16:26 01/02/2008

“Nếu không hành động, sẽ chẳng có gì thay đổi”

Hồng Thoan

Hỏi chuyện ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong WTO

"Hạ tầng cơ sở của Việt Nam còn rất yếu, phần giải ngân và phát triển của giao thông vận tải đạt rất thấp mà đây lại là lĩnh vực tạo nên năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế nhưng lại phát triển chậm so với các ngành khác."
"Hạ tầng cơ sở của Việt Nam còn rất yếu, phần giải ngân và phát triển của giao thông vận tải đạt rất thấp mà đây lại là lĩnh vực tạo nên năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế nhưng lại phát triển chậm so với các ngành khác."
Hỏi chuyn ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO.

Tác động toàn diện

Thưa, ông nhận định như thế nào về những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sau một năm đầu tiên gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)?

Một năm sau hội nhập WTO đã tác động toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam với những bước tiến lớn. Tại một cuộc hội thảo được tổ chức trong năm 2007, có người đã nói rằng “Việt Nam sẽ là con hổ con”, nhưng tôi đã không đồng ý với nhận định này; tôi đã phát biểu rằng “Việt Nam là ngôi sao đang lên” với lý do rằng tuổi thọ của một ngôi sao lâu dài hơn rất nhiều lần so với tuổi thọ của một con hổ. Và trong một chương trình diễn đàn tổ chức đầu năm 2008 vừa qua, họ đã chọn đúng tiêu đề “Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á”.

Sự toàn diện thể hiện ở chỗ tăng trưởng ở rất nhiều ngành, không riêng ngành nào cả, và đều khắp trên tất cả các lĩnh vực. GDP tăng trưởng 8,48%, xuất khẩu đạt trên 48 tỷ USD (tăng trưởng trên 20%), thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 20,3 tỷ USD, vượt rất xa so với dự kiến ban đầu. Đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán cũng rất cao, huy động vốn cho thị trường chứng khoán cũng đạt trên 90.000 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản cũng sôi động trở lại, không bị đóng băng như giai đoạn trước. Nông nghiệp cũng là một năm được mùa, cụ thể là được mùa về giá xuất khẩu. Mặc dù phải liên tục đối mặt với thiên tai nhưng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản vẫn được xếp hạng cao trên thị trường thế giới, như xuất khẩu gạo vẫn đứng thứ 2 thế giới; cà phê được mùa và xuất khẩu được giá cao; xuất khẩu hạt tiêu và hạt điều đứng thứ nhất thế giới...

Nhưng một điều quan trọng hơn cả là toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam, một là họ đã tích cực và chủ động để làm hơn so với trước; hai là họ đã liên kết với nhau để tạo sức mạnh lẫn nhau, đặc biệt là họ đã thay đổi lối tư duy cũ là giảm giá để cạnh tranh, để giành khách hàng. Đó là cái được rất lớn mà hầu như báo chí chưa đề cập đến.

Theo ông, trong 3 mục tiêu lớn của WTO, bao gồm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hoá và dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển của các thể chế thị trường, nâng cao mức sống và tạo việc làm cho người dân, thì mục tiêu nào được Việt Nam thực hiện thành công nhất trong năm 2007 vừa qua?

Thành công nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng. Nhưng vấn đề chúng ta cần phải giải quyết là khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Còn kinh tế thị trường thì chúng ta chủ trương là phải đẩy mạnh phát triển toàn diện nền kinh tế thị trường và chúng ta vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, điều này thể hiện ở chỗ rất nhiều nước và khu vực đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường như các nước ASEAN, Trung Quốc, Chilê, Nam Phi, Nga, Ucraina... Chúng ta sẽ tiếp tục đàm phán và thương lượng với các nước khác để họ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Trong năm 2008, chúng ta tiếp tục thực hiện theo các lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO. Thực ra, lộ trình của năm 2008 vẫn chưa có gì gay gắt lắm, bởi bắt đầu có bước biến đổi khi sang năm 2009.

Các doanh nghiệp Việt Nam phải tích cực đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, một lĩnh vực mà hiện nay thực hiện của chúng ta còn yếu, trong khi tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm. Nhà nước cũng phải mở nhanh cơ chế tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nét đặc biệt của lĩnh vực dịch vụ là đầu tư ít nhưng hiệu quả lại cao, còn những lĩnh vực công nghiệp khác phải đầu tư rất lớn thì mới ra được hiệu quả.

Các doanh nghiệp đã có bước tiến lớn, thể hiện ở chỗ họ vào cuộc rất tích cực và họ chủ động trong các kế hoạch sản xuất kinh doanh chứ họ không ngồi trông chờ như trước nữa. Họ bắt đầu liên kết với nhau để tạo sức mạnh chứ không còn hoạt động độc lập hoàn toàn, liên kết giữa ngành này với ngành kia, lĩnh vực này với lĩnh vực kia rất đa dạng.

Đối với các doanh nghiệp, muốn hay không muốn phải xây dựng nhanh chiến lược, kế hoạch kinh doanh dài hạn coi như là chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Thứ hai là doanh nghiệp phải lo tới vấn đề tự đào tạo những cán bộ quản lý, cán bộ kinh doanh chứ lâu nay các doanh nghiệp đều trông chờ vào nhà nước. Tất nhiên Nhà nước vẫn phải lo nhưng về đào tạo chuyên sâu thì doanh nghiệp phải tự lo.

Đây cũng là một cơ hội nên doanh nghiệp phải tranh thủ liên kết với bên ngoài, liên kết với các nhà đầu tư lớn ví dụ như liên kết với các công ty đa quốc gia trên cơ sở các công ty đa quốc gia hiện nay rất cần có nhiều công ty vệ tinh để cung cấp phụ tùng hoặc các chi tiết phục vụ cho sản xuất chính của họ.

Vì thế, để có thể thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta phát triển, các doanh nghiệp phải tìm cách liên kết lại với nhau, và phải liên kết với các công ty đa quốc gia để họ phân cho doanh nghiệp sản xuất một chi tiết nhưng cung cấp cho toàn cầu, chứ nếu doanh nghiệp đòi hỏi sản xuất từ A đến Z sẽ rất khó.

Còn những doanh nghiệp lớn và trung bình thì nên đa dạng hoá các lĩnh vực kinh doanh. Tức là doanh nghiệp xác định một lĩnh vực chính của mình và có sự mở rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ.

Hạ tầng quá yếu

Bên cạnh những tác động tích cực, theo ông, đâu là hạn chế lớn nhất được bộc lộ rõ nét sau một năm hội nhập WTO?

Cái chưa được rõ nhất là về hạ tầng cơ sở. Hạ tầng cơ sở của Việt Nam còn rất yếu, phần giải ngân và phát triển của giao thông vận tải đạt rất thấp mà đây lại là lĩnh vực tạo nên năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế nhưng lại phát triển chậm so với các ngành khác. Ví dụ như công trình cầu Thanh Trì đã làm xong cả năm nay rồi nhưng đường dẫn vẫn chưa xong, rồi vấn đề về ùn tắc giao thông vẫn chưa có chiến lược để giải quyết.

Cái không được thứ hai là giá cả tăng quá mạnh, chỉ số lạm phát đạt trên 2 con số. Yếu tố khách quan là do giá thế giới lên, giá nhiên liệu lên và chúng ta cũng phải hình thành một mặt bằng giá mới. Thế nhưng mà còn có yếu tố chủ quan là sự điều hành của các Bộ, các ngành chưa phù hợp với điều kiện mới.

Điều kiện mới là các cơ quan chức năng không quản lý trực tiếp nữa, ngày trước các cơ quan chức năng được định giá, định số lượng và quyết định phân phối cho ai, thế nhưng bây giờ tất cả những vấn đề được điều hành đó đều dựa trên cung-cầu của thị trường, dựa trên các văn bản pháp luật được xây dựng và kiểm tra, đôn đốc thực hiện, giám sát xem thực hiện có đúng hay không thì chuyển từ quản lý trực tiếp sang quản lý gián tiếp của chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Điều này dẫn đến nạn đầu cơ về bất động sản, về giá chi phối.

Một điều nữa là chúng ta phải nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của hội nhập. Vấn đề này đã được nhiều người đề cập đến.

Tóm lại là phải hành động

Để tăng cường khả năng hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, ông có kiến nghị gì đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời, ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Cái chính của chúng ta là cần phải thay đổi tư duy cũ cho phù hợp với tình hình mới và điều kiện của hội nhập. Chúng ta phải có tư duy khu vực và tư duy toàn cầu. Chúng ta không nên chỉ tư duy về một mặt hàng nào đó phục vụ cho riêng thị trường Việt Nam nữa vì khi hội nhập toàn cầu thì thị trường mở rộng, giá cả thông nhau, cho nên tác động của thế giới cũng tác động đến chúng ta và tác động của chúng ta cũng tác động đến thế giới, trong đó chúng ta cũng có nhiều mặt hàng được xếp hạng trên thế giới rồi nên việc chúng ta làm tốt hay không tốt, hoặc chúng ta được mùa hay mất mùa, sản phẩm của chúng ta ít, chất lượng cao hay thấp đều tác động đến thế giới.

Vì vậy, chúng ta cần phải có tư duy toàn cầu, tư duy khu vực trong cả công tác quản lý của nhà nước cũng như trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp phải có tư duy xây dựng sản phẩm riêng của mình không phải chỉ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam mà còn để tiêu thụ trong cả thị trường ASEAN, vì với mức thuế từ 0 - 5% thì các thị trường trong khu vực ASEAN là thông nhau. Như thế mới giải quyết được vấn đề chúng ta nhập siêu từ các nước ASEAN.

Thứ ba, về phía Nhà nước cần phải đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu, chúng ta đang nhập siêu rất lớn. Và phải có thương lượng với các nước hiện nay đang xuất siêu sang Việt Nam, phải yêu cầu các nước này mở cửa thị trường cho hàng hoá của Việt Nam.

Đồng thời phải tiếp tục làm sao nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện các văn bản dưới luật, thực hiện đúng các cam kết của WTO và trên cơ sở đó tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước trong vấn đề thủ tục hành chính, cấp đất đai...

Như thế mới có thể tiếp tục tranh thủ cơ hội này để làm sao đến năm 2008, đầu tư nước ngoài phải lớn hơn so với năm 2007. Đó mới là thành công! Bởi năm 2007 mới là năm khởi xướng; còn năm 2008 sẽ là năm đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ đến các thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng mà còn đến tất cả các tỉnh, thành phố khác nữa.

Vấn đề nữa là phải nghiên cứu giải quyết chính sách an sinh xã hội, tức xây dựng chính sách để sản xuất những mặt hàng mà trong nước có nhu cầu mà chúng ta tự có khả năng cung cấp nguyên liệu mà lâu nay vẫn phải nhập khẩu.

Ví dụ, clinke có thể sản xuất trong nước hoặc là thức ăn gia súc bằng ngô, bằng đậu tương, bằng bã sắn thì chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng đó bằng nguyên liệu trong nước nhằm hạn chế nhập khẩu làm cho cán cân thương mại của chúng ta lành mạnh hơn. Hoặc như chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy điện để không phải mua điện. Hoặc là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cơ sở để giải quyết ùn tắc trong thành phố...

Tóm lại là phải hành động, nếu không hành động thì sẽ chẳng có gì thay đổi cả.