12:00 06/10/2015

Ngân hàng 0 đồng tại Việt Nam: Từ A đến Z

Minh Đức

Không thể cho phá sản, mua lại bắt buộc VNCB, OceanBank và GP.Bank là giải pháp cuối cùng

Thực ra tình huống chỉ định ngân hàng khác mua lại 3 ngân hàng trên cũng từng được tính đến. Nhưng, theo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, do mức độ lỗ quá lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực và có thể quá sức đối với ngân hàng nhận mua lại, nên việc chỉ định trên đã không được lựa chọn.
Thực ra tình huống chỉ định ngân hàng khác mua lại 3 ngân hàng trên cũng từng được tính đến. Nhưng, theo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, do mức độ lỗ quá lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực và có thể quá sức đối với ngân hàng nhận mua lại, nên việc chỉ định trên đã không được lựa chọn.
Đến nay, cả ba “ngân hàng 0 đồng” là CB, OceanBank và GP.Bank đều đã có chuyển biến, dư lượng lớn thanh khoản và Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nới lỏng kiểm soát.

Với chuyển biến nhanh đó, phải chăng tình trạng của cả ba ngân hàng vừa rồi không đến mức để bị mua lại bắt buộc? Ngân hàng Nhà nước đã mua hời? Luật nào cho phép mua? Cơ sở nào để xác định mức 0 đồng? Vì sao không cho phá sản và phá sản ngân hàng tại Việt Nam không thể xẩy ra? Và làm cách nào để có chuyển biến nhanh như vậy?

Chưa “siêu thoát” được

Không phải tại Việt Nam chưa cho phá sản ngân hàng. Lịch sử đã từng chứng kiến Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng đến biện pháp rút giấy phép, cho thanh lý đối với một số ngân hàng thương mại cổ phần, như Nam Đô, Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Hoa. Nhưng bài học rút ra là gì?

Có những bài học kinh nghiệm khác nhau, trong đó có sự dai dẳng kéo dài hơn 16 năm qua từ những ngân hàng trên đến nay chưa “siêu thoát” được.

Phá sản một ngân hàng tại Việt Nam không dễ. Đến vài thập kỷ có thể vẫn chưa xử lý dứt điểm được các hệ lụy. Trong đó, đến nay tài sản tiền gửi của doanh nghiệp, người dân không thu hồi đầy đủ được. Khó đong đếm hơn là niềm tin của họ đối với hệ thống, với thị trường, với cả cơ quan quản lý.

Còn nay thì sao? Thị trường tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng vừa trải qua những năm chông chênh. Theo lời của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành tại một hội thảo về tái cơ cấu ngân hàng diễn ra hôm 5/10, vào năm 2011, chuyện đổ vỡ hệ thống ngân hàng đã từng được nói trong phòng kín.

Đến nay, trật tự và an toàn hệ thống mới từng bước được lập lại, có chiều hướng phục hồi, nhưng chưa đủ để chịu được những va đập của các vụ phá sản ngân hàng, đặc biệt là hiệu ứng tâm lý thị trường.

Theo đó, về chủ trương, Bộ Chính trị và Chính phủ đã thống nhất quan điểm: trong giai đoạn hiện nay, chưa áp dụng phá sản tổ chức tín dụng để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đặt trong vấn đề và chủ trương đó, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại yếu kém không tự khắc phục được nữa là giải pháp cuối cùng, không còn cách nào khác khả thi hơn.

Tuy vậy, thực tế trên không có nghĩa Việt Nam sẽ không cho phá sản ngân hàng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nêu quan điểm: “Về lâu dài, biện pháp phá sản các ngân hàng cũng cần phải được xem xét áp dụng để bảo đảm sự trật tự, kỷ cương thị trường, môi trường kinh doanh ngân hàng lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng cho quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng”.

Thậm chí ngay thời điểm này, theo tìm hiểu của VnEconomy, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép và đang tiến hành “thí điểm” cho phá sản một công ty cho thuê tài chính, vì nó không động đến tiền gửi của dân cư.

Luật nào cho phép?

Ngân hàng Nhà nước đã cho GP.Bank hơn ba năm để tìm cách tự khắc phục. GP.Bank cũng đã qua ba lần đại hội cổ đông bất thường nhưng không thành, rồi bị mua lại bắt buộc giá 0 đồng.

Ngày 2/7/2015, có một nhóm cổ đông dọa sẽ kiện Ngân hàng Nhà nước. Nhưng để kiện, trước hết phải xem Ngân hàng Nhà nước làm có đúng luật hay không.

Trong cuộc sống, rất nhiều trường hợp luật phải chạy theo thực tế phát sinh. Thế nhưng ở đây, các cơ sở pháp lý đã xây dựng từ ba năm trước để trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước.

Có thể dẫn ra loạt các quy định tại điều 149 Luật các Tổ chức tín dụng, Quyết định số 255/2012/QĐ-TTg, Quyết định 254/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tưu trung, các cơ sở pháp lý trên cho phép Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Cơ quan này cũng có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp họ không có khả năng thực hiện yêu cầu đề ra, hoặc khi số lỗ lũy kế đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ.

Thực ra tình huống chỉ định ngân hàng khác mua lại 3 ngân hàng trên cũng từng được tính đến. Nhưng, theo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, do mức độ lỗ quá lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực và có thể quá sức đối với ngân hàng nhận mua lại, nên việc chỉ định trên đã không được lựa chọn.

Cũng theo cơ sở pháp lý nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được trao thẩm quyền quyết định việc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Ngân hàng Nhà nước được trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém để chấn chỉnh, củng cố, lành mạnh hóa.

Tiền đâu là… đầu tiên

Bắt buộc mua lại là giải pháp cuối cùng, có cơ sở pháp lý quy định, song từ khi tái cơ cấu đến nay, quan điểm đã thống nhất là không dùng tiền ngân sách để xử lý, cũng như với nợ xấu. Vậy Ngân hàng Nhà nước lấy tiền đâu?

Mua 0 đồng, dĩ nhiên là không phải bỏ tiền ra mua. Nhưng, cơ chế hiện hành cho phép Ngân hàng Nhà nước được cho vay đặc biệt để khôi phục lại ba ngân hàng trên. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp quản và chẩn chỉnh, cả ba “ngân hàng 0 đồng” đều đã dần hồi phục, thặng dư thanh khoản lớn và không cần các khoản vay đặc biệt.

Vấn đề tiếp theo là lỗ quá lớn, âm vượt xa cả vốn điều lệ và các quỹ, họ sẽ lấy tiền đâu để sống tiếp? Trước hết, bản thân mỗi ngân hàng phải tập trung xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản và kinh doanh có thu để từng bước khôi phục vốn điều lệ.

Trong quá trình đó, ngoài sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, bản thân hai đầu mối được chỉ định vào tái cơ cấu là Vietcombank và VietinBank đều phải hỗ trợ nguồn và chia sẻ các cơ hội kinh doanh.

Tựu trung, nguồn tiền để khôi phục lại ba ngân hàng nói trên được xác định ở ba nguồn.

Thứ nhất, nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, dân cư và xử lý nợ xấu, tài sản không sinh lời. Thực tế huy động của họ cũng đã tăng trở lại.

Thứ hai, nguồn tiền gửi, tiền vay từ các tổ chức tín dụng khác, đặc biệt là  từ Vietcombank và VietinBank.

Thứ ba, họ bán nợ xấu cho VAMC lấy trái phiếu đặc biệt, đàng hoàng đi vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước theo cơ chế hiện hành để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

0 đồng là giá hời?

Khi có quyết định mua ngân hàng 0 đồng đầu tiên (VNCB), nhiều tranh luận đã diễn ra. Có hai hướng chính: một là, Ngân hàng Nhà nước “chiếm đoạt” ngân hàng từ các cổ đông; hai là, anh đổ phế liệu ra đường, tôi dọn dẹp lẽ ra anh phải nộp thêm phí cho tôi.

Vấn đề là, vì tính chất nhạy cảm, Ngân hàng Nhà nước không công bố số liệu cụ thể tình hình tài chính của những ngân hàng đó. Còn các cổ đông, hẳn họ nắm rõ, nhất là đã có một thời gian dài để cải thiện mà không được.

Một con số ít ỏi công bố gần đây cho biết, chỉ riêng nợ xấu hiện có (sau khi đã bán cho VAMC và thu hồi được phần nào sau tiếp quản) của ba ngân hàng trên đã lên tới trên 20.500 tỷ đồng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng trả lời trên báo chí, cổ phần của các ngân hàng đó đã mất hết giá trị, vốn chủ sở hữu âm quá lớn nên Ngân hàng Nhà nước chỉ mua lại 0 đồng mà thôi.

Nhưng mức giá đó không phải cảm tính, không theo ý muốn chủ quan của Ngân hàng Nhà nước.

Luật quy định, Ngân hàng Nhà nước phải thuê kiểm toán độc lập của nước ngoài vào để đánh giá thực trạng tài chính, giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, từ đó làm cơ sở để xác định giá mua lại.

Vậy mức 0 đồng có hời không? Như trên, sẽ có cả một quá trình và nhiều thử thách để các ngân hàng trên có thể khôi phục được lại vốn điều lệ thực hay không.

Giả định, đến một ngày đẹp trời, họ khôi phục xong thì sao, Ngân hàng Nhà nước lời? Hôm 5/10, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm: “Việc mua cổ phần bắt buộc ngân hàng yếu kém không nhằm tạo thêm, duy trì lâu dài ngân hàng thương mại nhà nước vì mục tiêu lợi nhuận, mà nhằm xử lý ngân hàng yếu kém theo đề án cơ cấu lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bảo đảm an toàn hệ thống”.

Đến khi các ngân hàng trên lành lặn, Ngân hàng Nhà nước sẽ rút lui qua sáp nhập, bán lại cho ngân hàng thương mại khác.

Và điều còn lại…

Theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ, khi kiểm toán độc lập quốc tế vào đánh giá, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định, các cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm chấp nhận kết quả đánh giá, phải chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho Ngân hàng Nhà nước.

Với những “ngân hàng 0 đồng”, cổ đông mất trắng.

Như trên, việc mua lại bắt buộc là giải pháp cuối cùng, khi không thể cho phá sản, khi cơ cấu sở hữu và quản trị điều hành không còn đủ năng lực để đảm đương trách nhiệm, đặc biệt là với người gửi tiền.

Cổ đông là một nhà đầu tư, đầu tư tài chính tiềm ẩn rủi ro và phải chấp nhận rủi ro hoặc phải tự bảo vệ tài sản của mình.

Nhưng, điều còn lại ở đây vẫn là băn khoăn về câu hỏi: ai bảo vệ những cổ đông nhỏ lẻ, nhất là thông tin tài chính ở chính ngân hàng họ tham gia góp vốn không đầy đủ, thậm chí không chính xác, hoặc bị che giấu mà chỉ đến khi thanh tra vào cuộc mới vỡ ra?

Không chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng, trên thị trường chứng khoán những năm qua cũng vậy, câu hỏi đó vẫn là một câu chuyện dài.