháp kiểm tra, kiểm soát và hạn chế. Một khi cuộc sống của người dân còn khó khăn thì cả hai bên biên giới buôn lậu sẽ còn tồn tại, cộng với một phần do chính sách. Ví dụ như chính sách xăng dầu của Chính phủ Việt Nam thời gian vừa qua đã tạo cho việc buôn lậu mặt hàng này gia tăng rất mạnh.

Tôi nghĩ đó là một trong những vấn đề cần giải quyết bằng chính sách, còn đối với người dân biên giới chúng ta cần phải tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất ở biên giới, đó cũng chính là tạo điều kiện cho người dân ở đây có công ăn, việc làm có thu nhập ổn định như vậy sẽ giảm được nạn dân nghèo tham gia vào buôn lậu để kiếm sống.