09:41 12/08/2008

“Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ lơ là quản lý rủi ro”

Nguyễn Hoài

Đó là khẳng định của ông Phạm Huyền Anh, Phó vụ trưởng Vụ Các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước - Ảnh Việt Tuấn.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước - Ảnh Việt Tuấn.
Đó là khẳng định của ông Phạm Huyền Anh, Phó vụ trưởng Vụ Các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

Thưa ông, tại sao đã 3 năm rồi mà các ngân hàng thương mại vẫn trì hoãn việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng theo Điều 7, còn Ngân hàng Nhà nước thì thờ ơ trong vấn đề này?

Việc phân loại nợ và xây dựng thành công hệ thống đánh giá, xếp hạng tín nhiệm nội bộ đối với khách hàng không chỉ giúp ngân hàng thương mại phân loại nợ trung thực hơn mà còn là công cụ tư vấn, giúp ban lãnh đạo có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này không đơn giản vì chúng vẫn khá mới mẻ ở Việt Nam. Muốn làm được, phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu và giải quyết hàng loạt vấn đề về kinh phí, đào tạo nhân lực, nhập dữ liệu và phân loại... thì mới nói đến chuyện kích chuột vào đó để biết được mọi thông tin về khách hàng.

Chẳng hạn như một khách hàng bị từ chối ở chi nhánh này thì lập tức chi nhánh khác phải biết và đưa ra quyết định có cho vay hay không.

Hiện tại, các ngân hàng thương mại đang thực hiện theo điều 7 và Ngân hàng Nhà nước thường xuyên yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo tiến độ thực hiện, để có những điều chỉnh vướng mắc kịp thời.

Dĩ nhiên, trong khi các ngân hàng thương mại chưa thực hiện hoàn toàn theo điều 7 thì Ngân hàng Nhà nước vẫn có những kênh và biện pháp giám sát hỗ trợ khác để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống, chứ không phải chưa thực hiện được điều 7 thì Ngân hàng Nhà nước bỏ mảng quản lý rủi ro này.

Một số ngân hàng thương mại phàn nàn, họ tiên phong thực hiện điều 7 nhưng kèm theo là nợ xấu tăng lên vì phân loại chính xác hơn so với thực hiện điều 6 nhưng cơ quan quản lý cứ nhìn vào đó để cản trở họ đầu tư mở rộng. Ông giải thích chuyện này như thế nào?

Thực ra nợ xấu là một trong những điều kiện đánh giá, xem xét và quyết định cho phép ngân hàng thương mại mở rộng quy mô về mạng lưới và hoạt động nhưng đó không phải là điều kiện cuối cùng.

Trước đây, việc quản lý chưa theo thông lệ quốc tế thì bây giờ phải từng bước đưa hoạt động này tiệm cận dần theo hướng này. Cơ quan quản lý có khắt khe cũng chỉ nhằm mục đích để ngân hàng thương mại quản trị rủi ro tốt hơn và đảm bảo an toàn cho cả hệ thống.

Cơ quan quản lý có xem xét yếu tố nợ xấu của ngân hàng trong việc mở rộng quy mô nhưng luôn đặt trong bối cảnh thực tế rằng: ngân hàng thương mại quản trị như thế nào đối với tỷ lệ nợ xấu đó, chiến lược kinh doanh để xem xét chứ đâu chỉ dựa vào tỷ lệ nợ xấu để hạn chế và cản trở mở rộng đầu tư?

Ngoài ra, phải hiểu là chức năng Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo an toàn cho hệ thống nhưng những quy định về vấn đề này chỉ mang tính chất phòng ngừa, cảnh báo để quản trị tốt hơn chứ không phải phát hiện để xử phạt và không tạo điều kiện cho phát triển.
 
Thưa ông, cũng liên quan đến vấn đề an toàn cho hệ thống, có ý kiến cho rằng, những ngân hàng quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản và quản trị yếu thì nên sáp nhập với ngân hàng lớn. Ông nghĩ sao về điều này?

Cũng có khá nhiều ý kiến về việc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng nhỏ với ngân hàng  lớn hoặc bán cho nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước hiện đang cân nhắc rất kỹ vấn đề này.

Việt Nam hiện có khá nhiều tổ chức tín dụng quy mô nhỏ và do đó, vấn đề đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng này như thế nào, chiến lược phát triển hệ thống của họ trong thời gian tới là gì, số lượng và quy mô tổ chức tín dụng là bao nhiêu thì đủ đang là một bài toán hóc búa.

Trước mắt, vì mục tiêu an toàn cho cả hệ thống, trong điều kiện quy mô, khả năng của họ như vậy thì chỉ nên đặt vấn đề làm sao đó để họ thực sự an toàn đã.

Hiện nay, Nhà nước vẫn cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược của các ngân hàng trong nước. Đó là bước đệm cần thiết để nâng cao năng lực quản trị điều hành và năng lực cạnh tranh của tổ chức tín dụng.

Còn vấn đề nên để bao nhiêu ngân hàng hay mua bán sáp nhập thì đối với các nước đã trải qua nhưng với Việt Nam thì vấn đề này còn phải tiếp tục nghiên cứu xem xét một cách tổng thể.

Có một hiện tượng là các ngân hàng đã sử dụng vốn vay ngắn hạn để tài trợ cho vay dài hạn và ảnh hưởng xấu đến khả năng thanh khoản. Dưới góc độ quản lý, ông đánh giá thực tế này như thế nào?

Thực tế những năm qua và thời gian vừa rồi, có nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhưng thực tế hiện nay là các tổ chức tín dụng vẫn tồn tại và ổn định thanh khoản.

Trong điều kiện ổn định và kiềm chế lạm phát như hiện nay, tôi nghĩ đó là câu trả lời xác đáng nhất.