11:23 20/09/2013

Ngân hàng Nhà nước: “Lãi suất không còn là cản trở”

Thùy Duyên

Sau hơn hai năm áp dụng, Ngân hàng Nhà nước vẫn chuộng trần lãi suất dù đã từng bước dỡ bỏ quy định hành chính

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, trần lãi suất huy động là một điều kiện để giảm lãi suất cho vay, và lãi suất đã không còn là cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.<br>
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, trần lãi suất huy động là một điều kiện để giảm lãi suất cho vay, và lãi suất đã không còn là cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.<br>
Ngày 19/9, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) có đánh giá tổng quan về cơ chế và việc thực hiện trần lãi suất huy động trong hai năm qua.

Theo đánh giá này, việc Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt trần lãi suất đã giúp giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay; trần lãi suất huy động đã được dỡ bỏ từng phần nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định, kỷ luật thị trường được thiết lập.

Từ giữa năm 2011, Ngân hàng Nhà nước thực hiện áp trần lãi suất huy động VND và duy trì ở mức 14%/năm. Cơ chế này được giải thích là nhằm nhằm ổn định và định hướng lãi suất thị trường theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.

Đến năm 2012, để định hướng thị trường, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lộ trình giảm trung bình mỗi quý 1%/năm. Và trước xu hướng giảm nhanh của lạm phát, cơ quan này đã điều chỉnh nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành, kết hợp với quy định và điều chỉnh linh hoạt lãi suất huy động tối đa bằng VND với tổng mức giảm trong năm 2012 là 6%/năm (5 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng với mức giảm 1 - 2%/lần).

Trong 9 tháng đầu năm 2013, trên cơ sở đánh giá diễn biến của lạm phát, sự ổn định của thị trường ngoại hối và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy dư địa giảm trần lãi suất huy động bằng VND không còn nhiều, vì vậy mức trần lãi suất huy động các kỳ hạn chỉ giảm khoảng 1%/năm (trần lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng giảm từ mức 8%/năm cuối 2012 xuống 7,5%/năm vào cuối tháng 3/2013, từ cuối tháng 6/2013 chỉ quy định trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 7%/năm).

Trong hai năm thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng bước nới lỏng quy định trần lãi suất theo diễn biến trên thị trường tiền tệ, tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng, qua đó từng bước giảm quy định hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng huy động vốn với lãi suất thỏa thuận với khách hàng, một phần phù hợp với cơ chế thị trường.

Cụ thể, đầu tháng 6/2012, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; đến cuối tháng 6/2013, tiếp tục bỏ quy định trần lãi suất đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.

“Mức trần lãi suất từng bước ấn định ở mức hợp lý tạo sự linh hoạt tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng linh hoạt áp dụng quy định trần lãi suất. Trước đây tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động sát mức trần, thì nay mức trần lãi suất huy động được quy định ở mức đủ cao để tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt có thể ấn định lãi suất thấp xa so với mức trần, tổ chức tín dụng có nhu cầu huy động vốn lớn có thể ấn định lãi suất huy động sát mức trần”, báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.

Và vụ chức năng này đánh giá rằng, việc thực hiện chủ động, linh hoạt quy định trần lãi suất huy động bằng VND từ năm 2011 tới nay, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh, giảm khoảng 7 - 10%/năm so với thời điểm giữa năm 2011. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm mạnh lãi suất cho vay. Đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 9 - 12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006, thấp hơn năm 2007.

Đáng chú ý là Vụ Chính sách tiền tệ nhận định: “Lãi suất đã không còn là cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”.

Hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 - 9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9 - 11%/năm, trong đó, đối với khách hàng tốt lãi suất cho vay chỉ từ 6,5 - 7%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh, trong điều kiện lạm phát được kiềm chế và tỷ giá được cam kết ổn định. Đến giữa tháng 9/2013, tiền gửi VND của dân cư đã tăng tới 13,78% so với cuối năm 2012.

Thêm nữa, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định trần lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên nhưng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, tính trật tự, kỷ luật trên thị trường vẫn được duy trì, không có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất giữa các tổ chức tín dụng với nhau nhằm chèo kéo khách hàng, người gửi tiền gửi tiền với kỳ hạn dài hơn, không rút tiền từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác khác để hưởng chênh lệch lãi suất.

Và với các kỳ hạn ngắn vẫn áp trần cùng việc dỡ bỏ từng bước các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đường cong lãi suất đã dần được hình thành (kỳ hạn ngắn có lãi suất thấp, kỳ hạn dài có lãi suất cao), phù hợp với cơ chế thị trường trong điều kiện không biến động. Đường cong lãi suất hình thành cũng thể hiện việc phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế hợp lý hơn, các tổ chức tín dụng có thể huy động được nguồn vốn dài hạn và ổn định hơn, giảm chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ.

Với các kỳ hạn ngắn còn áp trần, hiện chưa rõ Ngân hàng Nhà nước có dự tính dỡ bỏ trong thời gian tới hay không. Còn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nhiều, lãi suất các kỳ hạn ngắn thường là công cụ năng động, chủ động hơn trong cạnh tranh huy động vốn.