Ngân hàng không nên đeo gông cho mình
Cái gông nợ xấu vẫn còn phải đeo thì các ngân hàng khó mà đi được chứ chưa nói đến việc chạy nhanh để đuổi kịp người ta
Việc các ngân hàng thương mại nhà nước, sau khi cổ phần hóa, có thể trở thành những chú lợn vàng thực sự trong năm Đinh Hợi này hay không phụ thuộc vào việc “dọn dẹp” trước và xác định mục tiêu hoạt động, cách thức quản trị sau khi cổ phần hóa.
Ở thời điểm mà các ngân hàng chuẩn bị đưa ra những quyết định quan trọng, bài viết sau của chuyên gia Huỳnh Thế Du đề cập đến vấn đề được xem là quan trọng trong khâu dọn dẹp ban đầu - cách thức tháo bỏ gánh nặng nợ xấu, để bạn đọc tham khảo.
Nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước đang là bao nhiêu?
Nợ xấu luôn là con số bí ẩn tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Báo cáo chính thức thì dưới 5%, trong khi cách đây một vài năm, IMF hay WB ước tính vào khoảng 15-20%.
Nếu chỉ dùng con số công bố chính thức với tỷ lệ trên 10% của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và dưới 5% của ba ngân hàng còn lại thì khối lượng nợ xấu đang nằm trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại nhà nước cũng trên 20.000 tỉ đồng.
Thêm vào đó, trong mấy năm qua, các ngân hàng thương mại nhà nước đã rất tích cực xử lý nợ bằng quỹ dự phòng rủi ro. Do vậy, có thể một khối lượng nợ đã được chuyển từ nợ nội bảng ra ngoại bảng (đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán chính thức). Cộng hai con số nêu trên thì tổng số nợ xấu ít nhất mà các ngân hàng thương mại nhà nước cần phải xử lý triệt để dao động từ 2-3 tỉ đô la, xấp xỉ 10% tổng dư nợ của các ngân hàng này và khoảng 5% GDP.
Con số này rất nhỏ so với Trung Quốc, nhưng chúng vẫn là một gánh nặng đáng kể đối với các ngân hàng thương mại nhà nước Việt Nam.
Nợ xấu được xử lý bằng cách nào?
Có rất nhiều cách thức xử lý một khoản nợ xấu phát sinh trong bảng cân đối kế toán. Trong đó, ba cách phổ biến nhất là (1) bán tài sản đảm bảo hay kiện ra tòa xin phá sản doanh nghiệp để tận thu, phần tổn thất sẽ dùng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý; (2) bán khoản nợ này cho các công ty xử lý nợ (AMC), phần tổn thất cũng dùng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý; (3) dùng quỹ dự phòng rủi ro chuyển toàn bộ khoản nợ ra ngoại bảng rồi tính sau.
Với hai cách đầu, nợ xấu được sẽ xử lý một cách triệt để, các ngân hàng không còn phải bận tâm tới chúng nữa. Ngược lại, đối với cách thứ ba, về bản chất chưa thể gọi là xử lý mà chỉ là kỹ thuật làm sạch bảng cân đối, trong khi gánh nặng vẫn còn nguyên.
Tại sao các ngân hàng chỉ muốn chuyển nợ từ nội bảng ra ngoại bảng?
Về nguyên tắc, “đảo nợ” là việc làm bị cấm, nhưng trong thực tế, do sự bất cân xứng thông tin cộng với tâm lý sợ cái xấu ảnh hưởng đến thành tích chung, nên bằng cách này hay cách khác nhiều khoản nợ, trước khi được xếp vào loại nợ xấu, có thể đã được quay vài ba vòng; hoặc khi các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, về nguyên tắc ngân hàng không được tiếp tục cho vay, nhưng nếu không cho vay tiếp thì không thể thu hồi được nợ cũ, đã phóng lao đành phải theo lao.
Kết quả là hầu hết những khoản nợ xấu có thể đều có “điều này điều nọ”, cộng với khả năng dễ bị hình sự hóa, nên các ngân hàng, nhất là những người liên quan đến các khoản như vậy có tâm lý không muốn xử lý một cách triệt để mà thấy việc chuyển ra ngoại bảng để tiếp tục theo dõi là cách an toàn nhất, vì nó vừa giảm được nợ xấu trong bảng cân đối, vừa cảm thấy an tâm.
Một nguyên nhân khác là nhiều khoản nợ khả năng thu hồi cao, nhưng các ngân hàng vẫn muốn chuyển ra ngoại bảng trước khi cổ phần hóa để làm “của để dành” cho sau này.
Lợi bất cập hại
Theo ý kiến chủ quan của người viết thì cách chuyển nợ từ nội bảng ra ngoại bảng của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay chỉ có một tác dụng nhỏ là làm sạch bảng cân đối kế toán, nhưng kèm theo hai điều bất lợi.
Thứ nhất, gánh nặng của khoản nợ, nhất là đối với những người liên quan vẫn còn (tác động tâm lý của chúng giống như án chưa tuyên). Ngân hàng sẽ phải dành một nguồn lực không nhỏ để xử lý chúng, thay vì tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, mang lại lợi nhuận cao hơn là giá trị thu hồi từ các khoản “trời cho” này. Trong tình huống này, việc xử lý nợ có thể chiếm đến 80% thời gian, sức lực cũng như mối bận tâm của ngân hàng, trong khi chưa chắc đã mang lại được 20% lợi ích.
Thứ hai, do muốn có “của để dành” nên sự nhập nhằng, không minh bạch vẫn còn tồn tại. Điều này làm cho chính ngân hàng cũng không thể xác định được đúng tiềm năng cũng như sức mạnh của mình để đưa ra một chiến lược kinh doanh đúng đắn.
Thà chịu đau một lần
Nhiều người bất ngờ về sự thành công ngoài sức tưởng tượng trong các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của các ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc, nhưng ít ai biết rằng một trong những yếu tố tạo nên sự thành công này là nhờ họ đã “bán đứt” một khối lượng nợ xấu khổng lồ (trên 300 tỉ đô la) cho các AMC độc lập. Điều này đã giúp các ngân hàng tránh được những rắc rối dai dẳng do các khoản nợ xấu mang lại để rảnh tay thực hiện những mục tiêu dài hạn quan trọng hơn.
Có lẽ, nếu muốn có được sự thành công, Việt Nam cũng nên học tập cách thức mà Trung Quốc đã làm. Khi đó, các ngân hàng sẽ rảnh nợ để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính của mình với mục tiêu duy nhất là lợi nhuận và gia tăng giá trị doanh nghiệp. Thêm vào đó, sau khi xử lý một lần, những người liên quan đến các khoản nợ sẽ cảm thấy nhẹ người và yên tâm công tác hơn, và đối với khoản nợ nào có vấn đề thực sự (nếu có) thì các ngân hàng và những người liên quan không thể tiếp tục che giấu chúng.
Công ty xử lý nợ quốc gia, vấn đề liên quan
Để có thể áp dụng mô hình mà Trung Quốc đã làm, cần có công ty xử lý nợ quốc gia thực sự. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề rắc rối cần làm rõ.
Năm 2003, Việt Nam đã thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (viết tắt là DATC) với mục tiêu hoạt động dài hạn vì lợi nhuận thay vì được thành lập tạm thời trong một thời gian để xử lý nợ xấu của hệ thống tài chính như các nước vẫn làm.
Do vậy, nếu gọi DATC là công ty xử lý nợ quốc gia theo mô hình chuẩn có lẽ không phải và rắc rối khi chuyển các khoản nợ xấu từ ngân hàng qua công ty này là điều đương nhiên vì khi nhận nợ, DATC phải xem chúng có khả năng sinh lời không mới làm chứ không phải vì mục tiêu giúp hệ thống tài chính tháo gỡ khó khăn.
Thay lời kết
Lựa chọn phương án xử lý nợ nào không chỉ phụ thuộc vào từng ngân hàng mà còn phụ thuộc vào chính sách chung của Nhà nước.
Theo thiển ý của gười viết, trước khi cổ phần hóa, Chính phủ nên chỉ đạo các ngân hàng chuyển toàn bộ các khoản nợ xấu cho một đơn vị độc lập xử lý. Việc này vừa giúp các gân hàng rảnh nợ, vừa giảm thiểu nguy cơ tài sản của Nhà nước bị giấu trong quá trình cổ phần hóa.
Nếu không, cái gông nợ xấu vẫn còn phải đeo thì các ngân hàng khó mà đi được chứ chưa nói đến việc chạy nhanh để đuổi kịp người ta và nguy cơ như thế nào đối với một phần tài sản nhà nước thì ai cũng biết.
Ở thời điểm mà các ngân hàng chuẩn bị đưa ra những quyết định quan trọng, bài viết sau của chuyên gia Huỳnh Thế Du đề cập đến vấn đề được xem là quan trọng trong khâu dọn dẹp ban đầu - cách thức tháo bỏ gánh nặng nợ xấu, để bạn đọc tham khảo.
Nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước đang là bao nhiêu?
Nợ xấu luôn là con số bí ẩn tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Báo cáo chính thức thì dưới 5%, trong khi cách đây một vài năm, IMF hay WB ước tính vào khoảng 15-20%.
Nếu chỉ dùng con số công bố chính thức với tỷ lệ trên 10% của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và dưới 5% của ba ngân hàng còn lại thì khối lượng nợ xấu đang nằm trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại nhà nước cũng trên 20.000 tỉ đồng.
Thêm vào đó, trong mấy năm qua, các ngân hàng thương mại nhà nước đã rất tích cực xử lý nợ bằng quỹ dự phòng rủi ro. Do vậy, có thể một khối lượng nợ đã được chuyển từ nợ nội bảng ra ngoại bảng (đưa ra ngoài bảng cân đối kế toán chính thức). Cộng hai con số nêu trên thì tổng số nợ xấu ít nhất mà các ngân hàng thương mại nhà nước cần phải xử lý triệt để dao động từ 2-3 tỉ đô la, xấp xỉ 10% tổng dư nợ của các ngân hàng này và khoảng 5% GDP.
Con số này rất nhỏ so với Trung Quốc, nhưng chúng vẫn là một gánh nặng đáng kể đối với các ngân hàng thương mại nhà nước Việt Nam.
Nợ xấu được xử lý bằng cách nào?
Có rất nhiều cách thức xử lý một khoản nợ xấu phát sinh trong bảng cân đối kế toán. Trong đó, ba cách phổ biến nhất là (1) bán tài sản đảm bảo hay kiện ra tòa xin phá sản doanh nghiệp để tận thu, phần tổn thất sẽ dùng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý; (2) bán khoản nợ này cho các công ty xử lý nợ (AMC), phần tổn thất cũng dùng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý; (3) dùng quỹ dự phòng rủi ro chuyển toàn bộ khoản nợ ra ngoại bảng rồi tính sau.
Với hai cách đầu, nợ xấu được sẽ xử lý một cách triệt để, các ngân hàng không còn phải bận tâm tới chúng nữa. Ngược lại, đối với cách thứ ba, về bản chất chưa thể gọi là xử lý mà chỉ là kỹ thuật làm sạch bảng cân đối, trong khi gánh nặng vẫn còn nguyên.
Tại sao các ngân hàng chỉ muốn chuyển nợ từ nội bảng ra ngoại bảng?
Về nguyên tắc, “đảo nợ” là việc làm bị cấm, nhưng trong thực tế, do sự bất cân xứng thông tin cộng với tâm lý sợ cái xấu ảnh hưởng đến thành tích chung, nên bằng cách này hay cách khác nhiều khoản nợ, trước khi được xếp vào loại nợ xấu, có thể đã được quay vài ba vòng; hoặc khi các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, về nguyên tắc ngân hàng không được tiếp tục cho vay, nhưng nếu không cho vay tiếp thì không thể thu hồi được nợ cũ, đã phóng lao đành phải theo lao.
Kết quả là hầu hết những khoản nợ xấu có thể đều có “điều này điều nọ”, cộng với khả năng dễ bị hình sự hóa, nên các ngân hàng, nhất là những người liên quan đến các khoản như vậy có tâm lý không muốn xử lý một cách triệt để mà thấy việc chuyển ra ngoại bảng để tiếp tục theo dõi là cách an toàn nhất, vì nó vừa giảm được nợ xấu trong bảng cân đối, vừa cảm thấy an tâm.
Một nguyên nhân khác là nhiều khoản nợ khả năng thu hồi cao, nhưng các ngân hàng vẫn muốn chuyển ra ngoại bảng trước khi cổ phần hóa để làm “của để dành” cho sau này.
Lợi bất cập hại
Theo ý kiến chủ quan của người viết thì cách chuyển nợ từ nội bảng ra ngoại bảng của các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay chỉ có một tác dụng nhỏ là làm sạch bảng cân đối kế toán, nhưng kèm theo hai điều bất lợi.
Thứ nhất, gánh nặng của khoản nợ, nhất là đối với những người liên quan vẫn còn (tác động tâm lý của chúng giống như án chưa tuyên). Ngân hàng sẽ phải dành một nguồn lực không nhỏ để xử lý chúng, thay vì tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, mang lại lợi nhuận cao hơn là giá trị thu hồi từ các khoản “trời cho” này. Trong tình huống này, việc xử lý nợ có thể chiếm đến 80% thời gian, sức lực cũng như mối bận tâm của ngân hàng, trong khi chưa chắc đã mang lại được 20% lợi ích.
Thứ hai, do muốn có “của để dành” nên sự nhập nhằng, không minh bạch vẫn còn tồn tại. Điều này làm cho chính ngân hàng cũng không thể xác định được đúng tiềm năng cũng như sức mạnh của mình để đưa ra một chiến lược kinh doanh đúng đắn.
Thà chịu đau một lần
Nhiều người bất ngờ về sự thành công ngoài sức tưởng tượng trong các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của các ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc, nhưng ít ai biết rằng một trong những yếu tố tạo nên sự thành công này là nhờ họ đã “bán đứt” một khối lượng nợ xấu khổng lồ (trên 300 tỉ đô la) cho các AMC độc lập. Điều này đã giúp các ngân hàng tránh được những rắc rối dai dẳng do các khoản nợ xấu mang lại để rảnh tay thực hiện những mục tiêu dài hạn quan trọng hơn.
Có lẽ, nếu muốn có được sự thành công, Việt Nam cũng nên học tập cách thức mà Trung Quốc đã làm. Khi đó, các ngân hàng sẽ rảnh nợ để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính của mình với mục tiêu duy nhất là lợi nhuận và gia tăng giá trị doanh nghiệp. Thêm vào đó, sau khi xử lý một lần, những người liên quan đến các khoản nợ sẽ cảm thấy nhẹ người và yên tâm công tác hơn, và đối với khoản nợ nào có vấn đề thực sự (nếu có) thì các ngân hàng và những người liên quan không thể tiếp tục che giấu chúng.
Công ty xử lý nợ quốc gia, vấn đề liên quan
Để có thể áp dụng mô hình mà Trung Quốc đã làm, cần có công ty xử lý nợ quốc gia thực sự. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề rắc rối cần làm rõ.
Năm 2003, Việt Nam đã thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (viết tắt là DATC) với mục tiêu hoạt động dài hạn vì lợi nhuận thay vì được thành lập tạm thời trong một thời gian để xử lý nợ xấu của hệ thống tài chính như các nước vẫn làm.
Do vậy, nếu gọi DATC là công ty xử lý nợ quốc gia theo mô hình chuẩn có lẽ không phải và rắc rối khi chuyển các khoản nợ xấu từ ngân hàng qua công ty này là điều đương nhiên vì khi nhận nợ, DATC phải xem chúng có khả năng sinh lời không mới làm chứ không phải vì mục tiêu giúp hệ thống tài chính tháo gỡ khó khăn.
Thay lời kết
Lựa chọn phương án xử lý nợ nào không chỉ phụ thuộc vào từng ngân hàng mà còn phụ thuộc vào chính sách chung của Nhà nước.
Theo thiển ý của gười viết, trước khi cổ phần hóa, Chính phủ nên chỉ đạo các ngân hàng chuyển toàn bộ các khoản nợ xấu cho một đơn vị độc lập xử lý. Việc này vừa giúp các gân hàng rảnh nợ, vừa giảm thiểu nguy cơ tài sản của Nhà nước bị giấu trong quá trình cổ phần hóa.
Nếu không, cái gông nợ xấu vẫn còn phải đeo thì các ngân hàng khó mà đi được chứ chưa nói đến việc chạy nhanh để đuổi kịp người ta và nguy cơ như thế nào đối với một phần tài sản nhà nước thì ai cũng biết.