14:13 31/03/2008

Nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng thì nên hoãn IPO!

Lan Hương

Làm thế nào để việc IPO doanh nghiệp lớn thành công? Có nên IPO khi thị trường chứng khoán đang sụt giảm?

"Việc IPO phụ thuộc vào sự quan tâm của người mua, nếu không có người mua thì coi như không thành công."
"Việc IPO phụ thuộc vào sự quan tâm của người mua, nếu không có người mua thì coi như không thành công."
Làm thế nào để việc IPO doanh nghiệp lớn thành công? Có nên IPO khi thị trường chứng khoán đang sụt giảm?

Đó là nội dung chính của cuộc trao đổi dưới đây giữa chúng tôi và ông Andrew Wu, Giám đốc khối Dịch vụ kiểm toán và tư vấn của Ernst & Young Trung Quốc, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn cổ phần hóa và IPO cho nhiều doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc.

Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua đã suy giảm liên tục, có một số cuộc đấu giá không thành công do không đủ lượng đăng ký mua. Theo ông, khi thị trường suy giảm có nên lùi các đợt IPO lại không?

Tôi cho rằng, mọi việc được quyết định bởi nhu cầu của thị trường, nhu cầu của thị trường được thiết lập bởi tình hình thị trường vào thời điểm đó. Điều quan trọng nữa là công ty làm ăn tốt hay xấu, công ty đó đã đạt yêu cầu để có thể lên sàn hay chưa? Những điều này ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư khi lựa chọn cổ phiếu và thời điểm đầu tư.

Nếu trong một thị trường mà các nhà đầu tư không muốn đầu tư hoặc giá cả chưa hợp lý thì tôi nghĩ rằng quá trình IPO nên đợi, cho đến khi công ty đó sẵn sàng.

Tại Trung Quốc, các đợt IPO có phải vẫn được thực hiện trong điều kiện thị trường chứng khoán đi xuống không, thưa ông?

Thực ra tại Trung Quốc, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Thậm chí có nhiều khi, mọi việc đã được dàn xếp xong xuôi, đến phút cuối thì Chính phủ vẫn quyết định hủy hoặc hoãn đợt IPO đó vì thấy chưa hợp lý.

Việc IPO phụ thuộc vào sự quan tâm của người mua, nếu không có người mua thì coi như không thành công. Tại Trung Quốc, tôi cho rằng cách làm rất chủ động nên có thể kiểm soát được thành công của đợt IPO. Các đợt chào bán đó luôn có các nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp và nhà bảo lãnh để xác định giá chào bán sát thị trường nhất và không sợ kịch bản là đưa cổ phiếu ra chào bán mà không thành công.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp, các bên (nhà bảo lãnh và Chính phủ - PV) cùng thống nhất được giá chào bán, nhưng giá đó thấp quá thì Chính phủ vẫn có thể hoãn lại vì mục đích là phát triển thị trường chứ không phải làm thị trường đi xuống.

Mà đã là thị trường thì có lúc xuống lúc lên, tất cả chỉ có tính chất thời điểm, lúc này lên thì lúc khác xuống và họ không dại gì lại IPO khi thị trường đang xuống cả. Trong trường hợp, nếu giá chào bán rẻ thì Nhà nước mất tiền và làm ảnh hưởng đến cả thị trường thì có thể hoãn đợt chào bán đó.

Còn trường hợp của Việt Nam hiện nay, các đợt chào bán rất ít người tham gia, mặc dù có thể bán được ở giá cao nhưng tâm lý thị trường càng ngày càng xấu, sẽ khiến cho nhà đầu tư càng thêm lo ngại.

Theo ông, làm thế nào để có thể tiến hành định giá chính xác hơn?

Tôi tin rằng thời gian là một yếu tố quan trọng. Tôi được biết là tại Việt Nam, mức giá chào bán cổ phiếu được đưa ra vài tháng trước khi đấu giá.

Tuy nhiên, thị trường có thể lên xuống rất nhanh, ví dụ như tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua, giá các cổ phiếu đã giảm 30-40%, vì vậy không thể có giá cổ phiếu được ấn định vài tháng trước được, và khi thị trường đã giảm tới 30%, ít nhà đầu tư sẽ muốn mua cổ phiếu đó.

Thông thường tại các nước khác trên thế giới, việc định giá là một trong những bước cuối cùng, vào cùng ngày khi mà công ty đã hoàn tất mọi thủ tục, cổ phiếu sẵn sàng đưa ra chào bán.

Chính phủ Việt Nam vừa công bố sẽ thay đổi trong cách thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (chào bán cho đối tác chiến lược theo giá thị trường và định giá doanh nghiệp hợp lý và minh bạch hơn thông qua tổ chức trung gian). Ông có bình luận gì về sự thay đổi này?

Việc IPO các doanh nghiệp lớn nên theo thông lệ quốc tế. Thông thường, ở các nước việc chào bán cho các đối tác chiến lược được thực hiện trước khi IPO từ 2-3 năm, vì các doanh nghiệp này thường có tham vọng IPO ra thị trường vốn quốc tế và chính các đối tác chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp thành công khi thực hiện tham vọng này.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng cách làm của Việt Nam hiện nay là rất khó thực hiện vì giá chào bán thường được xác định cách thời điểm IPO vài tháng. Trong khi đó, thị trường biến động liên tục và phức tạp. Nếu Việt Nam quyết tâm làm cho các đợt IPO giá sát thị trường thì rất khó.

Theo thông lệ quốc tế, các đợt IPO doanh nghiệp lớn thường phải thuê các nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp và ngân hàng đầu tư hàng đầu để giúp doanh nghiệp trong việc định giá cổ phiếu chào bán, đồng thời các quy trình liên quan đến chào bán đã được phê duyệt trước, ngoại trừ mức giá chào bán. Chỉ khi nào tất cả mọi việc đã sẵn sàng thì giá chào bán mới được công bố ra.