18:40 25/10/2011

Ngân hàng lớn rút “ôxi”, liên ngân hàng ngột ngạt

Minh Đức

Nghi ngờ lẫn nhau, ngân hàng lớn áp thêm các điều kiện đảm bảo cho vay, cũng như rút bớt “ôxi” khiến thị trường liên ngân hàng ngột ngạt

Sức ép cục bộ từ ngân hàng lớn có thể tạo phản ứng dây chuyền trên thị trường liên ngân hàng.
Sức ép cục bộ từ ngân hàng lớn có thể tạo phản ứng dây chuyền trên thị trường liên ngân hàng.
Nghi ngờ lẫn nhau, ngân hàng lớn áp thêm các điều kiện đảm bảo để cho vay, cũng như rút bớt “ôxi” khiến thị trường liên ngân hàng ngột ngạt.

Phía sau sự leo thang của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vừa qua không chỉ là tác động của chính sách, khó khăn thanh khoản của một số thành viên, mà còn có ở một “cơ chế” mới mà những nhà băng sung túc vốn đặt ra.

Như từng dẫn ở bài viết trước, những ngày cao điểm sau 10/10, người viết nhận được tin nhắn chủ động từ một cán bộ ngân hàng thương mại với lo ngại có thể có rủi ro khi một số khoản vay của một số thành viên trong hệ thống quá hạn mà chưa thanh toán.

Bên cạnh đó, một số tổ chức đầu tư đưa ra giả thiết những vụ lừa đảo quy mô lớn, hay sự đổ vỡ của nhiều khoản tín dụng “chợ đen” có thể liên quan đến tính pháp lý trong các hồ sơ tín dụng của ngân hàng, hay khó khăn khi thu hồi vốn các khoản cho vay bất động sản, chứng khoán khiến các ngân hàng thận trọng khi cho vay chính các thành viên trong hệ thống. Sự dè chừng này dẫn đến việc cung vốn nhỏ giọt trên liên ngân hàng, là một nguyên nhân khiến lãi suất leo thang.

Trong một cuộc gọi tới phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng nhỏ cho biết, hai tuần qua thị trường liên ngân hàng xuất hiện một “cơ chế” cho vay mới: các ngân hàng lớn áp thêm yêu cầu thế chấp, bảo đảm tài sản… mới giải ngân cho đối tác vay mượn. Điều này, theo ông, làm nảy sinh nhiều vấn đề chung cho thị trường.

“Lạm phát đang giảm tốc rõ rệt, hầu hết các ngân hàng đều khó cho vay ra và tăng trưởng tín dụng thực tế rất thấp, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và bơm qua OMO mạnh, vậy tại sao lãi suất trên liên ngân hàng khủng khiếp vậy”, vị lãnh đạo này đặt vấn đề.

Theo ông, nguyên do là với sự thận trọng trên, các ngân hàng lớn đã áp “cơ chế” đó khiến khả năng vay mượn khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc giải ngân nhỏ giọt khiến không khí trên liên ngân hàng càng trở nên ngột ngạt.

Thực tế có một số ngân hàng nhỏ có khó khăn thanh khoản, nhưng đó không phải là thực tế chung của cả hệ thống. Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng khẳng định là thanh khoản chung vẫn đảm bảo và chỉ có một số trường hợp khó khăn, và nhà điều hành sẽ hỗ trợ cũng như đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, khi các ngân hàng lớn có động thái như vậy, rút bớt “ôxi” của thị trường, lập tức tạo hiệu ứng dây chuyền, tạo khan hiếm vốn giả tạo và tâm lý thị trường bất ổn. Và ở đây, ngay cả giữa các ngân hàng với nhau, sự mất niềm tin như vậy cũng là một vấn đề.

“Khi các ngân hàng mất niềm tin, nghi ngờ lẫn nhau thì thị trường đi về đâu? Họ dừng lại, thị trường khựng lại và gây xáo trộn. Họ tạo ra một cái đi ngược thông lệ mấy chục năm nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực điều tiết, lưu thông thị trường, giữ ổn định chung. Đây cũng là một vấn đề nhà quản lý cần xem xét và xử lý cụ thể”, đại diện ngân hàng trên đề nghị.

Đành rằng, với người cho vay, lợi nhuận đi cùng với yêu cầu đảm bảo an toàn. Việc áp các điều kiện phải thế chấp, đảm bảo như vậy cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, thị trường đã hoạt động hàng chục năm qua, khuôn khổ an toàn trên liên ngân hàng không phải bỗng chốc được thay đổi chỉ trong vài tuần từ một số thành viên như vậy; nó cần sự ổn định lâu dài và tính pháp lý bền vững do nhà quản lý tạo ra.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn có lợi thế huy động vốn, đặc biệt là lợi thế thu hút nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Khi việc đẩy mạnh tín dụng khó khăn, lợi thế vốn đó cần được điều hòa qua thị trường liên ngân hàng. Đây cũng là chức năng và giá trị của thị trường này đối với sự chu chuyển vốn trong hệ thống và nền kinh tế, mà các ngân hàng lớn cần phải thể hiện vai trò của mình ở đó.

Như quan điểm của vị lãnh đạo ngân hàng trên, động thái của các ngân hàng lớn trên đang đặt ra một thử thách đối với chính những nỗ lực điều tiết và bình ổn mà Ngân hàng Nhà nước đang thể hiện.

Ngoài việc liên tiếp bơm ròng mạnh và tăng kỳ hạn hỗ trợ trên thị trường mở (OMO), thực hiện tái cấp vốn cho những thành viên khó khăn, điểm nhấn quan trọng mới đây là Ngân hàng Nhà nước đã có sửa đổi Thông tư 13 và 19. Việc sửa đổi đó cũng tập trung cho mục đích khơi thông vốn, tạo những chu chuyển tích cực cho nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng.

Tuy nhiên, với hiện tượng trên, dường như các ngân hàng lớn đang đắp đập, be bờ tạo một sự cô lập vốn dẫn đến những bất ổn?

Việc xử lý hiện tượng này, khơi thông vốn cho thị trường liên ngân hàng đang là một yêu cầu, qua đó trả lại niềm tin cho các thành viên cũng như khẳng định vai trò của nó.