10:57 06/11/2008

Ngân hàng khó giải ngân vì tín nhiệm của doanh nghiệp thấp

Nguyễn Hoài

Vốn khả dụng sung túc nhưng ngân hàng vẫn khó cho vay do độ tín nhiệm doanh nghiệp rất thấp

Giao dịch tại LienVietBank Láng Hạ - Hà Nội.
Giao dịch tại LienVietBank Láng Hạ - Hà Nội.
Vốn khả dụng sung túc nhưng ngân hàng vẫn khó cho vay do độ tín nhiệm doanh nghiệp rất thấp. Nếu bức xúc này không được giải quyết sớm, ngân hàng không những lỗ thêm mà nền kinh tế lâm vào tình trạng thiếu vốn kéo dài.

Theo một nguồn tin không chính thức, nguồn vốn khả dụng tại thời điểm này trong hệ thống ngân hàng hiện ứ đọng hàng nghìn tỷ đồng. Ngân hàng rất muốn cho vay nhằm tránh dồn nén chi phí vốn tại thời điểm huy động lãi suất cao kỳ trước cũng như bây giờ. Tuy nhiên, việc cho vay không hề dễ dàng.

Độ tín nhiệm của doanh nghiệp thấp

Ông Nguyễn Mạnh, Giám đốc Ban nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn nhất để các ngân hàng khó giải ngân chính là độ tín nhiệm của doanh nghiệp rất thấp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Mạnh nói: "Không thể cứ cho vay bừa khi doanh nghiệp không chứng minh được khả năng trả nợ, trong khi thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu và trong nước ngày càng suy giảm".

Ông Nguyễn Đại Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược và Phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng nêu quan điểm: đừng cho rằng do lãi suất hiện nay vẫn cao nên doanh nghiệp khó tiếp cận vốn mà lý do chính là độ tín nhiệm doanh nghiệp hiện quá thấp, không đủ độ an toàn và nếu không tỉnh táo, sẽ rơi vào tình trạng cho vay dưới chuẩn.

"Ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp và quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là quan hệ thỏa thuận thị trường, chẳng có ai muốn cho vay để rồi cùng dắt tay nhau xuống hố!", ông Lai nói.

Tuy nhiên, dưới góc độ đại diện cho tiếng nói của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI), lại có quan điểm khác khi nêu ra hai vấn đề.

Thứ nhất, các ngân hàng nên coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng khách hàng đặc biệt để thiết kế dải sản phẩm phù hợp. Còn nếu đặt điều kiện như những doanh nghiệp lớn thì khu vực này không bao giờ tiếp cận được vốn.

Các ngân hàng phải xem lại cơ cấu sản phẩm của mình có bao nhiêu phần trăm dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa? Khúc mắc doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp thì ngân hàng đã giải quyết như thế nào? Khi lập kế hoạch, đề án kinh doanh thì ngân hàng đã hỗ trợ họ đến đâu?

Bà Hằng viện dẫn, lâu nay trên thế giới vẫn đánh giá định mức tín nhiệm doanh nghiệp bằng nhiều cách, chẳng hạn, ngân hàng có thể nhìn vào bảng trả tiền điện đều và đúng kỳ thì độ tín nhiệm của doanh nghiệp được cộng thêm một điểm nhưng các ngân hàng hiện nay vẫn chưa làm như vậy.

Đừng quên rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy là số ít, mặc dù khi cho vay thì chi phí trên từng món vay cao nhưng nếu cộng dồn thì doanh thu lớn và lợi nhuận tổng thể cao, đồng thời rủi ro lại được phân tán.

"Mất một hai món nhỏ còn hơn mất một món nhưng to đùng, nếu ngân hàng nào biết hướng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, có bước đi phù hợp thì vẫn thành công, dù đó là thị trường đáy", bà Hằng nói.

Thứ hai, một lý do khác để ngân hàng ngại giải ngân cho doanh nghiệp nhỏ là câu chuyện nguồn vốn. Xét về cơ cấu nguồn vốn thì phổ biến trong hệ thống ngân hàng vẫn là vốn huy động ngắn hạn, trong khi đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đòi hỏi phải đầu tư dài hạn.

Chính sách mới đi một nửa chặng đường

Trước bức xúc này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietBank cho rằng, không thể trách cứ ngân hàng mà cần phải có một giải pháp tổng thể giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm khắc phục khó khăn này.

Thứ nhất, để giải quyết vấn đề liên quan đến câu chuyện "tín nhiệm khách hàng" thì cần phải có một quỹ bảo lãnh. Quỹ này được hình thành dựa trên nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc đóng góp từ các nhà tài trợ cũng như các doanh nghiệp.

"Hoạt động của Quỹ không nhằm mục tiêu lợi nhuận mà phải phát huy vai trò bảo lãnh thì ngân hàng mới dám cho vay", ông Hưởng nói.

Đồng quan điểm, ông Mạnh cho rằng, nên sớm thành lập quỹ này nhưng cần gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp vay vốn để tránh tình trạng ỷ lại vào bao cấp.

Trên thực tế, 7 năm trước đây, Nhà nước đã xây dựng mô hình hoạt động cho Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng vì quá duy ý chí nên vừa qua, Chính phủ yêu cầu tạm dừng hoạt động để xem xét lại.

Thứ hai là vấn đề kích cầu hàng hóa. Ông Hưởng nói: "Việc tiêu thụ hàng hóa hiện nay vô cùng khó khăn do thị trường xuất khẩu co lại, trong khi sức mua trong nước đang giảm dần. Nếu không kích cầu, hàng hóa sản xuất sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ và ngân hàng không thể không lo ngay ngáy nếu cố giải ngân".

Liên quan đến vấn đề này, ông Lai thẳng thắn: "Quả bóng trách nhiệm ở đây không còn là việc của cơ quan quản lý ngân hàng mà là trách nhiệm của Bộ Công Thương!".

Theo ông Lai, lâu nay hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng thô, không bị cạnh tranh gay gắt trên thế giới nên khá đa dạng về khu vực. Nếu EU, Mỹ, Nhật bị thu hẹp thì phải tìm hướng xuất khẩu sang các nước lân cận và vùng Vịnh.

Thứ ba, tổng giám đốc một ngân hàng khác cho rằng, các ngân hàng nên sát cánh với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc lập kế hoạch kinh doanh và phương án trả nợ. Trong một chừng mực nào đó, phải "nhìn" thật tốt vào thực trạng doanh nghiệp thì mới giải ngân được.

Ông này nêu ví dụ: có nhiều doanh nghiệp, xét về tổng tài sản, tính khả thi đầu ra sản phẩm rất tốt nhưng vì không biết lập kế hoạch, sổ sách không thể hiện rõ ràng nên dù muốn, ngân hàng vẫn không dám mạo hiểm cho vay.Với thực tế này, có vẻ như để giúp các doanh nghiệp thoát khỏi đình đốn sản xuất không đồng nghĩa với việc cứ nới lỏng chính sách tiền tệ là xong.

Giới phân tích cho rằng, nếu không can thiệp kịp thời bằng một gói giải pháp tổng thể liên quan đến thị trường hàng hóa, chính sách miễn giảm thuế, cơ chế bảo lãnh tín dụng, đi kèm thắt chặt chi tiêu công thì việc nới lỏng tiền tệ không những không phát huy tác dụng, mà doanh nghiệp vẫn khó khăn và lạm phát lại có nguy cơ tái phát.